Home » Chia sẻ, Cuộc sống số, Tiêu biểu sideshow » 12 công nghệ đang đứng trên bờ vực “tuyệt chủng”
Bánh xe công nghệ sẽ quay và nghiền nát tất cả những gì không còn phù hợp với thời đại. Đấy là một sự thật nghiệt ngã của thế giới công nghệ, khi chúng ta dần dần nhìn thấy những công cụ, thiết bị một thời rất gắn bó với cuộc sống hàng ngày giờ chỉ còn hiện diện trong…viện bảo tàng. Trang Maximum PC mới đây đã đưa ra một danh sách gồm 12 công nghệ có nguy cơ bị “tuyệt chủng” trong vòng 10 năm tới.

Trong danh sách này, có đến 6 công nghệ mà theo Maximum PC, tương lai của chúng sẽ rất u ám.

1. Các sản phẩm đa phương tiện được ghi âm sẵn

Trong thời đại Internet, khi gần như mọi thông tin đều được lưu trữ trên mạng toàn cầu thì sự “tuyệt chủng” của các sản phẩm đĩa là điều khó tránh khỏi. Các sản phẩm giải trí thông dụng như nhạc, phim và game đang dần dần được chuyển lên Internet để giảm thiểu các chi phí về đóng gói, bao bì cũng như lưu kho. Ngay cả đến hệ điều hành cho máy tính, mà Google Chrome là một ví dụ, cũng dựa hoàn toàn vào nền đám mây (Cloud), điều này cho thấy một “số phận đã an bài” của đĩa lưu trữ trong tương lai.

2. TV 3D dùng kính phân cực

Hiện nay, để thưởng thức những thước phim 3D hấp dẫn như Avatar hay Tron tại nhà trên dàn TV 3D, bạn vẫn phải đeo một chiếc kính phân cực. Điều này khá khó chịu, đặc biệt là đối với những ai bị cận. Ấy là chưa kể đến chi phí đầu tư cho riêng khoản kính 3D nếu nhà bạn đông người.

Nắm bắt được thực tế đó, các nhà sản xuất đang đầu tư mạnh vào công nghệ 3D không cần kính. Trong hội chợ điện tử tiêu dùng CES 2011 vừa qua, nhiều tên tuổi như Toshiba, LG hay Sharp đã giới thiệu các bản mẫu màn hình 3D không cần kính với những thành công nhất định. Dĩ nhiên, 3D không cần kính sẽ phải mất một thời gian nữa để có thể chính thức đi vào thương mại hoá đại trà cho người dùng cá nhân. Tuy vậy, cái viễn cảnh bạn ngồi trên ghế salon tại nhà, thoải mái thưởng thức những nội dung 3D đẹp mắt mà không phải lọ mọ đi tìm những chiếc kính “xanh xanh đỏ đỏ” chắc chắn sẽ thành hiện thực.

3. Thiết bị đọc sách chuyên dụng

Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy chiếc Kindle yêu quý của mình bị xếp vào danh sách những thiết bị có nguy cơ biến mất trong tương lai. Họ sẽ đưa ra những điểm mạnh của Kindle hay những máy đọc sách tương tự để chứng minh giá trị tồn tại của chúng: gọn nhẹ, dung lượng tương đương hàng trăm cuốn sách giấy, màn hình tối ưu hoá cho việc đọc sách, thời lượng pin tuyệt vời.

Đúng vậy. Đây là những điểm mạnh không phải bàn cãi của máy đọc sách. Tuy nhiên, những ưu điểm trên lại có nguy cơ trở thành nhược điểm khi sự thật chúng chỉ thực hiện được một nhiệm vụ chính là đọc sách. Trong khi khả năng tích hợp nhiều chức năng trong một thiết bị đang là trào lưu hiện nay (với những ví dụ điển hình là iPad hay Galaxy Tab có tích hợp cả tính năng đọc sách), những máy đọc sách “đơn tác vụ” như Kindle khó lòng cạnh tranh. Trong tương lai, nếu các máy tính bảng được phát triển cả phần cứng và phần mềm để tối ưu hóa chức năng đọc sách như e-ink thì các sản phẩm như Kindle thật sự gặp nguy hiểm.

Bên cạnh đó, máy đọc sách còn phải cạnh tranh với một đối thủ khác là điện thoại thông minh. Với những người dùng đặt nặng yêu cầu gọn nhẹ và tích hợp, đọc sách trên màn hình 5″ của Dell Streak hay 4,3″ của HTC HD2 là quá đủ.

4. Ổ đĩa cứng HDD

Nhắc đến HDD, câu hỏi đúng không phải là “Nó có tuyệt chủng hay không?” mà là “Khi nào HDD sẽ chính thức biến mất?” Một thời, đây là một trong thành phần thường xuyên được thay thế hay nâng cấp nhất trong máy tính để bàn, rồi máy tính xách tay. Nhưng nay, ổ cứng HDD đang liên tục bị đe dọa từ nhiều phía, trong đó đặc biệt phải kể đến ổ cứng thể rắn SSD. Tuy giá thành của ổ SSD hiện nay còn khá đắt so với ổ cứng HDD, nhưng những điểm mạnh về tốc độ xử lý và độ bền thật sự khiến người dùng ấn tượng.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các thiết bị “siêu di động” như smartphone hay máy tính bảng cũng là một mối đe dọa gián tiếp. Nhiều người dùng, đặc biệt là giới trẻ, có thể lướt web, kết nối mạng xã hội và trải nghiệm nhiều dịch vụ trực tuyến khác trên những thiết bị này mà không cần đến một chiếc PC/laptop truyền thống.

Cuối cùng, một yếu tố đe dọa khác không thể không nhắc đến chính là hệ điều hành nền đám mây mà Google Chrome là một ví dụ. Với triết lý lưu trữ và xử lý dữ liệu trực tiếp trên Internet, vai trò của những chiếc ổ cứng HDD trở nên thứ yếu.

5. Chìa khóa

Nhiều người sẽ nghĩ chìa khóa là thứ “ít có tính công nghệ” nhất trong danh sách này, nhưng thật sự đây là một trong những công nghệ bảo mật hiệu quả nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, chìa khóa không phải là không có nhược điểm. Không có gì khó chịu hơn một buổi chiều đi làm về, chuẩn bị vào nhà nhưng lại phát hiện mình để quên chìa khóa ở công ty, thậm chí xui xẻo hơn là mất chìa khóa. Từ lý do này, loại cửa ra vào không cần chìa khóa đã được phát minh và ứng dụng vào thực tế. Gần đây, nhiều hãng sản xuất xe hơi đã ứng dụng công tắc khởi động xe không cần chìa khóa vào các mẫu xe mới với mục đích giảm nạn cướp xe, tránh tình huống cửa xe bi khóa với chìa khóa vẫn còn trong xe. Với những công nghệ thay thế chìa khóa đang liên tục được phát triển và ứng dụng, một tương lai với con người được “giải phóng” khỏi những chiếc chìa khóa là điều hoàn toàn khả dĩ.

6. Thiết bị chơi game cầm tay

Hiện nay, cầm 1 chiếc PSP Go hay một chiếc Nintendo DS vẫn còn rất “kool” trong mắt nhiều người, với khả năng chơi những game khủng như trên PS3 hay Xbox 360. Nhưng thử tưởng tượng đến một lúc nào đó, game trên iPhone hay Galaxy S cũng sẽ có đồ họa đẹp như God of War hay Devil May Cry, bên cạnh các tính năng thoại và các tính năng giải trí cao cấp khác. Khi ấy, liệu người dùng sẽ chọn một chiếc máy chơi game cầm tay tương đối cồng kềnh hay một chiếc điện thoại thông minh đa chức năng?

Sự rò rỉ thông tin về chiếc điện thoại PlayStation Phone của Sony Ericsson gần đây cho thấy tính năng chơi game chuyên dụng đã được tích hợp lên điện thoại để giảm bớt một thiết bị mang trên người. Như vậy, dù muốn hay không, chúng ta phải nhìn nhận rằng máy chơi game cầm tay đang dần bị smartphone/tablet “nuốt chửng”.

Khác với 6 cái tên đã bị liệt vào “danh sách tử” ở trên, có những công nghệ dù đứng trên bờ vực nguy hiểm nhưng sẽ chứng minh được giá trị tồn tại của mình và tiếp tục được sử dụng trong tương lai.

7. Máy nghe nhạc kỹ thuật số

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Smartphone hay thậm chí là tablet hiện nay cũng có thể nghe nhạc được, vậy thì tại sao máy nghe nhạc kỹ thuật số lại không bị “xóa xổ” khỏi bản đồ công nghệ trong 10 năm tới?

Đúng là chức năng nghe nhạc của máy MP3 đã được tích hợp vào smartphone hay tablet, nhưng cứ thử nghĩ, buổi sáng bạn chạy bộ với 1 chiếc iPod Shuffle kẹp trên áo sẽ thoải mái và tiện dụng hơn hẳn 1 chiếc iPhone to và nặng. Mặt khác, đối với một số người quan tâm nhiều đến chi phí, 1 chiếc điện thoại bình thường và một chiếc máy nghe nhạc tốt có giá rẻ hơn rất nhiều so với một chiếc điện thoại thông minh. Với những lý do đó, sản phẩm máy nghe nhạc kỹ thuật số tuy không còn “hot” như trước nhưng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và được người dùng yêu thích.

8. Điện thoại cố định

Đây là một trong những công nghệ giao tiếp phải đối mặt với nhiều đối thủ nhất: điện thoại VoIP, nhắn tin/chat và trên hết là điện thoại di động. Theo một khảo sát gần đây thực hiện ở Mỹ, càng ngày càng có nhiều người Mỹ cắt hợp đồng sử dụng điện thoại cố định để chuyển qua các dịch vụ giao tiếp hiện đại hơn.

Tuy nhiên, dù muốn dù không, điện thoại cố định sẽ vẫn được sử dụng trong tương lai, đặc biệt là trong công nghiệp và những ngôi nhà lớn. Tại sao ư, đơn giản là những lúc cúp điện trên diện rộng hay mạng viễn thông gặp sự cố, điện thoại cố định là “vị cứu tinh” cho mọi hoạt động liên lạc. Bên cạnh đó, phí sử dụng điện thoại cố định thường rẻ hơn chi phí gọi điện thoại di động.

9. Động cơ đốt trong

Là “thủ phạm” chính gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới, động cơ đốt trong đang dần dần bị tẩy chay bởi các nhà sản xuất phương tiện giao thông, khi trong triển lãm NAIAS 2011, hàng loạt mẫu xe thân thiện với môi trường được trình làng. Prius, Leaf hay Volt là những cố gắng của các hãng nhằm thay thế động cơ đốt trong bằng các loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn như động cơ hybrid hay động cơ điện.

Tuy nhiên, những mẫu động cơ này vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện với một số nhược điểm như thời gian sạc lâu, quãng đường di chuyển ngắn (đối với xe điện) và vẫn phụ thuộc một phần vào động cơ xăng (xe hybrid). Ấy là chưa kể, để thay thế hoàn toàn hàng trăm triệu phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong hiện nay sẽ phải mất một quãng thời gian không nhỏ. Vì thế, những chiếc xe chạy xăng hay dầu sẽ vẫn còn gắn bó lâu dài với chúng ta.

10, 11 và 12. PC, bàn phím và chuột máy tính

Ba vị trí cuối cùng trong danh sách những “kẻ sống sót” đều liên quan đến chiếc máy vi tính. Vào thập niên 90, khi máy tính xách tay bắt đầu được chế tạo và bán ra, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh đen tối của máy tính để bàn. Tuy nhiên, qua hơn 20 năm, với sự ra đời của hàng loạt các thiết bị hiện đại như máy tính tất cả-trong-một, máy tính xách tay, máy tính bảng, smartphone…, vậy mà chiếc máy tính để bàn cồng kềnh kia vẫn còn đó, chẳng mất đi đâu cả.

Tại sao? Đối với những người bắt đầu dùng máy tính, PC là dòng máy dễ nâng cấp và sửa chữa với chi phí phải chăng nhất. Khi đã trở thành 1 game thủ, 1 nhà thiết kế 3D, một nhà biên tập phim hay bất kì ai cần khai thác triệt để sức mạnh của BXL, GPU, RAM hay ổ lưu trữ, PC sẽ luôn là thiết bị đáng tin cậy nhất.

Tương tự đối với bàn phím và chuột máy tính, bất chấp sự phát triển của những công nghệ hiện đại như nhập liệu bằng giọng nói hay màn hình cảm ứng, bàn phím và chuột sẽ vẫn là những công cụ nhập liệu và điều khiển máy tính hiệu quả nhất.

Theo vnmagic

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc