Home » Bí ẩn thế giới, Khoa học, Tiêu Điểm » Du hành xuyên thời gian bằng cỗ máy thời gian có là hiện thực?
TS ron
Tiến sĩ Ron Mallett là người có thể chứng minh bằng phương pháp toán học rằng thông điệp mã nhị phân có thể được gửi đến tương lai. (ảnh bởi tiến sĩ Ron Mallet)
Chuyến du hành của một nhà khoa học với những nỗi buồn, khát vọng, sự công nhận và vòng lặp thời gian

Ở Hội nghị Triển lãm Sáng kiến Follow the Truth (Truy Tìm Chân Lý) ở Oshawa, Ontario, Canada ngày 16 tháng 11, Tiến sĩ Ron Mallett sẽ thảo luận về công trình của ông nhằm gửi thông điệp về quá khứ. Hội nghị là nơi quy tụ các nhà khoa học chuyên nghiên cứu các lĩnh vực thuộc về sức mạnh tinh thần, các kiếp sống trước đây, việc du hành thời gian, và nhiều hơn nữa.

Tiến sĩ Ron Mallett là một nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng tại Trường Đại học Connecticut (Mỹ), nhưng ông cũng từng là một cậu bé say mê cuốn sách “The Time Machine” (Cỗ máy thời gian) của tác giả HG Wells. Cha Mallett qua đời khi ông mới 10 tuổi, và một năm sau khi đọc cuốn sách này, ý tưởng du hành trở về quá khứ để ngăn chặn cái chết của cha mình đã luôn thôi thúc trí tưởng tượng của ông.

Đó không chỉ là một niềm say mê nhất thời. Lên đại học ông học chuyên ngành vật lý, với một hứng thú đặc biệt về chủ đề lỗ đen. Ông cho rằng, việc hiểu biết về lỗ đen có thể sẽ giúp ích khi tìm hiểu về việc du hành thời gian. Vào thời điểm đó, lĩnh vực lỗ đen được coi là “một chuyện điên rồ, nhưng ít nhất nó cũng điên rồ một cách quy phạm”- Mallett nói; mặt khác, việc du hành thời gian thì lại bị coi là sự điên rồ trong điên rồ”.

Ông vừa cười vừa nói: ”Tôi lấy lỗ đen làm chủ đề trên trang nhất”.

Albert Einstein mô tả thời gian như một chiều không gian thứ 4 và ông cho rằng thời gian và không gian được liên kết với nhau, do đó các nhà vật lý gọi chúng là thời-không. Người ta nói rằng thời-không sẽ uốn cong và vặn xoắn lại xung quanh các lỗ đen. Mallett băn khoăn, liệu có thể tái lập những hoàn cảnh đó trên trái đất hay không.

Ông đã tìm ra cách thực hiện sau khi trải nghiệm qua một số sự kiện trùng hợp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông muốn bắt tay vào nghiên cứu phương diện này ngay lập tức, nhưng lúc đó đang là thời điểm suy thoái kinh tế và các trường cao đẳng không sẵn sàng tuyển thêm nhân sự. Rốt cục, ông đã nhận được một công việc liên quan đến tia laser, và thông qua đó ông đã học được cách sử dụng khả năng cắt của nó trong các ứng dụng công nghiệp. Sau hai năm làm việc, ông đã nhận được công việc như ý nguyện ban đầu của mình tại Trường Đại học Connecticut.

Để hiểu được nghiên cứu của ông, người ta phải hiểu được hai lý thuyết của Einstein:

1. Theo thuyết tương đối đặc biệt của Einstein, thời gian chịu ảnh hưởng của tốc độ. Trong phòng thí nghiệm người ta đã chứng minh được rằng trong các mức tốc độ cao các hạt hạ nguyên tử có thể được ném vào tương lai. Người ta đã sử dụng một máy gia tốc với những hạt có khả năng phân rã sau một khoảng thời gian nhất định. Các hạt xuất hiện trong tương lai, trong một trạng thái mới, mà vẫn không bị phân rã sau khoảng thời gian thông thường. Quá trình lão hóa của các hạt sẽ giảm xuống khi chúng tăng tốc độ lên.

2. Theo thuyết tương đối rộng của Einstein, thời gian cũng chịu ảnh hưởng của trọng lực. Điều này có thể được chứng minh thông qua hiện tượng là đồng hồ trên các vệ tinh trong quỹ đạo cho thấy một sự khác biệt về thời gian nho nhỏ so với đồng hồ trên Trái Đất nếu không được điều chỉnh.

Tiến sĩ Mallett biết rằng trọng lực có thể tác động đến thời gian, và ánh sáng có thể tạo ra trọng lực. Ông nghĩ đi nghĩ lại, và sau đó thốt lên “Eureka”, câu trả lời chính là tia laser!

Ông nhớ lại từ công việc trước đây của mình với lĩnh vực laser là vòng laser sẽ tạo nên chớp sáng tuần hoàn. Ông nghĩ: “Có thể chớp sáng tuần hoàn cũng tác động tương tự lên trọng lực như cách mà lỗ đen xoay tròn đã làm”. Ông tự hỏi, liệu vòng laser có thể được sử dụng để vặn xoắn thời không và tạo ra đường thông giữa hiện tại, tương lai, và quá khứ hay không.

co may thoi gian

Ảnh minh họa khái niệm hình dáng của cỗ máy thời gian. Những tia laser có thể tạo ra một chuyển động ánh sáng theo hình vòng, bẻ cong thời không trong phạm vi của cỗ máy. (Ảnh chụp màn hình của đoạn phim trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Chandra Roychoudhuri, nguồn của Tiến sĩ Ron Mallett)

Nếu tia laser có thể tạo ra một đường thông như vậy, thì thông tin có thể được truyền tải về quá khứ dưới dạng mã nhị phân. Các hạt neutron xoay tròn- Mallet giải thích. Một chuỗi hạt neutron được sắp xếp để một số thăng lên, một số giáng xuống, lần lượt tượng trưng cho 1 và 0, từ đó tạo ra thông điệp bằng mã nhị phân.

Nếu Tiến sĩ Mallett tìm được công việc nghiên cứu như ý nguyện ngay sau khi ra trường, thì ông đã không làm việc với laser và thu thập những kiến thức cần thiết đã giúp ích cho ông trong rất nhiều năm sau đó. “Tôi có một nền tảng kiến thức nhất định mà những người đồng nghiệp của tôi không có, và chính nền tảng đó đã dẫn tôi đến bước đột phá này, mà tôi không thể đạt được theo cách khác”- Tiến sĩ Mallett nói.

Và tiếp đến là phần khá nan giải. Đó là việc kiểm nghiệm lý thuyết này bằng các phương trình toán học. Đây chính là lúc xảy ra sự trùng hợp thứ hai. Tiến sĩ Mallett đã bị chẩn đoán mắc bệnh tim ngay trước khi ông nảy ra ý tưởng sử dụng vòng laser để du hành thời gian. Ông đã phải nghỉ phép để trị bệnh và hoãn lại nhiều công việc chưa hoàn thiện.

Vì không phải lên lớp hay tiến hành các công việc hội thảo, ông đã có nhiều thời gian rảnh hơn để tập trung toàn lực vào nghiên cứu.

“Nếu không có khoảng thời gian đó, tôi không biết mình đã có thể tạo nên bước đột phá, cũng như thời gian để thực hiện nó hay không”- ông nói.

Ông đã phải mất 6 tháng để chứng minh chớp sáng tuần hoàn có thể vặn xoắn không gian. Và phải mất thêm 2 năm nữa để chứng minh được rằng tình trạng vặn xoắn không gian cũng có thể làm vặn xoắn thời gian. Dù cho đó là một nỗ lực gian khổ trường kỳ, nhưng Tiến sĩ Mallett lưu ý Einstein cũng đã phải mất 10 năm để chứng minh trọng lực có thể tác động đến thời gian.

“Thật không uổng phí công sức… khi thực sự tìm ra được các phương trình toán học và chứng kiến chúng dự đoán được rằng [du hành thời gian là khả thi] là một việc thật ly kỳ”- Tiến sĩ Mallett nói. Điều ly kỳ tiếp theo đã đến khi một tờ tạp chí bính duyệt xuất bản bài viết đầu tiên của ông về du hành thời gian.

Với một chút e ngại, ông đã trình bày khám phá của mình trước các chuyên gia về Thuyết Tương đối tại Hội nghị Khoa học Quốc tế về Thuyết Tương đối rộng và Trọng lực. Ông đặc biệt lo lắng khi đề cập đến chủ đề du hành thời gian trước mặt Tiến sĩ Bryce DeWitt, một nhà vật lý nổi tiếng không thích nói chuyện vớ vẩn trước đã từng làm việc với Einstein. Tiến sĩ Dewitt đã có bài phát biểu ngay trước Tiến sĩ Mallett, và đây quả là một hành động liều lĩnh.

Tuy nhiên, vào cuối bài phát biểu của Tiến sĩ Mallett, Tiến sĩ DeWitt đã bật dậy ngay trước toàn thể khán giả và nói: “Tôi không biết liệu bạn có thể gặp mặt cha mình lần nữa hay không, nhưng ông chắc hẳn sẽ rất tự hào về bạn”.

Chỉ với một lời nói đó, những năm làm việc vất vả của ông đã được ghi nhận, nguyện vọng của ông được hoàn thành, và mục đích đề ra được thực hiện. Dù khi còn bé, ông đã từng mơ ước có thể ngăn chặn cái chết của cha mình, nhưng ông nhận ra rằng những khám phá của ông, thúc đẩy bởi những ký ức về người cha, đã là quá đủ rồi.

Cha là người Tiến sĩ Mallett yêu quý và ngưỡng mộ trong suốt thời niên thiếu. Mẹ ông đã phải làm việc chăm chỉ để nuôi dạy ông và ba người em khác của ông ở quận Bronx, thành phố New York. Lúc đó là vào thập niên 1950, và đây là thời điểm không dễ dàng gì để cho một người phụ nữ gốc Phi có thể kiếm sống, nên gia đình ông đã rơi vào cảnh nghèo đói. Ông hiểu được mẹ ông đã phải trải qua khó khăn như thế nào, vì lúc đó bà chỉ mới 30 tuổi, đã mất chồng vì bệnh tim và phải một mình bươn trải nuôi con.

Tiến sĩ Mallett đã viết về hành trình và phát hiện của mình trong quyển sách: ”Du hành thời gian: Nhiệm vụ hiện thực hóa du hành thời gian của một nhà khoa học”.

Phải mất bao lâu để tạo ra một cỗ máy thời gian?

co may thoi gian 2 

Cỗ máy thời gian trong loạt phim “Trở về tương lai”. (BFF)

 

Chúng tôi cần làm rõ một điểm là Tiến sĩ Ron Mallett không thể loay hoay trong nhà để xe và cải tiến một chiếc Delorean và một máy tụ điện như Tiến sĩ Brown trong bộ phim “Trở về tương lai” cho được. Ông là một nhà vật lý lý thuyết, không phải là nhà vật lý thực nghiệm. Điều đó có nghĩa là ông có thể chứng minh bằng toán học tính khả thi của việc du hành thời gian, nhưng vẫn cần các nhà vật lý thực nghiệm để thu thập các dụng cụ và xây dựng cỗ máy thời gian.

Đã cần khoảng 250.000 USD chỉ để khởi động dự án này. Khoản tiền này được dùng để chi trả cho nghiên cứu khả thi, và nghiên cứu này sẽ giúp xác định mức chi phí cho các giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.

Nhiều khoản tài trợ đã được gửi vào Ngân quỹ của Trường Đại học Connecticut. Tiến sĩ Mallett cho hay: “Qua thời gian quỹ đã nhận được gần 11.000 USD từ những nhà hảo tâm, từ 15 USD đến 20 USD từ các em học sinh cấp 2, cấp 3, cho đến 500 USD từ một cặp đôi trẻ có hứng thú với dự án, cho đến tận 1.000 USD từ một bậc phụ huynh đau buồn”.

Ông hy vọng một khi nghiên cứu khả thi được tiến hành, cả quá trình này sẽ kéo dài trong vòng tổng cộng 5 năm.

Câu hỏi triết học

Nếu một ngày nào đó có một cỗ máy thời gian được xây dựng dựa trên thiết kế của Tiến sĩ Mallett, điều gì sẽ xảy ra khi ta bấm nút? Một tin nhắn trong tương lai sẽ có thể xuất hiện ngay tức khắc.

Cỗ máy thời gian chỉ có thể phát tín hiệu trong khoảng thời gian mở máy cho đến khi tắt máy. Vậy nếu nó chạy liên tục trong vòng 100 năm, mã nhị phân có thể được gửi đến một khoảng thời gian bất kỳ nào trong vòng 100 năm đó. Một ai đó đến từ tương lai có thể biết cỗ máy sẽ được kích hoạt trong một ngày cụ thể nào đó và gửi thông điệp đến thời điểm đó.

Trong một bộ phim tài liệu hợp tác sản xuất giữa kênh Discovery và đài BBC có đề cập đến Tiến sĩ Mallett, người dẫn chương trình đã nói về du hành thời gian như sau: ”Câu hỏi được quan tâm hiện giờ chính là ý nghĩa của sinh mệnh con người”.

Nếu chúng ta có thể quay ngược về quá khứ để sửa chữa tất cả những thống khổ của nhân loại, nếu chúng ta có thể quay trở về và ngăn chặn những điều xấu đã xảy ra trong cuộc sống của chúng ta, thì điều đó sẽ có tác động như thế nào lên sự phát triển và hiểu biết của cá nhân mỗi con người? Xã hội chúng ta sẽ thay đổi ra sao?

Tiến sĩ Mallett cho rằng bộ phim “Cảnh Sát Thời Gian”, với sự góp mặt của nam diễn viên Jean-Claude Van Damme , đã đi tìm hiểu giả thiết này khá kỹ càng. Nhân vật Van Damme thủ vai được giao nhiệm vụ quản lý việc du hành thời gian để người dân không thể sử dụng nó cho mục đích riêng. Vợ anh đã qua đời và anh đã phải kiềm chế bản thân không quay ngược lại quá khứ để cứu cô ấy.

Tiến sĩ Mallett nói: “Xã hội nắm quyền quyết định cách thức việc du hành thời gian được vận dụng, chứ không phải cá nhân nào hết”. Máy Gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider), chiếc

máy gia tốc hạt lớn nhất và mạnh mẽ nhất trên thế giới, đang được vận hành bởi một nhóm các quốc gia. Ông hình dung rằng, một cỗ máy thời gian cũng sẽ được kiểm soát theo một dạng thức tương tự. Ông không cho rằng, các cỗ máy thời gian sẽ có thể trở nên phổ biến rộng rãi hơn so với các lò phản ứng hạt nhân. Người dân sẽ không có máy thời gian trong vườn của họ để sử dụng như một vật dụng thông thường.

Theo Tiến sĩ Mallett, mục đích tốt nhất khi sử dụng máy thời gian là để cảnh báo con người trước các thảm hoạ thiên nhiên, và để ngăn chặn cái chết của hàng ngàn người gây ra bởi các cơn sóng thần và bão tố.

Theo dõi @TaraMacIsaac trên Twitter, ghé thăm trang Epoch Times Beyond Science trên Facebook, và đăng ký nhận tin từ trang Beyond Science để tiếp tục khám phá các lĩnh vực mới của khoa học!

Ghi chú của người dịch :

*Vòng lặp thời gian (time loop) là một hoàn cảnh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng khi một đoạn thời gian lặp đi lặp lại. Khi vòng lặp thời gian “chạy lại”, ký ức của hầu hết các nhân vật sẽ được tua lại, và họ sẽ biểu hiện như thể không nhận ra được sự hiện hữu của vòng lặp đó.

Tara MacIsaac

Theo vietdaikynguyen


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc