Home » Xã hội » Giọt nước tràn ly
dang ngoc vietVụ một người bị thu hồi đất tự sát sau khi xông vào trụ sở UBND Thành phố Thái Bình nổ súng vào 5 cán bộ địa chính, làm chết một lãnh đạo gây thương tích cho 3 cán bộ khác, đã trở thành sự kiện nóng trên báo chí cho tới diễn đàn Quốc hội.

Người dân bị dồn vào đường cùng

Báo mạng Dân Trí ngày 12/9 đưa tin, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ vụ việc ở Thái Bình với vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, để khẳng định việc thu hồi đất thực sự là một vấn nạn đầy phức tạp bức xúc.

Tuy vậy phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận để chốt lại Dự luật Đất đai sửa đổi vẫn có nhiều ý kiến giữ lại một nội dung từng gây tranh cãi gay gắt. Đó là việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội, nhưng sẽ bổ sung phân cấp thẩm quyền cho phép thu hồi và diện tích thu hồi theo thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng và Hội đồng Nhân dân.

GSTS Nguyễn Thế Hùng ở Đà Nẵng, một nhân vật tích cực với vấn đề phục hồi xã hội dân sự, nhận định về tình trạng giọt nước tràn ly liên quan đến vấn đề thu hồi đất đai, qua vụ Tiếng súng Hoa cải Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cũng như vụ Đặng Ngọc Viết bắn lãnh đạo Địa chính rồi tự sát ở Thái Bình.

“Vụ việc vừa rồi đúng là đáng báo động, bởi vì người dân bị dồn vào đường cùng. Một số quan chức Nhà nước móc ngoặc với đại gia để họ bán đất ăn trên đầu trên cổ nhân dân, gây ra một làn sóng phẫn uất rất chính đáng và gọi là tức nước vỡ bờ. Cho nên phải thừa nhận sở hữu tư nhân và khi thu hồi đất phải trên cơ sở thỏa thuận giữa người dân và cơ quan thu hồi đất, bởi vì thỏa thuận thì người dân được đền bù chính đáng. Không có khoản tiền chênh lệch thì quan tham mới không chui vào đó ăn được. đó là một trong những cách hạn chế tham nhũng.”

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ở Hà Nội hôm 12/9, một ngày sau vụ ông Đặng Ngọc Viết tự sát sau khi bắn chết lãnh đạo Địa chính Thành phố Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, chỉnh lý dự thảo Luật Đất Đai lần này cần phải quán triệt quan điểm các dự án có tầm quan trọng như thế nào mới thực hiện thu hồi đất, còn lại phải giải quyết theo các phương thức khác.

noi tu tuTrong dịp trả lời chúng tôi chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nhận định, Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Qui định này mù mờ về chủ sở hữu cũng người đại diện chủ sở hữu. Theo Hiến pháp 1992 Nhà nước có quyền thu hồi đất để phục vụ mục tiêu quốc phòng an ninh và lợi ích công cộng. Nhưng Luật Đất đai lại bổ sung thêm là Nhà nước có thể thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế xã hội. TS Lê Đăng Doanh phân tích:

“Điều này quá rộng và không xác định rõ, cho nên dẫn đến việc thu hồi đất của nông dân và đền bù với một giá rất thấp rồi chuyển giao cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước và ăn chênh lệch giá đó, giá đất thì thường xuyên được đẩy lên rất cao cho nên làm cho giá bất động sản của Việt Nam tăng lên cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Đấy là một vấn đề rất là gay gắt, cho nên hiện nay đang có nhiều phương án đưa ra để thảo luận.”

Báo Thanh Niên Online ngày 12/9 trích lời ông Đặng Ngọc Vinh, anh trai của ông Đặng Ngọc Viết cho rằng, hành động của em mình là do bức xúc quá lâu về chuyện đền bù giải tỏa đất của gia đình. Vẫn theo tờ báo, kết quả giám định pháp y khẳng định không phát hiện chất ma túy trong cơ thể Đặng Ngọc Viết, công an địa phương cũng xác nhận hoàn cảnh gia đình Viết rất éo le và Viết chưa từng có tiền án, tiền sự.

Giá đền bù không hợp lý

Theo báo mạng Đất Việt, người vợ sắp cưới của kẻ tự sát sau khi xả súng ở Thái Bình mà nhà báo ghi tên tắt là N.T.N cho biết, Đặng Ngọc Viết nhiều lần tỏ ra bức xúc vì đất của gia đình không được đền bù với giá hợp lý. Cụ thể đền bù 7 triệu đồng/mét vuông, trong khi giá thị trường hơn 10 triệu đồng/ mét vuông. Tờ báo ghi nhận, căn nhà và đất của Đặng Văn Viết ở Thành phố Thái Bình được áp giá đền bù gần 500 triệu đồng, nhưng Chính quyền không trả một lần và chia làm nhiều lần. Sau khi nhận được ba đợt, Đặng Ngọc Viết có nguyện vọng trả lại toàn bộ tiền đã nhận và yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Thái Bình chuyển sang hình thức cấp đất ở khu tái định cư, chấp nhận đóng thêm tiền như qui định, nhưng không được chính quyền chấp nhận.

Vụ bắn cán bộ địa chính và tự sát ở Thái Bình chỉ là một trong hàng chục ngàn vụ rắc rối có liên quan đến thu hồi đất đai và đền bù không thỏa đáng. Báo chí ghi nhận hàng trăm vụ biểu tình hoặc chống đối cưỡng lệnh thu hồi đất để chính quyền thực hiện các dự án có tính cách thương mại, như Ecopark Hưng Yên hoặc đơn lẻ nhưng gây tiếng vang lớn, như vụ nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng.

LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội, trong dịp trả lời Nam Nguyên cho rằng, vấn đề đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đã giúp cho nhiều địa phương thu hồi đất của người dân và đền bù không thỏa đáng. LS Trần Vũ Hải nhận định:

“Người dân vẫn lo ngại là đến một ngày nào đó người chủ đất thực sự được coi là nhà nước lấy lại, thu hồi lại như hiện nay thì sao? Nếu đó là sở hữu tư nhân thì lúc đó anh muốn làm gì với tôi là phải trên cơ sở mua bán tức là trên cơ sở quan hệ thị trường, quan hệ giá trị chứ không phải là anh định đọat anh thu hồi anh cho rằng cái giá này là hợp lý, giá kia không hợp lý, tức là giá theo ý chủ quan của Nhà nước nhưng thực ra là ý chủ quan của một số quan chức địa phương thôi. Cho nên chúng tôi cho rằng, đất đai rõ ràng cần phải được nhìn nhận như là tài sản có sở hữu rõ ràng mà ở đây là sở hữu tư nhân.”

Câu chuyện thu hồi đất và nhà ở rồi đền bù thấp hơn giá thị trường dẫn tới sự sự kiện ông Đặng Ngọc Viết trút hết oán hận lên những người thực hiện chính sách thu hồi đất của địa phương. Ở đây cụ thể là Ban Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quĩ đất Thành phố Thái Bình và Đội giải phóng mặt bằng. 

Trong dịp trả lời Nam Nguyên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định về nhu cầu cải tổ chính sách để thực hiện công bằng trong đền bù thu hồi đất. 

“Nên giao việc định giá cho một tổ chức định giá, hội đồng định giá với những nhà chuyên môn thì họ định giá mảnh đất thu hồi, để người mất đất phải có một cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ và việc tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất, họ phải có một cuộc sống ổn định không giống như thời gian trước thu hồi đất người dân phải ở những nơi không tốt. Chúng tôi đã góp ý kiến nghị Quốc hội qua rất nhiều cuộc hội thảo theo hướng giải quyết cho người dân như vậy thì nó sẽ hạn chế được những tranh chấp.” 

Nếu trong Quí IV này Quốc hội Việt Nam thông qua bản Hiến pháp tu chính, thì đồng thời Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ được thông qua. Các chuyên gia dự đoán sẽ không có đột phá thay đổi qui định đất đai sở hữu toàn dân mà thực chất là sở hữu Nhà nước vì Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định. Tuy vậy, những người quan tâm hy vọng Luật Đất Đai sau khi sửa đổi sẽ hạn chế vấn đề thu hồi đất để thực hiện các dự án có tính cách thương mại, khả dĩ bảo vệ quyền lợi của người dân bị thu hồi đất với giá trị đền bù thỏa đáng.

Nam Nguyên

Theo rfa

Chuyên đề:

2 ý kiến dành cho “Giọt nước tràn ly”

  1. dân ngu 14/09/2013

    NẾU ĐI MUA ĐẤT VỚI SỐ TIỀN 500 TR CHỈ ĐƯỢC 1/3 SỐ ĐẤT ĐƯỢC ĐỀN BÙ ( CHƯA CÓ NHÀ)VÀ KHỐN KHỔ NHÂN ĐÔI LÀ CHẮC CHẮN, NHƯNG CHẾT THÌ VỢ CON AI NUÔI ? SO VỚI SYRI VẪN CÒN SƯỚNG CHÁN; CÁI TÔI LỚN QUÁ – LÀM GÌ CÓ CÔNG BẰNG ? CHỊU THIỆT MỘT TÍ VẪN SỐNG TỐT

    Reply
    • Pham minh tam 14/09/2013

      Căng thẳng ,mệt mỏi rồi đến trầm cảm con người ấy sẽ không làm chủ được bản thân mình, họ sẽ hành động không bình thường, xem cái chết chẳng là cái gì…gia đình tôi có 2 người bị stress ,tôi hiểu rõ những người có vấn đề.

      Reply

Ý kiến bạn đọc