Home » Thế giới » Số người cao tuổi tự tử tăng nhanh ở nông thôn Trung Quốc
Đối mặt với đói nghèo, sức khỏe kém, hay sự cô đơn, người già lựa chọn ‘không trở thành gánh nặng’!

cu ba

Ảnh một cụ già ngồi trước ngôi nhà đổ nát ở Trung Quốc (nguồn: internet)

Theo một báo cáo gần đây, người lớn tuổi tự tử đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Một công nhân nhập cư đã xin nghỉ việc bảy ngày trong thành phố, sau khi nghe tin người cha già của anh sống ở nông thôn đang ở trong tình trạng nguy kịch. Một vài ngày sau người con trai trở về, sức khỏe của cha anh trở nên ổn định. Người con trai sau đó nói với bố: “Bố sắp qua đời hay chưa? Con chỉ có bảy ngày nghỉ, và bảy ngày đó là tính cả thời gian làm tang lễ cho bố”.

Sau khi nghe những lời lạnh lùng của con trai mình, người cha đã tự tử. Người con trai nhanh chóng kết thúc tang lễ ngay khi hết ngày nghỉ phép và quay trở lại thành phố để làm việc.

Theo tờ Nhật báo Thanh Niên của Trung Quốc, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp tự tử của người cao tuổi được thu thập trong dự án nghiên cứu thuộc ngân sách nhà nước: “Nghiên cứu xã hội học về những vụ tự tử ở người cao tuổi sống ở nông thôn”.

Liu Yanwu, nhà nghiên cứu hàng đầu của dự án, giảng viên xã hội học ở Đại học Vũ Hán cho biết: “Tỷ lệ tự tử ở người cao tuổi trong các vùng nông thôn đã tăng rất nhanh kể từ năm 2000… và tình hình hiện tại là cực kỳ nghiêm trọng”.

Bắt đầu từ năm 2008, nghiên cứu được tiến hành trong 6 năm tại hơn 40 ngôi làng nông thôn của 11 tỉnh bao gồm Hồ Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Sơn Tây…Một người 69 tuổi đã tự tử trong phòng khách của nhà ông sau khi đốt tiền giấy để tang cho chính mình.

Trong ngôi làng đầu tiên các nhà nghiên cứu đã đến thăm ở quận Cảnh Sơn, thành phố Kinh Môn, miền trung tỉnh Hồ Bắc, khi được hỏi về việc liệu có những cái chết không tự nhiên của người cao tuổi hay không, một số dân làng nói như sau: “Rất ít người già chết một cách tự nhiên ở chỗ chúng tôi”. Liu Yanwu nói, trong ngôi làng này, “Ít nhất 30% người già chết do tự tử, và điều này chỉ là một ước tính vừa phải”. Chỉ trong hai tuần các nhà nghiên cứu đã chứng kiến 3 người lớn tuổi đã chết vì tự tử trong làng.

Một trường hợp tự tử ở quận Cảnh Sơn, một người đàn ông 69 tuổi đã tự tử trong phòng khách ngôi nhà của mình bằng cách uống thuốc trừ sâu sau khi đốt tiền giấy để khóc thương cho chính mình. Một người dân làng nói với Liu Yanwu rằng, ông già này đã có mối quan hệ xấu với con trai và con dâu của mình và sợ rằng chúng sẽ không thương tiếc ông khi ông qua đời. Vì vậy, ông đã tự làm việc đó cho mình.

Người cao tuổi tự tử trong làng đã trở thành một điều phổ biến đến nỗi nó không còn gây sốc cho người dân địa phương nữa.

“Chúng tôi coi đây là một cái chết tự nhiên”, một bác sĩ trong làng nói. Các bác sĩ đã nói với Liu Yanwu rằng, nhiều người cao tuổi đã chọn cách tự tử sau khi bị bệnh nặng để không trở thành gánh nặng cho con cái của họ. Thậm chí chính những người lớn tuổi cũng chấp nhận tình cảnh này.

Một bà cụ tên Chai nói với Liu Yanwu: “Người già ở nơi này đều có 3 cách chết: thuốc trừ sâu, dây thừng và nước. Chúng là “những đứa con trai đáng tin cậy nhất”. Ba đứa con trai này là ba phương pháp chính để tự tử. Uống thuốc trừ sâu, treo cổ và chết đuối”.

“Người dân càng bình thản trước sự việc này thì điều đó càng đáng sợ hơn nữa”- Liu Yanwu đã nói với tờ nhật báo.

Liu Yanwu gọi hiện tượng này là một “xu hướng bệnh tự tử”. Ba nguyên nhân chính gây ra các trường hợp tự tử của người già ở nông thôn: tài chính, sức khỏe xấu và cô đơn. Dựa trên dữ liệu thu thập của Liu Yanwu, 60% các trường hợp có liên quan đến hai lý do đầu tiên. Với những người lớn tuổi họ không muốn là gánh nặng cho con cái của họ.

Một số người trẻ không muốn chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già của mình. “Gánh nặng của riêng tôi đã là quá đủ. Làm thế nào tôi có thể chăm sóc cả những người già cả?”! Một số nông dân trung niên đã nói với Liu Yanwu.

Liu Yanwu nói: “Hiện tượng phổ biến ở Cảnh Sơn hiện nay sẽ có nguy cơ tiếp diễn ở những nơi khác vào ngày mai”. Liu Yanwu chỉ ra rằng để cho tình hình thay đổi, người già không nên ở trong tình cảnh bị tuyệt vọng vì thiếu hỗ trợ tài chính, chăm sóc y tế, hoặc cô đơn.

Trong năm 2013, Trung Quốc đã có hơn 200 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 14,9% dân số, Bộ Nội vụ Trung Quốc tại một cuộc họp báo vào tháng 2 năm nay, theo truyền thông nhà nước, người cao niên trên 65 tuổi chiếm 7,6% dân số.

Tốc độ tăng trưởng dân số người cao tuổi đã tăng lên đáng kể do tỷ lệ tử vong thấp hơn và chính sách một con.

“Mọi người đều già đi”- Liu Yanwu nói. “Người cao tuổi nên sống một cuộc sống tốt hơn, và qua đời một cách đàng hoàng thay vì sử dụng phương cách bất thường như vậy. Điều này quả thực đáng buồn”!

Lu Chen

Theo vietdaikynguyen

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc