Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Cơn ác mộng Fukushima đang dần được giải tỏa
Sau khi nâng mức cảnh báo tại nhà máy Fukushima 1 lên cấp độ 7 ngang bằng Chernobyl, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Nhật có dấu hiệu ổn định hơn và lộ trình tiến tới kiểm soát hoàn toàn tình hình đã được vạch ra.
Toàn cảnh nhà máy Fukushima 1 nhìn từ trên cao. Ảnh: AFP

Cam kết kiểm soát và bắt đầu bồi thường

Công ty điện lực Tokyo (Tepco) sở hữu nhà máy Fukushima 1 hôm qua công bố kế hoạch khống chế rò rỉ phóng xạ tại đây trong vòng 3 tháng và làm mát các lò phản ứng trong vòng chín tháng, để tiến tới kiểm soát hoàn toàn cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy này. Kế hoạch bao bọc các lò phán ứng gặp sự cố cháy nổ sau thảm hoạ kép ngày 11/3 cũng đang được tính đến.

AFP dẫn lời chủ tịch Tepco Tshunehisa Katsumata cho biết, đầu tiên cần khoảng 3 tháng để sửa chữa sự cố tại các lò phản ứng bị cháy nổ, nhằm làm giảm mức độ phóng xạ. Sau đó là bước thứ hai mất thêm từ 3 đến 6 tháng để làm nguội các thanh nhiên liệu, ngăn nguy cơ tan chảy hạt nhân và ngưng hoạt động hoàn toàn các lò phản ứng.

Song song với hoạt động trên, các công nhân sẽ xử lý nước nhiễm xạ, ngăn không cho chúng thoát ra ngoài đại dương. Công việc khử nhiễm xạ khu vực đất đai xung quanh nhà máy cũng sẽ được tiến hành. Cuối cùng khi tình hình ổn định, các thanh nhiên liệu hạt nhân sẽ được dỡ khỏi tất cả các lò phản ứng của nhà máy Fukushima 1, kể cả của hai lò số 5 và 6 còn nguyên vẹn sau thảm hoạ.

Như vậy, nếu thời hạn tối đa 9 tháng diễn ra đúng như kế hoạch của Tepco, sự cố tại nhà máy Fukushima 1 sẽ được giải quyết dứt điểm và tiến tới đóng cửa hoàn toàn cơ sở hạt nhân này. Khi đó, hàng chục nghìn gia đình phải sơ tán khỏi khu vực xung quanh nhà máy có thể trở về nhà sau thời gian dài sống trong các trung tâm tạm thời.

Trong khi đó, tuần qua chính phủ Nhật đã lệnh cho Tepco bắt đầu tiến hành bồi thường cho những cá nhân và gia đình chịu ảnh hưởng từ sự cố rò rỉ phóng xạ ở Fukushima 1. Theo đó khoảng 48.000 hộ gia đình sống trong bán kính 30 km của nhà máy phải đi sơ tán khẩn cấp sẽ được nhận tiền đền bù.

Số tiền bồi thường ban đầu cho các tổn thất từ việc sơ tán hoặc phải ở yên trong nhà tránh phóng xạ sẽ được chi trả từ ngày 28/4 tới. Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano cho biết, mỗi hộ gia đình chịu ảnh hưởng sẽ nhận được một triệu yên (tương đương khoảng 12.000 USD).

Đây mới chỉ là khoản thanh toán ban đầu mà Tepco phải chi trả trong tổng số tiền bồi thường khổng lồ lên tới hàng tỷ USD. JP Morgan ước tính công ty này có thể đối mặt với khoản tiền bồi thường lên tới 24 tỷ USD. Trong bối cảnh đó đã có những ý kiến phản đối của người dân chịu ảnh hưởng vì sự chậm trễ trong đền bù.

Fukushima không thể sánh với Chernobyl

Động thái gây chú ý mạnh kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng hạt nhân là việc Nhật quyết định nâng mức cảnh báo tại nhà máy Fukushima 1 từ cấp độ 5 lên cấp độ 7, cấp cao nhất trong thang chia tai nạn hạt nhân của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ngang bằng với vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới Chernobyl.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình ở Fukushima 1 không thể so sánh với Chernobyl dù cùng cấp độ 7. Giáo sư vật lý Đại học Surrey của Anh Paddy Regan nhận xét: “Xếp vào cấp độ 7 có nghĩa là có một sự rò rỉ phóng xạ ra môi trường rộng lớn, nhưng tình hình ở Fukushima 1 không giống như Chernobyl. Lượng phóng xạ phát tán ra ngoài ở đây thấp hơn nhiều và cách phát tán cũng rất khác nhau”.

Sự khác biệt lớn nhất là việc lò phản ứng ở Chernobyl nổ tung trong khi đang hoạt động, khiến lõi hạt nhân tan chảy và phóng xạ phát tán ra ngoài ở mức không thể kiểm soát. Trong khi các vụ cháy nổ tại Fukushima 1 chỉ là nổ khí hydro sau khi các lò phản ứng đã ngừng hoạt động và lõi hạt nhân vẫn còn gần như nguyên vẹn. Phóng xạ rò rỉ tại đây là do hở vỏ lò phản ứng và nước nhiễm xạ tràn ra ngoài.

Một số so sánh cho thấy Chernobyl nghiêm trọng hơn Fukushima: Tính đến ngày 12/4, lượng phóng xạ rò rỉ từ nhà máy Fukushima 1 là 370.000 terabecquerel, so với 5,2 triệu terabecquerel của Chernobyl. Khu vực nhiễm xạ cao hơn giới hạn cho phép xung quanh nhà máy Fukushima 1 có bán kính cách đó 60 km, trong khi khu vực nhiễm xạ nguy hiểm ở Chernobyl nằm cách xa nhà máy này trên 500 km.

Dù sự cố tại Fukushima 1 và Chernobyl là hai trường hợp tai nạn hạt nhân đầu tiên trong lịch sử cùng được xếp vào cấp độ báo động số 7, nhưng hậu quả đối với sức khoẻ con người tại Nhật cũng thấp hơn nhiều so với tại Ukraine trước kia. Nguyên nhân chính là do số lượng phóng xạ rò rỉ tại Fukushima 1 chưa bằng một phần 10 so với Chernobyl theo số liệu của IAEA.

Khu vực màu đỏ có bán kính 20 km tính từ nhà máy Fukushima 1 là bắt buộc sơ tán. Khu vực màu vàng có bán kính 30 km được khuyến cáo sơ tán đề phòng nhiễm xạ. Ảnh: BBC

Trên thực tế, việc Nhật nâng mức độ nghiêm trọng của nhà máy Fukushima 1 lên mức ngang bằng Chernobyl không có nghĩa tình hình tại đây xấu thêm. Cục an toàn công nghiệp hạt nhân Nhật (NISA) đã phân tích lại số liệu của vụ tai nạn và thấy rằng tổng số phóng xạ phát tán từ nhà máy Fukushima 1 đã cao đến mức phải xếp sự cố tại đây vào cấp độ 7 chứ không phải cấp độ 5 như trước.

Hành động này là tuân theo chỉ dẫn của IAEA, trong đó ưu tiên đánh giá mức độ nghiêm trọng của một vụ tai nạn bằng cách dựa trên tổng số phóng xạ đã phát tán. Theo đó cấp độ 7 của khủng hoảng hạt nhân được áp dụng khi có lượng phóng xạ thoát ra bên ngoài tương đương hàng trăm ngàn terabecquerel đồng vị phóng xạ iodine-131.

Chiểu theo quy định này, NISA tổng hợp lại số liệu và thấy rằng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima 1, nhà máy đã làm thoát ra môi trường khoảng 370.000 terabecquerel đồng vị phóng xạ từ các lò phản ứng gặp sự cố số 1,2 và 3, nghĩa là cao hơn so với ước tính ban đầu của họ.

Phần lớn số phóng xạ trên bị rò rỉ vào không khí trong những ngày đầu sau khi xảy ra động đất và sóng thần hôm 11/3. Sau đó mức phóng xạ giảm dần và giới chức Nhật vừa đưa ra tuyên bố lượng phóng xạ phát tán từ nhà máy Fukushima 1 đang có xu hướng giảm dần đến mức ổn định. Điều này cho thấy việc Nhật nâng từ cấp độ 5 lên cấp độ 7 chỉ là do dựa vào việc phân tích lại và tổng hợp số liệu, chứ không phải do tình hình tại cơ sở hạt nhân này đột ngột xấu đi.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc