Home » Cổ truyền, Văn hóa » Ngọc Trung Hoa: Đá Quân Tử
“Bậc quân tử thời xưa nhìn thấy gần như tất cả các phẩm chất tuyệt vời nhất trong ngọc. Mềm mại, trơn nhẵn, và bóng loáng, nó giống như sự thiện lương; tốt đẹp, rắn chắc và mạnh mẽ, nó giống như sự hiểu biết; góc cạnh, nhưng không sắc nhọn, nó giống như sự ngay thẳng… Chỗ khiếm khuyết không che dấu đi cái đẹp và cái đẹp không che dấu chỗ khiếm khuyết, nó giống như sự trung thành.” – Khổng Tử
ngoc 1

Núi bằng ngọc được chạm khắc vô cùng tinh xảo vẫn giữ nguyên được hình dáng đá thạch anh của nó; mặt trước khắc họa ba ông Phúc, Lộc, Thọ với một tiểu tử theo hầu bên dưới một tán tùng, mặt còn lại có một người đang cầm chiếc gậy như ý bên cạnh một con hươu, một hòn ngọc màu sắc trung tính với một ít lớp vỏ nguyên trạng. Chiều dài: 9 inch; bệ gỗ. Giá ước lượng $7000-10.000 USD (Phòng tranh I.M Chait)

Những từ trên của nhà hiền triết đã cô đọng quan niệm về ngọc trong hàng nghìn năm qua ở xứ Trung Hoa. Ngọc không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho hành vi cao thượng, phẩm hạnh và ý chí hướng tới một nền tảng đạo đức cao hơn. Giữa muôn vàn loại đá quý trên thế giới, ngọc vẫn tiếp tục hiện thân cho sự tôn kính, nét say đắm, và vẻ bí ẩn.

Ý nghĩa về mặt văn hóa

Trong các cuộc khai quật từ thời kì đồ đá mới, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các vật bằng ngọc được tạo ra và sử dụng trong các nghi lễ sơ khai ở Trung Quốc và mang theo một ý nghĩa văn hóa độc đáo.

Những ngôi mộ từ nền văn hóa Hồng Sơn và Lương Chử đã lần lượt xuất hiện ở lưu vực sông Hoàng Hà và vùng Đông Bắc Trung Quốc trong khoảng thời gian hai và ba nghìn năm trước Công Nguyên là nơi phát hiện thấy rất nhiều các vật dụng nhỏ bằng ngọc, từ trang sức cá nhân và tượng nhỏ cho đến lưỡi rìu trong các nghi lễ và dụng cụ bịt thất khiếu. Người ta tin rằng việc chôn thi thể cùng với ngọc có thể giúp bảo quản thân thể hoặc linh hồn của người đã khuất.

 ngoc 2

Núi ngọc thời Càn Long. Khắc họa tinh xảo, từ triều đại Càn Long thế kỷ thứ 18: mặt trước khắc cảnh tượng hai người trên con thuyền có chiều sâu, với một mái hiên lẩn khuất giữa cảnh non bộ và lớp mây lượn lờ bên trên, mặt bên khắc cảnh tượng một người bước qua cây cầu; Hòn đá ngọc màu đen-xám, tô điểm chút nét vàng và một lớp gỉ ngọc khá hấp dẫn; Chiều dài: 7,88 inch; kèm theo một bệ chạm khắc họa tiết nguyên gốc cực kỳ chi tiết. Giá ước lượng: $45.000-55.000. (Phòng tranh I.M Chait)

Mặc dù các tác phẩm chế tác ngọc thành hình người là không mấy phổ biến, nhưng những hình dạng như cột trụ rỗng, đĩa ngọc bích, các vật trang trí hình móng guốc (có lẽ được dùng để giữ các búi tóc), hay trư long đã cấu thành nên những hình dạng chủ yếu của ngọc thời cổ đại.

Ngọc tông và đĩa ngọc là hai loại ngọc khá đặc biệt, dù hiện vẫn chưa xác định được công dụng của chúng, nhưng chúng cực kỳ phổ biến trong các khu mai táng. Một giả thiết cho rằng bề mặt tròn bên trong của ngọc tông hình ống biểu tượng cho thiên (Trời) trong khi bề mặt vuông bên ngoài biểu tượng cho địa (đất).

Sau khi thời kỳ Đồ Đá kết thúc và thời kỳ Đồ Đồng tiếp nối, các phong cách sử dụng trong công đoạn chế tác ngọc đã có sự biến chuyển trong thủ pháp, nhưng ngọc vẫn chưa bao giờ ngừng được ưa chuộng. Các thiết kế trở nên chi tiết hơn, các tác phẩm lớn hơn với nhiều tham vọng hơn. Vào thời nhà Chu (1046-256 TCN), các bình ngọc cỡ lớn trở nên phổ biến, với họa tiết khắc họa các sinh vật huyền thoại như Rồng, Thao thiết, Phượng hoàng, cũng như các loài vật khác.

Các loại hình dạng trong chế tác ngọc cũng biến đổi cùng với tiến trình phát triển của hội họa. Vào thời nhà Đường, các họa sĩ đã khắc họa thành công toàn bộ quang cảnh thiên nhiên trên các mặt của giá đựng bút, những tảng ngọc lớn, và đồ trang trí. Vào thời nhà Thanh, các vật dụng bằng ngọc trở nên cực kỳ tinh xảo, và các sản phẩm từ ngọc đã đạt tới một trình độ nhuần nhuyễn khi đã có thể tối đa hóa vẻ đẹp tự nhiên của đá quý.

Hình dáng đa dạng của ngọc

Cụm từ “ngọc” được dùng chung chung để chỉ bất kỳ loại đá nào cứng và có màu xanh lục. Thỉnh thoảng ngọc cũng dùng để chỉ các loại chất liệu hoàn toàn không phải ngọc, như đá serpentine, đá tinh thể chalcedony, đá thạch anh, đá amazonite, đá thạch anh xanh, kể cả đá thạch anh và kính. Đôi lúc những loại giả ngọc này được bán dưới những cái tên như “tân ngọc,” “ngọc Hà Nam,” và “ngọc Đông Ngô.”

 ngoc 3

Núi ngọc nephrite xanh sẫm. Lớn và khá chi tiết, núi ngọc nephrite chạm khắc hòa thượng Tế Công khắc khổ ngồi trong hang động bên trên cái “chiếu”; rìa bên ngoài của hòn non bộ điểm xuyết vài bụi cây lưa thưa; Chiều cao: 8 inch. Giá ước tính: $7000-10.000 USD. (Bộ sưu tập I.M Chait)

Ngọc chân chính được phân làm hai loại: ngọc nephrite và ngọc jadeite. Đây là hai loại khoáng chất đặc biệt đã trải qua các quá trình biến dạng riêng biệt.

Ngọc nephrite thường xuất hiện trong tự nhiên với nhiều màu sắc khác nhau, gồm có màu kem, màu vàng, màu xám, màu xanh lục, màu đen, và màu gỉ sắt. Các viên ngọc được khai quật thường có màu đất vàng. Ngọc jadeite điển hình mà chúng ta thường nghĩ đến có màu xanh sữa và màu xanh cỏ, nhưng nó cũng có các màu sắc khác như trắng, xám, xanh dương, oải hương, vàng cam, phớt đỏ, hồng, tím, nâu, và đen.

Dù không có một quy tắc dễ dàng để phân biệt hai loại ngọc mà không cần không xem xét cấu trúc chất liệu của nó khi phóng to lên nhiều lần, nhưng chúng ta có thể dựa vào một số dấu hiệu nhận biết.

Để xác định xem một viên ngọc có phải là thật hay không, chuyên gia giám định Eric Hoffman đề xuất một bài kiểm tra thử độ cứng (bằng cách làm trầy) với một lưỡi sắt có độ cứng hơn ngọc. Nếu thấy xuất hiện vết xước trên viên đá, thì đây là một viên ngọc giả, mềm hơn. Tuy nhiên, cách kiểm tra này không thể áp dụng đối với các loại ngọc giả còn cứng hơn cả ngọc. “Và tất nhiên, các viên ngọc thật sự cổ xưa với lớp bề mặt đã trải qua hàng nghìn năm phong hóa cũng sẽ không thể được kiểm tra theo cách này,” Hoffman nhận xét trong một bài viết trên trang Asianart.com.

Ngay cả khi bạn có một miếng ngọc thật, bạn vẫn có thể cải thiện màu sắc và độ sáng của nó bằng nhiệt và các chất hóa học. Do đó cách chắc chắn nhất để xác minh tính chân thực của một viên ngọc là nhờ tới sự giám định của một chuyên gia buôn ngọc có tiếng.

 ngoc 4

Ngọc jadeite khắc họa một chú sư tử và hai đứa con. Khá chi tiết, con trưởng thành ngậm một cành nấm linh chi trong miệng, với một chân đang nắm lấy đồng xu; hai đứa con đứng hai bên với miệng mở rộng; Phiến ngọc có màu xanh táo có mức độ từ trung tính đến sáng đậm; Chiều dài: 4,38 inch Giá ước tính: $5000-6000 USD (Bộ sưu tập I.M Chait)

Chất liệu và phương pháp chế tác ngọc

Ngọc có thể được tìm thấy ở Vu Điền, Myanmar, New Zealand, và Châu Mỹ. Tuy nhiên, theo truyền thống ngọc Trung Hoa thường có nguồn gốc từ các khu vực nhất định của Châu Á.

Có thể ước lượng niên đại tương đối của ngọc nếu biết nơi phát xuất của nó. Cho tới thế kỷ thứ 16, nguồn thu thập ngọc chủ yếu ở Trung Quốc là những con sông ở nước Vu Điền (nay thuộc tỉnh Tân Cương) ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Ngọc tìm thấy trong lòng sông thường có chất lượng cao hơn so với ngọc khai thác ở mỏ, vì nó đã chảy qua một quãng đường dài khoảng vài dặm từ khu vực nguyên gốc của nó xuống đến hạ lưu sông.

 ngoc 5

Bát hôn lễ bằng ngọc thời cổ đại. Cực kỳ quan trọng, bát hôn lễ ngọc xanh màu lá liễu; với hình dáng thấp, rộng bề ngang với họa tiết dơi và đóa hoa trên những tay cầm treo hờ những vòng ngọc; thân bát chạm nổi hình quả bầu và tán lá cây; đặt trên một chiếc chân chống có ba lá kép; sự kết hợp giữa dơi và tán cây tạo nên bức tranh ‘phúc lộc song toàn’; Hòn đá với màu sắc trung tính tô điểm một chút ‘mỡ cừu’; với con dấu có bốn ký tự từ thời vua Càn Long, khoảng thế kỷ thứ 18; Độ sâu: 10,13 inch; với bệ đứng bằng gỗ được làm sau đó. Giá ước tính: từ $40 000 – 50.000 USD. (Phòng trưng bày I.M Chait)

“Cho đến thế kỷ thứ 18 ngọc ở Trung Quốc chủ yếu là ngọc nephrite, rồi sau đó ngọc jadeite từ Myanmar mới bắt đầu du nhập vào nội địa,” Andrew Middleton và Ian Freestone viết trong hợp tuyển ngọc Trung Quốc của Jessica Rawson.

Ngọc xanh được khai thác ở khu vực hồ Baikal thuộc vùng Xibia (Nga) đã du nhập vào Trung Quốc sau thế kỷ thứ 17, mặc dù trong lịch sử cũng tìm thấy nó ở khu vực phía Tây Trung Quốc.

Với độ cứng 6,5 cho ngọc nephrite và 7 cho ngọc jadeite, ngọc là loại chất liệu cần có rất nhiều kỹ năng chế tác.

Vào thời kỳ Đồ Đá Mới, thợ chế tác sẽ cắt và trang trí ngọc bằng một phương pháp mài bóng: sử dụng cát thạch anh, một chiếc gậy, và một cái dây để xoay tròn nó. Theo giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á ở San Francisco ông Michael Knight, các vật trang sức cá nhân có một lỗ đeo được khoan cả hai mặt để phòng chống vỡ vụn. Theo ông Knight, vào những thập niên 80 đã có rất nhiều hàng giả tràn ngập trên thị trường sau khi đồ trang sức bằng ngọc trở nên phổ biến, nhưng lỗ đeo với một cái chóp đỉnh ở chính giữa biểu thị cho một cổ vật chính cống.

qua phat 

Quả Phật thủ Trung Quốc. Quan trọng và cổ kính, ngọc jadeite được đánh bóng kỹ càng: dưới hình dạng một quả Phật thủ lớn (bàn tay Phật), với năm con dơi trên không điểm xuyết bởi một màu nâu đỏ nhạt, cùng với một quả Phật thủ nhỏ hơn, các quả đào, nấm linh chi và quả lựu mọc trên cành cây; Tác phẩm có màu xanh táo sáng và đậm, với một chút màu gỉ sắt; thể kỷ thứ 19; chiều cao: 8,13 inch; trên bệ đứng nguyên gốc được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ. Giá ước tính: $40.000 đến 50 000 (Phòng tranh I.M Chait)

Khi các công cụ bằng đồng và sắt được sử dụng, các nghệ nhân chế tác ngọc đã có thể tạo ra những đường chạm trổ chính xác và chi tiết tỉ mỉ trên bề mặt chạm khắc. Vào đầu thế kỷ 20, các công cụ đánh bóng và cắt kim cương đã làm việc chế tác ngọc trở nên nhanh chóng hơn. Các viên đá ngọc được làm theo cách này có xu hướng mang một lớp bề mặt lóng lánh chứ không phải là một lớp phát sáng sa tanh, nhẹ nhàng điển hình của ngọc mài mòn bởi cát.

Xây dựng một bộ sưu tập

Một tiến trình lịch sử rộng lớn và đa dạng của ngọc Trung Quốc đã mở ra một thế giới vô tận cho các nhà suu tầm. Ngọc thời nhà Minh và đặc biệt thời nhà Thanh có rất nhiều trên thị trường với một mức giá khá cao, nhưng các loại ngọc cổ hơn cũng giúp cung cấp thêm những nghiên cứu tuyệt vời về sự thay đổi trong mô típ văn hóa Trung Quốc.

Những đồ vật tâm linh của nền văn hóa Đồ Đá Mới đã rọi những tia sáng lần đầu tiên đến một khu vực trước khi khái niệm “người Trung Quốc” trở thành một điểm đặc trưng, trước khi hệ thống chữ viết chính thức ra đời, và ngay cả trước khi Phật giáo trở thành một tín ngưỡng phổ biến. Ngọc thời nhà Tống thường có hình dáng tao nhã và giản dị hơn.

 ngoc 6

Vẻ đẹp ngọc jadeite cổ. Ngọc jadeite chạm khắc một tiên nữ, hai tay đang nâng lên cao một bình hoa; hòn đá với độ mờ, màu sắc sáng với mức độ trung tính và điểm xuyết màu táo xanh lục đậm, Chiều cao: 11 inch, bệ gỗ tạo hình hoa sen, lấm tấm nét mạ vàng; Lai lịch: Edward Farmer New York khoảng năm 1930 Giá ước tính $20 000-30 000. (Phòng tranh I.M Chait)

Vào thời nhà Thanh, dưới hồng phúc của vua Càn Long, ngọc Trung Quốc và các loại hình nghệ thuật khác đã trải qua một thời kỳ bùng nổ sức sáng tạo. Rất nhiều những tạo hình mới đã được thực hiện trên ngọc, trong đó ẩn chứa các trích dẫn văn chương và các họa tiết tốt lành.

Điều quan trọng cần nhớ là sự phát triển và các xu hướng của ngọc Trung Quốc là không thẳng hàng. Thường rất khó để xác định niên đại của một miếng ngọc vì người Trung Quốc luôn thích chế tác lại các kiểu dáng trong quá khứ. Họ gọi chúng là phỏng cổ, tức là mô phỏng các đồ cổ, và điều này được thực hiện xuất phát từ sự kính ngưỡng chứ không phải với mục đích lừa bịp.

Trong quá khứ, các nhà sưu tầm Trung Quốc thi thoảng đặt thêm các câu viết hay thơ ca trên các tác phẩm ngọc cổ hơn, nên khi các miếng ngọc tự nó đã có từ thời cổ đại, nhưng công đoạn chế tác có thể đã trải qua hàng thế kỷ rồi.

Mặc dù những động thái này đã làm quá trình sưu tập và thẩm định ngọc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nhưng chúng cũng đã minh chứng cho sức hấp dẫn lâu bền của loại đá quý này.

Theo vietdaikynguyen


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc