Home » Xã hội » Thấy gì từ các vụ án oan
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị tù oan đến 10 năm mới được minh oan vừa lắng xuống, thì dư luận lại nổi lên với vụ án của Hồ Duy Hải, một vụ án mà người ta thấy rất nhiều sơ hở như dấu vân tay tại hiện trường không phải của Hải. Và phải tới khi có văn bản hỏa tốc của Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc can thiệp thì bản án tử hình dành cho Hồ Duy Hải mới được hoãn lại (ngay trước khi thi hành án 1 ngày).

CÓ BAO NHIÊU VỤ ÁN OAN

16 năm ngồi tù oan

Ông Trần Văn Chiến bị bắt giam vào ngày 21/5/1979 với tội danh giết người. Vụ án xảy ra tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Dù ông Chiến không nhận tội nhưng Tòa vẫn tuyên án ông tù chung thân. Do ông chấp hành tốt nên được thả tự do vào ngày 21/8/1995. Sau đó hung thủ thật sự của vụ án bị bắt và khai rằng ông Chiến không có liên quan đến vụ án. Cuối cùng tòa tuyên bố ông vô tội.

Sau hơn 16 năm bị tù oan ông Chiến được bồi thường 252 triệu đồng.

Tù oan vì cái đồng hồ

Ông Bùi Minh Hải chỉ vì vô ý đánh rơi đồng hồ gần hiện trường vụ án mà trở thành đối tượng tình nghi vào bị tống giam.

Dù kêu oan nhiều lần nhưng ông vẫn bị tòa tuyên án tù chung thân. May thay từ một vụ án khác, người ta biết được hung thủ thật sự vụ án của ông. Sau 16 tháng tù oan ông được đền bù gần 60 triệu. Số tiền đó liệu có đền bù nổi khi mà gia đình ông đã tan nát, con cái bỏ học, dư luận xã hội đàm tếu.

Bị tuyên án tử hình dù không buôn ma túy

Anh Nguyễn Minh Hùng ở Tây ninh bị 2 lần tuyên án tử hình vì vận chuyển 25 bánh heroin, sau 4 năm kêu cứu và ngồi tù, anh mới được minh oan khi kẻ chủ mưu khai thật.

Ngày 18/6/2004, án sơ thẩm lần thứ nhất của TAND tỉnh Tây Ninh tuyên Hùng tử hình. Tháng 7/2004, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại do Hùng kháng cáo kêu oan đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình. Phải đến phiên phúc thẩm lần 2 vào tháng 4/2007, tòa mới phát hiện các chứng cứ buộc tội anh Nguyễn Minh Hùng có nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt, khi đó kẻ đứng đầu đường dây, người từng kéo anh vào vòng lao lý mới phản cung.

Thêm vào đó, vợ anh Hùng đã cung cấp thêm bằng chứng là giấy xác nhận của một nhà nghỉ nơi vợ chồng anh trọ vào đúng ngày bị cáo buộc là đi giao heroin. Ngày 13/6/2008, anh Nguyễn Minh Hùng được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh phê chuẩn quyết định “tha bổng” sau hơn 4 năm bị tù oan và phải đối diện với 2 bản án tử hình.

Án oan vườn điều, 9 người bị vào tù

Vào tháng 5/1993 tại vườn điều của ông Hai Hoàng đã phát hiện thi thể của nạn nhân là Dương Thị Mỹ trong tình trạng đa chấn thương.

Vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc thì năm 1998, nghi phạm Huỳnh Văn Nén đã khai mình là thủ phạm vụ trọng án.

Theo lời khai của Nén, do nghi ngờ bà Mỹ quan hệ bất chính với anh em đồng hao tên Nhung nên một số người trong gia đình vợ Nén đã dùng dao chém nạn nhân đến chết. Từ lời khai này, 9 người trong gia đình vợ của Nén bị bắt giữ.

Vụ án sau đó được đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng đều bị hủy án do có nhiều tình tiết chưa rõ ràng. Việc điều tra xét xử vụ án kéo dài 12 năm, nhưng vẫn không tìm ra hung thủ.

Năm 2006, cơ quan điều tra xác định các bị cáo vô tội và trả tự do tại tòa. Đồng thời, cơ quan công tố phải công khai xin lỗi và bồi thường oan sai 9 người với tổng số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Đó chỉ là một vài trường hợp điển hình của án oan mà đã được điều tra ra, và còn không biết bao nhiêu vụ án oan khác nữa mà chưa điều tra được, có bao nhiêu người đang ngồi trong tù hiện nay là bị oan? Có bao nhiêu lá đơn kêu oan được gửi đi khắp nơi mà không được giải quyết?

VÌ SAO CÓ NHIỀU ÁN OAN

me ho duy hai

Mẹ con bà Loan khóc ngất khi nhắc đến Hồ Duy Hải – Ảnh: Vân Trường

Trường hợp tử từ Hồ Duy Hải, báo nông nghiệp viết rất rõ: “Ví như dấu máu và dấu vân tay thu được ở hiện trường, được cho là của hung thủ, nhưng qua giám định, lại không phải là dấu máu và dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Cái thớt được cho là Hải đã dùng để đập vào đầu hai nạn nhân, cơ quan điều tra không thu giữ được, nhưng lại cho người ra chợ… mua một cái thớt rồi đưa vào làm vật chứng của vụ án. Con dao Thái Lan “dài 28 cm, chiều ngang 3 cm”, được cho là Hải đã dùng nó để đâm, cắt cổ hai nạn nhân, cơ quan điều tra cũng không thu giữ được. Hai ngày sau, dân phòng phát hiện tại hiện trường một con dao không dính máu. Nhưng họ chỉ báo cho cơ quan điều tra rồi đem con dao… đốt đi, sau đó mua một con dao khác ngoài chợ, nộp cho cơ quan điều tra, để làm vật chứng. Vậy là trong vụ án này, không có bất cứ một vật chứng phạm tội nào được lưu lại ở hiện trường hay được phi tang ở đâu đó, phù hợp với kết luận điều tra, cáo trạng. Chỉ có dấu máu và dấu vân tay, thì lại không phải là dấu máu và dấu vân tay của người bị kết tội. Tất cả vật chứng là ngụy tạo” Như vậy là có sự ngụy tạo chứng cứ từ công an điều tra.

Về vụ án này báo đất viết cũng đưa chi tiết: “Hồ Duy Hải luôn nhận tội trước cán bộ nhưng lại nói nhỏ vào tai mẹ và dì rằng mình oan, cho thấy, điều bị án này chịu đựng trong trại giam đôi khi còn khiến anh khiếp sợ hơn cái chết.”

Người bị án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn mô tả mình bị ép cung “mày có khai không, tao cho mày chết” (theo vnexpress). Trong lá đơn kín 6 trang giấy ông Chấn viết năm 2007 gửi Viện trưởng VKSND tối cao có đoạn “Do bị tra tấn đánh đập, làm cho hoảng loạn, sợ hãi, tôi buộc phải nhận và làm theo những gì công an hướng dẫn mà thực tế không phải như vậy… Tôi không giết chị Hoan”.

Từ những tình tiết trên có thể thấy rằng công an sẵn sàng ép cung người bị tình nghi để nhận tội, thậm chí sẵn sàng đe dọa đánh đập khiến người bị tình nghi có bị oan cũng phải nhận tội.

Vậy còn tình tiết công an phải ngụy tạo chứng cứ là vì lý do gì? Luật sư Nguyễn Đăng Quang với kinh nghiệm 20 năm trong nghề đã phát biểu với báo Giáo dục rằng “Bắt người thì dễ, nhưng thả ra thì khó, vì lo sợ bị kiện ngược, rồi còn phải chịu áp lực phải tìm ra thủ phạm nên ý chí chủ quan của các điều tra viên chi phối nhiều vào các tình tiết phải xác minh một các khách quan, dẫn tới buộc tội bị can cho dù không đủ chứng lý”, “có rất nhiều vụ án mà bị can buộc phải nhận tội với cơ quan điều tra, nhưng khi ra tòa thì họ phản cung và nói thẳng là bị bức cung, nhục hình.”

Cũng theo Luật sư Quang “ Có những điều tra viên ý thức trách nhiệm không cao, đạo đức không tốt, có thể sai khiến đầu gấu đánh đập bị can, dọa dẫm khiến cho bị can khiếp sợ…”

Vậy rõ ràng vì lo sợ bị kiện ngược, áp lực tìm ra thủ phạm mà công an sẵn sàng ép cung, đe dọa, thậm chí cả ngụy tạo chứng cứ bị người bị tình nghi phải nhận tội.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM THIỂU ÁN OAN?

Vậy làm thế nào để ngăn chặn dùng nhục hình để bức cung, Luật sư Nguyễn Đăng Quang nói: “Trước đây đã có những ý kiến đề nghị chuyển việc quản lý bị can trong quá trình điều tra về Bộ Tư pháp, tôi ủng hộ ý kiến này, nhằm đảm bảo quyền của bị can, chống bức cung, nhục hình, từ đó sẽ ngăn chặn nhiều vụ oan sai gây bức xúc trong nhân dân”. (Báo Giáo dục).

Đại biểu quốc hội Lê Thị Nga (Thái nguyên) đã kiến nghị lắp camera tại tất cả các phòng hỏi cung để tránh bức cung. Luật sư Nguyễn Thanh Điệp có ý kiến về việc lắp camera như sau: “Việc lắp đặt camera để ghi lại những buổi hỏi cung nhằm hạn chế việc ép cung, dùng nhục hình cũng là một biện pháp có thể giảm thiểu được các trường hợp khi ra tòa bị cáo kêu bị ép cung, dùng nhục hình.

Tuy nhiên để có hiệu quả thật sự cần phải áp dụng đồng thời với việc nâng cao chuyên môn, sự công tâm khách quan của những người tiến hành tố tụng. Mở rộng quyền cho bị can, bị cáo (đặc biệt là quyền được im lặng, quyền được có luật sư…), tạo điều kiện hơn nữa cho luật sư tham gia vào các hoạt động điều tra.

Hơn nữa là phải có cơ chế giám sát theo dõi đồng nhất (trước và sau khi hỏi cung) để tránh tình trạng buổi hỏi cung được ghi hình “là buổi trình diễn” vì trước khi đó bị can bị cáo đã bị ép cung và dùng nhục hình rồi” (theo Báo Đất Việt).

Về vấn đề này Luật sư Lê Quốc Đạt có nhận định: “Việc lắp camera không có khả thi, vì pháp luật không quy định rõ nhất thiết phải hỏi cung, lấy lời khai trong buồng hỏi cung. Hơn nữa, con người có thể can thiệp vào nội dung chương trình do camera quay, rất đơn giản”.

THẤY GÌ TỪ MÔ HÌNH LẮP CAMERA Ở AN GIANG

An Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước lắp hệ thống camera ghi hình, thu âm ở tất cả phòng xử trong tỉnh (gồm cả 11 tòa huyện, thị xã).

camera o an giang

Cán bộ đang theo dõi một phiên tòa qua màn ảnh (ảnh Thu Phương)

Việc lắp đặt camera tại các phòng xử ở An giang giúp kiểm tra giám sát cán bộ xử án, vì thế cán bộ thực thi trách nhiệm hơn, giữ tác phong nghiêm túc. La Hồng (Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang) cho Báo Pháp luật biết: “việc lắp đặt camera ghi hình, thu âm tại các phòng xử đã phục vụ đắc lực cho công tác xét xử được đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ, nghiêm minh. Đặc biệt, chúng tôi còn xem đây là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm nội quy phiên tòa. Ngoài ra dữ liệu camera còn là tư liệu cho công tác xét xử phúc thẩm khi cần thiết”.

Hiện nay đã có hơn 10 tỉnh liên hệ với VKS tỉnh An Giang để học hỏi, nhân rộng mô hình này.

Nhưng việc dùng camera liệu sẽ khả thi đế mức độ nào? Trường hợp bị dùng nhục hình bức cung rồi mới vào phòng hỏi cung thì sao? Trong khi mà luật cũng không bắt buộc phải hỏi cung trong phòng hỏi cung. Cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có một giải pháp thiết thực và triệt để cho vấn đề này./.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn

 

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc