Home » Sức khỏe, Tiêu biểu sideshow » Thần y Hoa Đà
Hoa Đà là một y học gia kiệt xuất thời Đông Hán, ông sinh vào năm Vĩnh Nguyên (năm 145 sau Công nguyên), mất năm Kiến An thứ 30 (năm 208 sau Công nguyên), là người huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu (nay là An Huy Tiếu Châu). Theo sử sách ghi chép lại Hoa Đà sống được 64 năm.
Hoa Đà đi khắp các vùng từ Trung Nguyên đại địa cho tới bình nguyên Giang Hoài và tạo nên vô số những kỳ tích về y học. (Fotolia)

Hoa Đà đi khắp các vùng từ Trung Nguyên đại địa cho tới bình nguyên Giang Hoài và tạo nên vô số những kỳ tích về y học. (Fotolia)

Hoa Đà cùng Đổng Phụng, Trương Trọng Cảnh vào những năm cuối Đông Hán, được mệnh danh là “Kiến An Tam Thần Y”. Những năm cuối thời Đông Hán, hoạn quan chuyên chính, ngoại thích tranh quyền, lũ lụt hạn hán, bệnh dịch hoành hành, Nhà thơ Vương Sán trong “Thất Ai Thơ” đã viết: “Xuất môn vô sở kiến, bạch cốt tế bình nguyên” (tạm dịch: ra cửa không thấy đường, xương trắng phủ đồng bằng) theo đúng tình cảnh chân thực của xã hội đương thời.

Hoa Đà thường đi lại giữa Trung Nguyên đại địa và bình nguyên Giang Hoài, ông chẩn trị bệnh ở cả khoa nội, khoa ngoại, phụ khoa, nhi khoa, tạo ra vô số những kỳ tích y học.

Hoa Đà hành y, không hề có thầy dạy, chủ yếu là tự nghiên cứu sách cổ y học đời trước, ông đúc rút tinh hoa từ “Hoàng Đế Nội Kinh”, “Hoàng Đế Bát Thập Nhất Nan Kinh”, “Thần Nông Bản Thảo Kinh” v.v… và nhiều thành tựu y học cổ đại khác, sau đó nghiên cứu dược phương. Trong “Hậu Hán Thư, Hoa Đà Truyền” nói về ông là người “kiêm thông số kinh, hiểu dưỡng tính chi thuật”, đặc biệt là “tinh thông phương dược”. Ông đã từng đem những kinh nghiệm trị liệu phong phú của mình để chỉnh lý thành một bộ tác phẩm y học, có tên là “Thanh Nang Kinh”, đáng tiếc rằng nó không được lưu truyền lại.

Hoa Đà tinh thông về cả khoa nội, khoa ngoại, phụ khoa và nhi khoa, ông nắm chắc bát phương yếu pháp trong sách y học cổ đại là: “vọng, văn, vấn, thiết tứ chẩn, âm, dương, biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực”, ông luôn cẩn thận trong việc tìm nguyên nhân của bênh, để chẩn đoán bệnh, ông sử dụng 8 phương pháp: “hãn, thổ, hạ, ôn, thanh, hòa, tiêu, bổ…” mà xác định.

Ông xem bệnh không bị tác động bởi trạng thái biểu hiện bên ngoài của bệnh, ông dùng thuốc rất tinh giản, chẩn đoán rất chính xác, phương pháp mau chóng, hiệu quả thần tốc, được mọi người vinh danh là “Thần Y”.

Hoa Đà còn là một trong những y học gia kiệt xuất hiếm có trong lịch sử y học Trung Quốc, ông đã phát minh ra “Ma Phất Tán”, sáng tạo ra thuốc gây tê đầu tiên trên thế giới. Trong “Hậu Hán Thư. Phương Thuật Liệt Truyền” có ghi chép: Nếu như Hoa Đà gặp phải người có tà bệnh ứ đọng trong thân thể, châm dược cũng không thể trực tiếp động tới, ông sẽ dùng phương pháp phẫu thuật ngoại khoa để bài trừ bệnh độc. Ông sẽ cho người dùng uống rượu có chứa “Ma Phất Tán”, khiến họ mất đi tri giác, sau đó phẫu thuật mở khoang bụng, cắt bỏ vết loét, rửa sạch vùng bị thối rữa, sau đó dùng chỉ khâu lại vết mổ, bôi lên một chút thần dược, sau 4-5 ngày là hết đau, sau một tháng cơ thể hoàn toàn hồi phục.

Trong “Hoa Đà Biệt Truyền” có ghi chép rằng: có một bệnh nhân bụng rất đau, trong mười mấy ngày, thần sắc suy sụp. Hoa Đà chẩn đoán rằng nguyên nhân là do tỳ tạng hủ lạn gây ra, nhưng vẫn có thể sử dụng phẫu thuật mổ bụng để điều trị. Ông cho bệnh nhân uống một chút “Ma Phất Tán”, sau đó để nằm lên trên giường, tiến hành mở khoang bụng, quả nhiên tỳ tạng đã bị hỏng một nửa, tiếp đó ông tiến hành nạo vét phần thịt thối, đắp thuốc cao lên, rồi khâu vết thương lại, và kê một toa thuốc uống cho bệnh nhân. 100 ngày sau, bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh trở lại.

Tào Tháo bị bệnh đau đầu, đã sử dụng rất nhiều phương pháp trị liệu nhưng không khỏi, nên đã mời Hoa Đà tới trị, Hoa Đà chỉ châm cho Tào Tháo một mũi kim, cơn đau đầu lập tức dừng. Hoa Đà nói với Tào Tháo: “Bệnh của Thừa Tướng đã rất nghiêm trọng, châm cứu không thể đạt được hiệu quả nữa. Tại hạ cần phải cho ngài uống một chút ‘Ma Phất Tán’, sau đó làm phẫu thuật mở não, mới có thể loại bỏ căn nguyên của bệnh”.

Tào Tháo vừa nghe nói vậy, nổi cơn đại nộ, chỉ vào Hoa Đà nghiêm giọng quát: “Mở não ra rồi còn có thể sống sao?”. Ông ta cho rằng Hoa Đà muốn mưu hại mình, liền bắt Hoa Đà giam lại trong ngục chuẩn bị xử chém. Một mưu sĩ của Tào Tháo thỉnh cầu: “Hoa Đà phương thuật thực sự cao minh, nhân mệnh đáng quý, xin ngài dung thứ”. Tào Tháo không chịu nghe, cuối cùng Hoa Đà phải chết trong ngục giam.

Năm Hoa Đà bị hại cho tới nay cũng đã hơn 1700 năm rồi, do y thuật ngoại khoa của ông vô cùng cao minh và tinh thâm nên được hậu thế tôn vinh là “Ngoại Khoa Tị Tổ”. Những ghi chép về những ca đầu tiên sử dụng thuốc mê trong phẫu thuật ngoại khoa tại Âu Mỹ là vào những năm đầu thế kỷ 18, sau Hoa Đà hơn 1600 năm. Trong “Thế Giới Dược Học Sử” đã chỉ ra thuốc tê do người Ả Rập sử dụng có thể cũng là do người Trung Quốc truyền sang, bởi vì: “Danh y Hoa Đà của Trung Quốc là người tinh thông nhất kỹ thuật này”.

Hoa Đà luôn đề xướng mọi người phải coi trọng dưỡng sinh. Ông đã viết “Ngũ Cầm Hí”, mô phỏng hình dáng, động tác và thần thái của 5 loại động vật, để thư giãn xương khớp, đả thông kinh mạch. Ngũ Cầm bao gồm: hổ, hươu, gấu, vượn, chim. Thường xuyên luyện Ngũ Cầm Hí có thể khiến tay chân linh hoạt, huyết mạch thông suốt, còn có thể phòng bệnh trị bệnh. Học trò của ông là Ngô Phổ Tăng đã dùng phương pháp này để tăng cường sức khỏe, đến 90 tuổi vẫn sáng suốt minh mẫn, răng tóc chắc khỏe.

Sơn Hành

Theo vietdaikynguyen

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc