Home » Xã hội » Công trình thiếu điện, dân thiếu nước

Được bàn giao từ hơn 1 năm nay nhưng công trình nước sạch tại buôn Cuăh (xã EaNa, Krông Ana, Đăk Lăk) không thể hoạt động do không có điện.

Theo hồ sơ, công trình này có vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho hơn 55 hộ dân, do Phòng Dân tộc huyện Krông Ana là chủ đầu tư. Tháng 10.2013, công trình được hoàn thành và bàn giao về cho xã. Nhưng từ đấy, công trình này chỉ để “làm cảnh”, dân vẫn phải đi gùi nước về dùng. Trong khi đó nhiều thiết bị của công trình như vòi nước, rô bi nê, ống dẫn nước, van khóa, van đóng mở nước, đồng hồ nước… đã bị tháo, bẻ, đập vỡ.

Anh Y Biên Niê cho biết: “Từ khi có công trình nhiều hộ đã lấp giếng. Nhưng ngờ đâu, chỉ thấy mấy cái vòi nước chứ chẳng thấy nước đâu, dân lại phải ra suối gánh nước về dùng”. Ông Y Jai Knul cũng bức xúc: “Thà đừng làm vừa đỡ tốn tiền nhà nước mà dân cũng khỏi hy vọng, chủ động đào giếng dùng”.

Trong khi người dân thiếu nước thì công trình tiền tỷ này lại để hư hỏng.

Trong khi người dân thiếu nước thì công trình tiền tỷ này lại để hư hỏng.

Ông Nguyễn Đức Chơn – Phó Chủ tịch xã Ea Na cho biết, sau khi có phản ánh của dân, huyện đã có chỉ đạo xã tạm thời trích ngân sách để đấu nối điện. Hiện công trình đã có điện nhưng để đưa vào hoạt động thì cần phải sửa chữa. Kinh phí cũng như thời gian cho việc sửa chữa này chưa biết sẽ mất bao nhiêu vì chưa thống kê được hư hại. Về việc công trình không có điện nhưng vẫn được nghiệm thu, ông Chơn lý giải, do lúc nghiệm thu, đơn vị thi công đã dùng nguồn điện của nhà cộng đồng buôn Cuăh để vận hành.

Ông Y Pil Êban – Phó Chủ tịch xã (không phụ trách lĩnh vực này) không để ý nên đã ký nghiệm thu. Lý giải về sự “tréo ngoe” này, bà Đinh Thị Kim Phương – Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Anacho biết: “Khi vận hành để nghiệm thu thì nhà cộng đồng buôn vẫn có điện (do có bộ đội ở) nên cứ nghĩ là sẽ có điện để vận hành công trình. Hơn nữa trong thiết kế công trình không có hạng mục này nên đơn vị thi công cũng không làm (?). Sau khi phát hiện bất cập trên, huyện đã tìm cách xử lý nhưng do không có kinh phí nên mới để kéo dài đến nay”.

Được biết, để đấu nối điện cho công trình này, xã chỉ cần bỏ ra hơn 3 triệu đồng. Chẳng hiểu huyện Krông Ana quá nghèo hay đấy chỉ là cái cớ để ngành chức năng biện hộ cho sự thờ ơ của mình? Theo bà Phương, sau khi xã nối điện, công trình đã bắt đầu đưa vào sử dụng. Đối với những hư hỏng, huyện đang kiểm tra và cho sửa chữa.

(Theo Dân Việt.)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc