Home » Xã hội » Tiến sĩ, thạc sĩ nhiều, nhưng… không mạnh

Ông Nguyễn Văn Bộ- Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng: Nguồn lực của chúng ta hiện nay đông, tiến sĩ thạc sĩ nhiều nhưng không mạnh là vì chưa biết cách dùng.

Thưa ông, Việt Nam được xem là cường quốc về nông nghiệp, trong đó có nhiều loại nông sản xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới, vậy tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn giống cây trồng tốt, phải lệ thuộc vào nhập khẩu?
Ông Nguyễn Văn Bộ (ảnh) - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS)

Ông Nguyễn Văn Bộ (ảnh) – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS)

– Từ một nước thường xuyên thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, nay Việt Nam đã đủ ăn, năng suất cây trồng đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực và đang đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, đúng là đến nay chúng ta vẫn chưa có những giống cây trồng thực sự chất lượng tốt, cho giá trị kinh tế cao. Gạo chúng ta xuất khẩu rất mạnh, nhưng chẳng có thương hiệu tên tuổi gì, chỉ ghi chung chung “gạo trắng Việt Nam”, trong khi nói đến gạo Thái Lan người ta nghĩ ngay đến Jasmine, Khaodakmali; Ấn Độ, Pakistan cũng nổi tiếng với giống lúa Basmati, thậm chí Campuchia cũng có những giống lúa rất tốt… Về điều này, nguyên nhân một phần là do lịch sử của chúng ta để lại.

Trước đây đời sống người dân còn đói, nên nghiên cứu giống lúa phải phục vụ an ninh lương thực là chính, do đó tất cả các giống trong giai đoạn trước đều phải đạt yêu cầu về năng suất, phổ thích nghi rộng, cấy vụ nào cũng được thì mới được công nhận, ví dụ như khang dân, Q5, IR50404… Từ nhận thức đó, chúng ta gần như không quan tâm gì đến chế biến, đầu tư, các doanh nghiệp cũng gần như không quan tâm đến sản xuất mà chỉ thu gom, chế biến rồi bán ra thị trường.

Cơ chế hiện nay là tạo ra quá nhiều nhà khoa học, nhưng mới chỉ được bề rộng, chứ không có nhà khoa học sâu.

Cơ chế hiện nay là tạo ra quá nhiều nhà khoa học, nhưng mới chỉ được bề rộng, chứ không có nhà khoa học sâu.

Trong 5 năm qua, Viện VAAS đã có 260 giống cây trồng được công nhận, trong đó công nhận chính thức 95 giống (25 giống lúa, 10 giống ngô, 10 giống đậu đỗ, 4 giống cây có củ, 10 giống rau, 4 giống cây ăn quả, 4 giống chè, 11 giống cà phê và 2 giống mía…) và 165 giống khác được công nhận cho sản xuất thử, nhưng các thành tựu này chưa thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Không chỉ thiếu nguồn cung, mà hiện tượng thoái hóa giống cây trồng cũng đang gây khó khăn cho sản xuất.

Trong khi đó, cơ cấu sản xuất giống tại nhiều địa phương cũng đang ôm đồm nhiều loại giống khác nhau, chưa quan tâm tới việc xây dựng nhóm giống chủ lực của mỗi vùng, hệ quả là chúng ta có rất nhiều giống nhưng quá hiếm giống nổi trội về chất lượng, kháng sâu bệnh…

Nhưng thưa ông, rõ ràng chúng ta có một đội ngũ nghiên cứu khoa học nông nghiệp rất hùng hậu?

– Đúng như vậy, Việt Nam có hệ thống nghiên cứu khoa học – công nghệ nông nghiệp gồm các viện, trường học, trung tâm khá hùng hậu, với đội ngũ cán bộ nghiên cứu gần 11.000 người, song vẫn thiếu nhà khoa học giỏi, chúng tôi gọi là nhà khoa học “đầu đàn”. Hiện nay, cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư phần lớn đã cao tuổi; tỷ lệ cán bộ khoa học có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu đưa lại kết quả tốt thì rất ít, trong khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên nhiều nhà khoa học giỏi bỏ ra ngoài làm, hoặc thành lập doanh nghiệp riêng…

Tôi vẫn nói với mọi người rằng, nếu nông nghiệp có lỗi gì, thì đó là lỗi của khoa học quản lý và chính sách, chứ không phải khoa học kỹ thuật. Thay vì chỉ đạo sản xuất, chúng ta cần điều hành thị trường, điều hành doanh nghiệp và có cơ chế, chính sách sử dụng “chất xám” của các nhà khoa học thật hợp lý.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, lĩnh vực nghiên cứu phát triển nông nghiệp nước ta còn yếu, không hấp dẫn nhà khoa học là do vốn đầu tư thấp, nhà khoa học không sống được, vậy quan điểm của ông như thế nào?

– Thực tế là kinh phí cho nghiên cứu khoa học những năm gần đây đã tăng 10-12%/năm, so với thế giới thì rất ít, nhưng với bối cảnh nước ta hiện nay thì đó là một sự cố gắng. Nhưng tôi cho rằng vấn đề không phải là bao nhiêu tiền, mà do phương thức sử dụng. Hiện nay Việt Nam chưa biết cách sử dụng hiệu quả những đồng tiền ít ỏi đó.

Kinh phí có hiệu quả hay không quyết định bởi con người, cụ thể ở đây là nhà khoa học. Lâu nay, tất cả các đối tượng quản lý của chúng ta đều lấy trọng tâm quản lý là tiền, theo tôi đó là sai lầm, đối tượng quản lý phải là nhà khoa học; nhà khoa học sẽ quyết định tiền đó sử dụng thế nào cho hiệu quả.

Người ta có thể xây phòng thí nghiệm hàng triệu đô la chỉ trong 3 tháng, nhưng để có người sử dụng một thiết bị trong đó thật tốt, có khi phải 10-15 năm. Do đó, tôi cho rằng điều đầu tiên là chúng ta phải tạo ra được một số nhà khoa học đầu đàn trong một số lĩnh vực. Cơ chế hiện nay là tạo ra quá nhiều nhà khoa học, nhưng mới chỉ được bề rộng, chứ không có nhà khoa học chuyên sâu. Nay đấu thầu đề tài về lúa, mai đấu thầu ngô, ngày kia lại đậu đỗ, tức là cách nghiên cứu hiện nay chỉ nghiêng về việc đảm bảo hoạt động cho một số tổ chức, đơn vị, chứ không đem lại nhiều hiệu quả cho sản xuất.

Thứ hai là phải tạo lập ra các trường phái trong nghiên cứu khoa học, giống như xây một cái nhà, có mấy phương pháp thi công khác nhau để có một cái nhà như ý, sản phẩm khoa học cũng phải như vậy, nhiều trường phái với nhiều ý tưởng khác nhau, từ đó Nhà nước sẽ lựa chọn được những đề tài tốt nhất, hiệu quả nhất để đầu tư tiền vào đó.

Nguồn lực của chúng ta hiện nay đông, tiến sĩ thạc sĩ nhiều nhưng không mạnh là vì chúng ta chưa biết cách dùng.

Vậy nếu lựa chọn và thu hút được những nhà khoa học đầu đàn, chúng ta cần đầu tư như thế nào, thưa ông?

“Ở các nước tiên tiến, có nhà khoa học suốt đời chỉ nghiên cứu một vấn đề, chứ không ôm đồm tất cả mọi thứ như nhà khoa học nước ta. Đừng để nhà khoa học giỏi phải đi “buôn”, đi lo cơm áo gạo tiền nữa, mà Nhà nước phải có đầu tư thật sự và tạo động lực cho họ, để nhà khoa học giỏi có thể làm giàu từ công trình nghiên cứu của mình”
Ông Nguyễn Văn Bộ

– Điều này liên quan đến kinh phí, theo tôi đừng làm dàn trải nữa mà hãy tập trung nguồn lực cho những nhiệm vụ chủ lực và nhà khoa học chủ lực, có thể là 70% kinh phí, còn lại 30% làm các nhiệm vụ khác. Tất nhiên là chúng ta phải nghiên cứu nhiều thứ, nhưng mỗi giai đoạn khác nhau, phải có sự ưu tiên. Thí dụ trong nghiên cứu lúa hiện nay, thay vì lúa số lượng thì nên tập trung vào lúa chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và thay vì quản lý tiền, nay chuyển sang quản lý nhà khoa học, hướng tới làm sâu một vài vấn đề nào đó.

Tôi nghĩ một trong những vấn đề làm cho khoa học nghiên cứu giống nước ta khó “cất cánh” là việc xét duyệt đề tài và cung cấp kinh phí, có thể thêm cả quản lý nữa. Cũng như ở nhiều nước khác, mỗi năm các nhà khoa học nộp đề cương nghiên cứu, sau đó sở KHCN (hay cơ quan có chức năng tương tự) tổ chức xét duyệt đề cương; nếu được phê chuẩn thì nhà khoa học sẽ được cung cấp kinh phí để thực hiện dự án. Vấn đề là có rất nhiều người làm công tác xét duyệt, lựa chọn đề tài không hề làm khoa học, hay có làm thì chuyên môn chẳng dính dáng gì đến đề tài nghiên cứu. Vì thế có những đề tài “vụn vặt” vẫn được chọn.

Ngoài ra, quy trình chọn đề tài để đưa ra hội đồng xét duyệt hiện nay cũng còn hạn chế. Có thể tóm tắt như sau: Bước 1, cơ quan cấp bộ (ví dụ Bộ NNPTNT) kêu gọi các nhà khoa học nêu ý tưởng; bước 2, các nhà khoa học nộp ý tưởng; bước 3, các nhà khoa học, cá nhân khác, có thể không phải là người nêu ý tưởng, tham gia đấu thầu và người đấu thầu giá thấp nhất sẽ được mời viết đề cương và xét duyệt. Giờ phải thay đổi cách làm, theo đó, bên cạnh việc đấu thầu đề tài, cần có cơ chế “giao” những đề tài cấp thiết, khó cho những cá nhân, đơn vị có khả năng thực hiện. Tức là phải thay đổi cả về cơ chế xác định nhiệm vụ, tức là xuất phát từ nhu cầu sản xuất, thay vì mong muốn của nhà khoa học. Khi đó các sản phẩm khoa học mới có địa chỉ áp dụng.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Dân Việt.)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc