Home » Xã hội » Không đơn giản có tiền là xong

“Chúng tôi làm kinh doanh nhưng ở huyện nghèo thì nhiều khi tính phục vụ được đặt lên cao nhất” – ông Lê Ngọc Dũng- Giám đốc Điện lực huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu tâm sự như vậy.

Để mọi nhà có điện… 3 năm trước, đến với huyện Tân Uyên- huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, ánh sáng đèn dầu leo lét những buổi tối bên những bàn học của con trẻ làm những người từng được hưởng ánh sáng điện không khỏi chạnh lòng. Nhưng hôm nay trở lại, thấy nhiều xã, bản thuộc địa bàn khó khăn trong huyện như: Nậm Sỏ, Nậm Cần, Hố Mít, Pắc Ta, Mường Khoa… đã có điện lưới quốc gia.
Phát triển lưới điện rộng khắp mang đến cho cuộc sống và sản xuất ở vùng cao Tân Uyên (Lai Châu) nhiều thuận lợi lớn.

Phát triển lưới điện rộng khắp mang đến cho cuộc sống và sản xuất ở vùng cao Tân Uyên (Lai Châu) nhiều thuận lợi lớn.

Ông Lê Ngọc Dũng-Giám đốc Điện Lực huyện Tân Uyên cho biết: Mấy năm trước, tiếng là điện đã kéo về 6 xã trong huyện nhưng thực ra mới chỉ tới được trung tâm xã, còn hầu hết các bản vẫn trắng điện lưới quốc gia nên lượng khách hàng trong huyện chỉ vẻn vẹn có gần 4.000 hộ, doanh thu đạt có 350 triệu đồng. Nhưng 3 năm nay, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, ngành điện xác định phải góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo. Dưới sự chỉ đạo, đầu tư của Công ty Điện Lực Lai Châu và chính quyền địa phương, chúng tôi vừa nâng cao chất lượng tham mưu, vừa đẩy mạnh mọi hoạt động với phương châm đơn giản nhất, gần gũi nhất. “Mọi hộ dân đều thành khách hàng của ngành điện, nhờ vậy đến nay hầu hết các cụm dân cư đều được phủ lưới điện quốc gia. Tà Mít là xã cuối cùng trong huyện được đóng điện vào cuối tháng 5.2014, nâng tỷ lệ hộ có điện lưới trong huyện lên tới 98%…”- ông Dũng chia sẻ. Thêm những cơ hội mới

“Nói thì đơn giản nhưng để thực hiện mục tiêu “Mọi hộ dân đều thành khách hàng” của Điện lực Tân Uyên không chỉ đơn giản có tiền là xong. Chỉ tuyến đường từ huyện vào xã Nậm Sỏ dài 50km, đường điện 35kV vào xã dài 35km, để kiểm tra toàn tuyến, cán bộ, nhân viên ngành điện phải lặn lội cả tuần mới xong trong khi doanh thu ở địa bàn này chưa đầy vài chục triệu một tháng, chẳng đủ chi lương cho công nhân. Nhưng chúng tôi quyết tâm và địa bàn đó đã có điện…”.

Ông Lê Ngọc Dũng

“Điện lưới quốc gia kéo về không chỉ mang tới ánh sáng điện mà còn mở ra những cơ hội làm ăn mới” – anh Lù A Sua, dân tộc Mông ở bản Hố Ít xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên bảo vậy. Cũng theo anh Sua, từ ngày xã Nậm Sỏ có điện lưới (2013) đời sống của bà con thay đổi hẳn, hàng ngày được xem tivi, nghe đài, có quạt mát lại chạy được máy xay xát, máy chế biến thức ăn gia súc, máy tuốt lúa, tẽ ngô nên bà con phấn khởi lắm. Ngay như tôi học nghề sửa xe máy về nhưng bây giờ mới làm ăn được vì không có điện thì việc sửa xe rất kém hiệu quả, mọi thứ phải làm thủ công, vừa chậm vừa không chuẩn được nên rất ít khách. Từ khi có điện, khách đông hẳn, thu nhập tăng cao gấp 3-4 lần, phải tuyển thêm người giúp việc. Trong phòng làm việc của UBND xã Mường Khoa, những chiếc máy tính nối mạng mang tới cho các cán bộ xã nhiều thuận lợi về thông tin đa chiều. Ông Hoàng Văn Pai-Chủ tịch UBND xã, tâm sự: Điện lưới về cán bộ, nhân dân đều phấn khởi, công tác tốt hơn, làm ăn cũng tốt hơn. Hai năm có điện lưới, số lượng tivi, đài, đầu đĩa, máy móc nông cụ của nông dân tăng tới 3 lần. Chúng tôi làm việc cũng đỡ vất vả hơn và đặc biệt có thể tra cứu nhiều thông tin trực tiếp trên mạng giúp quá trình hoạch định, tham mưu với cấp trên; tuyên truyền, giải thích với nhân dân được tốt hơn, nhanh hơn. Không có điện thì xoá đói nghèo cũng khó chứ nói gì tới xây dựng nông thôn mới.

(Theo Dân Việt.)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc