Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Vụ 40 công chức nộp hơn 1 tỷ để “chống trượt”: Bộ GD-ĐT nói gì?
Quá trình giải quyết, xử lý vụ việc cần phải được thông tin công khai cho xã hội biết để có thể giám sát cũng như có cách thức phòng ngừa…

Trong thời gian qua, dư luận xã hội hết sức bức xúc trước vụ nộp tiền “chống trượt” thi Cao học ngành Quản lý kinh tế, trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) của 40 học viên ở tỉnh Thanh Hóa với số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Sau khi phát hiện vụ việc, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành điều tra, thanh tra, làm rõ vụ việc. Lãnh đạo tỉnh cũng đã phát ngôn với báo chí là sẽ cương quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có liên quan.

 TTGDTX

TTGDTX tỉnh Thanh Hóa, nơi để xảy ra sự việc 40 học viên nộp tiền “chống trượt” thi Cao học ngành Quản lý kinh tế, trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Phía ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định không vi phạm

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đại diện Bộ GD-ĐT là bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết: Khi nhận được thông tin về vụ 40 học viên ở tỉnh Thanh Hóa nộp tiền “chống trượt” tham gia thi Cao học ngành Quản lý kinh tế, trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2013, Bộ GD-ĐT đã liên lạc ngay với ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) để kiểm chứng lại thông tin.

Phía ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã khẳng định, nhà trường không tổ chức và không phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Thanh Hóa ôn thi tuyển sinh Cao học tại Thanh Hóa. Trong năm 2013, trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ tổ chức thi tuyển sinh sau ĐH tại Hà Nội. Các kỳ thi của trường được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, quy chế của ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ GD-ĐT.

Khi nhận được thông tin về vụ việc trên, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những buổi làm việc với tất cả cán bộ, giảng viên và nhà trường cũng đã báo cáo lại sự việc với Bộ GD-ĐT. Theo đó, các cán bộ, giảng viên của trường tham gia công tác tuyển sinh sau ĐH tháng 9/2013 đã khẳng định không liên quan đến vụ việc tiêu cực trên.

Sau khi nhận được báo cáo của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), Bộ GD-ĐT nhận thấy có đủ tin cậy rằng, nhà trường không tham gia vào vụ việc trên. Bởi vì trong số 40 học viên nộp tiền “chống trượt” thì chỉ có 7 người trúng tuyển vào lớp Cao học Quản lý kinh tế.

VU TRUONG  

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT)

Thanh Hóa cần công khai quá trình xử lý vi phạm để xã hội giám sát

Việc 40 học viên ở Thanh Hóa nộp tiền “chống trượt” thi Cao học và một số cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX đã tham gia tổ chức đấu mối, nhận và giữ số tiền 1,08 tỷ đồng của 40 học viên, nhằm giúp học viên đỗ kỳ thi Cao học, Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là một sự vi phạm nghiêm trọng các quy chế tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đạo đức và kỷ luật nhà giáo trong ngành Giáo dục.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ việc cần phải được tỉnh Thanh Hóa làm rõ và xử lý nghiêm khắc. Quá trình giải quyết, xử lý vụ việc cần phải được thông tin công khai cho ngành Giáo dục, cho xã hội biết để có thể giám sát quá trình giải quyết những sai phạm cũng như có cách thức phòng ngừa những vi phạm tương tự như vậy.

Bộ GD-ĐT được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu, chỉ đạo sát sao Sở GD-ĐT tỉnh và các cơ quan liên quan điều tra, xác minh vụ việc 40 học viên ở tỉnh nộp tiền “chống trượt” thi Cao học. Trong quá trình điều tra mở rộng, ngoài những cán bộ của Trung tâm GDTX Thanh Hóa, nếu các cơ quan chức năng có phát hiện thêm những cán bộ nào của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) hay những đơn vị khác vi phạm, dính líu đến vụ việc tiêu cực này thì Bộ GD-ĐT ủng hộ quan điểm là phải làm rõ và xử lý nghiêm khắc. Đây là hình thức xử lý mà trong ngành Giáo dục, các trường ĐH đã quán triệt và không thể chấp nhận được những tiêu cực đó xảy ra.

 DANH SACH

Danh sách học viên các đơn vị tham gia thi Cao học ngành Quản lý kinh tế nộp tiền “chống trượt”

Bộ GD-ĐT không quy định và chỉ đạo tổ chức ôn thi Cao học

Hiện nay, các trường ĐH là những đơn vị đào tạo có quyền tự chủ rất lớn. Trong công tác quản lý Cao học, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành những quy chế với nội dung quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Các trường ĐH có nhiệm vụ phải thực hiện công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo Cao học theo đúng quy chế. Sau đó, các trường cũng phải báo cáo lại với Bộ GD-ĐT.

Về phía Bộ GD-ĐT có kiểm tra, giám sát công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo Cao học bằng nhiều hình thức như: kiểm tra trực tiếp thông qua những kỳ thi; thanh, kiểm tra vào từng đợt hoặc qua những báo cáo của nhà trường…

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định, Bộ GD-ĐT không quy định và cũng không chỉ đạo tổ chức ôn thi Cao học. Việc ôn thi là việc học tập của các thí sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể vẫn có những trường tổ chức ôn thi Cao học để đáp ứng nhu cầu học tập của thí sinh. Nếu như các trường tổ chức hoạt động này thì cũng không được vi phạm bất cứ một quy định nào do Bộ GD-ĐT đề ra.

Bích Lan

Theo vov

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc