Home » Chuyện lạ, Giải trí » Thót tim cảnh người nhảy dù suýt bị thiên thạch rơi trúng
Một người nhảy dù Na Uy suýt bị một thiên thạch rơi trúng giữa trời khi nó đang lao về phía Trái đất.

Cảnh tượng thót tim, xưa nay hiếm đã được ống kính máy quay gắn trên mũ người nhảy dù ghi lại.

Sự cố hy hữu xảy ra với Anders Helstrup khi anh đang luyện tập cùng các thành viên khác thuộc Câu lạc bộ nhảy dù Oslo ở Hedmark, đông nam Na Uy. Đúng lúc anh Helstrup bật dù sau khi nhảy ra khỏi máy bay giữa trời, một thiên thạch đã sượt qua với vận tốc hơn 482km/h.

Người đàn ông ưa thích môn thể thao mạo hiểm đã may mắn thoát chết trong gang tấc, do thiên thạch chỉ ở cách anh không đầy 1 mét. Lúc đó, anh Helstrup cảm thấy điều bất thường, nhưng không biết chính xác là gì.

Thót tim cảnh người nhảy dù suýt bị thiên thạch rơi trúng

Sau khi xem lại đoạn video do máy quay gắn trên mũ bảo hiểm ghi được, anh Helstrup mới rõ mình may mắn tới mức nào. “Khi cho tạm dừng video, chúng tôi có thể nhìn rõ thứ gì đó trông giống như một hòn đá. Ban đầu, tôi nghĩ hòn đá đã được buộc vào dù của mình, nhưng trông nó quá to cho việc đó”, anh Helstrup bộc bạch.

Anh Helstrup rốt cuộc đã liên lạc với Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Oslo để nhờ giải đáp thắc mắc. Các chuyên gia tại đây vô cùng ấn tượng với đoạn video và nói, hòn đá lạ chắc chắn là một thiên thạch đang đâm xuyên bầu khí quyển Trái đất.

“Hình dạng hòn đá mang nét đặc trưng của các thiên thạch, với bề mặt mới nứt vỡ ở một bên, trong khi phía bên kia hình tròn”, nhà địa chất Hans Amundsen nhận định. Chuyên gia này tin, hòn đá là một phần của thiên thạch lớn hơn, đã bị nổ tung phía trên anh Helstrup khoảng 19km.

Theo giải thích của tiến sĩ Amundsen, khi các thiên thạch xâm nhập bầu khí quyển Trái đất, chúng nóng lên và thải bớt vật liệu phát sáng, tạo nên những vệt sáng rực rỡ trên bầu trời mà chúng ta thường gọi là “sao băng”. Khi ở độ cao 19km so với mặt đất, phần còn lại của thiên thạch sẽ giảm tốc và dừng vỡ vụn, tạo ra ánh sáng rõ thấy – giai đoạn được gọi là “chuyến bay tối”.

Hiện mọi người đang tập trung tìm kiếm thiên thạch sượt qua anh Helstrup. Thông qua phân tích đường đi, các chuyên gia đã giới hạn phạm vi tìm kiếm trong một vùng diện tích 100m2.

(Theo khoahoc.com.vn)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc