Home » Xã hội » Tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí: Tố tiêu cực, bị cảnh cáo

Tố cáo lãnh đạo xã có hành vi tiêu cực, ông Nguyễn Thanh Bình (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) không ngờ bản thân mình cũng nhận kỷ luật sau hành trình kiên trì đưa vụ việc ra ánh sáng.

Ông Bình “kế toán” tố ông Bình “phó chủ tịch”

Năm 2010, ông Nguyễn Thanh Bình (còn được gọi là ông Bình “kế toán”) tố cáo hành vi tiêu cực của ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc trong việc xây dựng đường bê tông ở ấp Tân Bằng. Cụ thể, khi tiến hành xây dựng 84m đường bê tông tại ấp Tân Bằng, ông Bình “kế toán” đã báo cáo với Đảng ủy xã về việc ông Nguyễn Thanh Bình bàn bạc chia số tiền chênh lệch có được nhờ nâng khống chi phí xây dựng.

Việc thi công tuyến đường giao thông xã Phong Lạc bị tố cáo có nhiều khuất tất.

Việc thi công tuyến đường giao thông xã Phong Lạc bị tố cáo có nhiều khuất tất.

Từ thông tin của ông Bình “kế toán” gửi các cơ quan chức năng, Thanh tra huyện đã xác định các sai phạm của ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc. Đó là: Nhận tiền trích lại từ nhà thầu không nộp thủ quỹ; nâng khống chiều dài đường; thu chi tiền các tổ chức, cá nhân ủng hộ không qua ngân sách xã; chỉ đạo thanh quyết toán thừa cho nhà thầu; thi công công trình không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật… Thanh tra huyện Trần Văn Thời kiến nghị UBND huyện chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Bình.

Thế nhưng, khi vẫn đang trong giai đoạn xem xét kỷ luật và chưa khắc phục hậu quả, ông Nguyễn Thanh Bình lại được hiệp thương ứng cử, trúng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND xã. Ông Bình “kế toán” tiếp tục kiến nghị đến cấp cao hơn là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau nêu rõ: Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời chỉ đạo kiểm điểm, xử lý ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc.

Ngày 16.5.2013, Huyện ủy Trần Văn Thời có công văn chỉ đạo Đảng ủy xã Phong Lạc tiến hành kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Bình, cách chức điều động về đơn vị khác. Không lâu sau, chính ông Bình “kế toán” cũng bị Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Trần Văn Thời kỷ luật khai trừ Đảng với lý do “tố cáo mang tính bịa đặt, vu khống, đả kích, có dụng ý xấu”. Đến ngày 18.11.2013, ông Bình “kế toán” mới được giảm mức kỷ luật xuống cảnh cáo.

Giữ bí mật tuyệt đối cho người tố cáo

Ông Trần Nam Việt – Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng: “Trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp người tố cáo tiêu cực bị trù dập tại đơn vị mình, nên tâm lý chung của người đi tố cáo tiêu cực là lo sợ”. Để hoàn thiện hơn cơ chế bảo vệ người tố cáo tiêu cực, theo ông Việt cần phải bảo vệ, giữ bí mật tuyệt đối cho người tố cáo.

“Tôi bất ngờ trước việc bản thân bị kỷ luật, điều chuyển làm việc không đúng chuyên môn nhưng điều đó không quá quan trọng vì chỉ là vấn đề quyền lợi của bản thân. Điều quan trọng việc kiên trì đấu tranh đã góp phần làm trong sạch bộ máy tại đơn vị mình”.
Ông Bình “kế toán”

Thế nhưng, trở lại câu chuyện của ông Bình “kế toán” tại xã Phong Lạc, người đi tố cáo đã bị lộ ngay từ ban đầu. Ông Bình “kế toán” cho biết khi tố cáo hành vi của ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch xã, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã tổ chức “đối chất” giữa hai bên, làm lộ danh tính người tố cáo.

Cũng vì vấn đề lo sợ bị tiết lộ danh tính khi tố cáo tiêu cực, ông Trần Nam Việt cho biết nhiều người dân, cán bộ, công chức sợ bị trù dập nên đã tìm đến báo chí để thông tin chứ không tìm đến cơ quan chức năng. Để khuyến khích người dân tham gia phòng chống tham nhũng, bên cạnh việc bảo vệ danh tính người tố cáo, ông Việt đề nghị các cơ quan chức năng T.Ư sớm ban hành rõ các quy chế như thưởng tiền mặt cho người cấp tin về tham nhũng, thành lập Ban Nội chính ở cấp huyện hoặc thành lập trung tâm giám định quốc gia để giúp địa phương tháo gỡ khó khăn khi giám định tài chính, kế toán, xây dựng…

Nhà báo Lê Thanh Hà – Báo Tuổi trẻ TP.HCM:

“Nhiều người dân mong đơn thư của mình được xem xét một cách thấu đáo nhưng không biết họ có được bảo vệ hay không. Gửi tố cáo đến cơ quan báo chí có một lợi thế hơn là người dân đi tố cáo tham nhũng cảm thấy đỡ lo sợ bị lộ, họ sợ nhất bị lộ vì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Người đi tố cáo cần được bảo vệ, khi đã được bảo vệ họ rất yên tâm và cùng phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật đi đến tận cùng sự thật. Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng nên làm sao để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn”.

Ông Ngô Mạnh Hùng – Cục phó Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ:
“Luật Phòng chống tham nhũng có cơ chế bảo vệ, khen thưởng nhưng mới được hoạch định chưa lâu, quy định về bảo vệ còn thiếu chi tiết. Vì vậy, để thay đổi được tâm lý của người dân hàng ngày va chạm với hành vi vi phạm đến giai đoạn họ yên tâm tố giác đòi hỏi phải có thời gian. Từ những tấm gương, một vài trường hợp ban đầu trong xã hội sẽ quen dần với điều đó. Cơ quan nhà nước cũng phải thực hiện biện pháp khen thưởng, tôn vinh gắn với việc bảo vệ người tố cáo, cho họ thấy được an toàn khi tham gia tố cáo.
Vinh Hải (ghi)

(Theo Dân Việt.)

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí: Tố tiêu cực, bị cảnh cáo”

  1. buôn dưa 20/06/2014

    Nghe cái từ ” tuyên chiến ” đã thấy hơi hướng của khẩu hiệu mị người.
    Về bản chất thì Chế độ nào xã hội nào cũng có tham nhũng cả. Đến trong gia đình đôi khi cũng còn thấy bóng dáng của nó như là quỹ đen, lừa người thân, …
    VNói Tuyên chiến nghĩa là luôn trong tình trạng chiến đấu, nhưng chiến đầu và cuộc chiến đấu lại chỉ mang tính thời điểm, giai đoạn ngắn.
    Thế nên, tuyên chiến với tham nhũng rồi tuyên thắng hay tuyên hòa, .. đều là trục lợi hoặc trục danh.

    Đố với tham nhũng phải phòng ngừa và xử lý nghiêm, thể hiện tính công bằng, dân chủ và văn minh của Xã hội.
    Pháp luật là công cụ duy nhất nghiêm trị đồng thời cũng là nơi giáo dục và nơi cho con người sám hối những lỗi lầm đã gây ra.
    Tuy nhiên với VN thì luôn khác: Ai là người xác định một người là có tội, người này, hệ thống làm cái việc này trong XH VN có khi lại đang có khá nhiều tội nghiêm trọng.
    Và những mối quan hệ chồng chéo đến hoa mắt hiện nay trong cách mà VN đang quản lý đất nước khiến cho mọi khía cạnh của XH càng ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
    Nói tóm lại:
    VN đang dưới vực chứ không phải trên bờ vực, còn lại chỉ là cách chèo lên trên bờ vực và thoát khỏi cái vực đó thế nào thôi.

    Reply

Ý kiến bạn đọc