Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Đừng ăn chặn dân nghèo, để người dân đón tết yên vui (phần 2)
Có lời khuyên rằng chúng ta nên hài lòng với những gì mình đang có, nhưng nếu như nhìn vào thực tế cuộc sống khó khăn không thể hình dung nổi  hiện nay ở nông thôn thì ta lại không thể buông xuôi, bằng lòng được. Cũng là con người, thì 60 triệu người nông thôn cũng mong muốn cho kinh tế đất nước phát triển, cuộc sống ấm no. Bạn đọc có lẽ sẽ bất ngờ khi xem những thông tin dưới đây, là một người có thiện tâm, không vô cảm Bạn sẽ nghĩ phải làm gì đó để góp phần đổi thay.

>> Đừng ăn chặn dân nghèo, để người dân đón tết yên vui (phần 1)

2 triệu nông dân chưa có điện

Dù điện ở Việt Nam đã có xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng nghịch lý thay khi 2 triệu người trong 550.000 hộ gia đình nông dân tại 91 xã trong cả nước hiện chưa được tiếp cận với điện. Nói cách khác, lưới điện chưa đến 91 xã nói trên. Đây là thông tin được Ông Hoàng Trung Hải, phó thủ tướng, công bố tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm điện khí hóa nông thôn diễn ra tại bộ Công thương, tháng 4/2014.

Chưa có điện đồng nghĩa với không có điện khí hóa, trong sản xuất không có công cụ điện, không có máy bơm nước, vẫn tát nước gàu sòng, vẫn là con trâu đi trước, cái cày theo sau. Nghĩa là sản xuất vẫn giống như truyền thống hàng trăm năm trước và tất nhiên là năng suất lao động, thu nhập của 2 triệu người này vẫn thế, được vài triệu một năm. Về cuộc sống không có điện chắc chắn là khổ rồi, buổi tối thắp sáng bằng đèn dầu, đi lại nhờ ánh trăng. Truyện cổ, Ông trăng là do các vị thần làm ra để soi sáng cho con người vào ban đêm, xua tan lạnh lẽo giá buốt, cô đơn cho con người, thật là may mà còn có Trăng.

Nhiều triệu nông dân không máy tính, web, mạng internet

Khi cả thế giới đã bước sang nền kinh tế tri thức, khi mà các độc giả không thể hình dung nổi mình sẽ làm việc, sống thế nào nếu một ngày không có internet ?Thì đang có nhiều triệu nông dân, cuộc sống vẫn như thời xưa không có máy tính, tivi, đèn  điện, quạt điện, tủ lạnh, radio, nhạc, rạp hát, rạp chiếu phim và không có làm đêm, học đêm. Không chỉ riêng ở miền núi cao, mà ngay cả ở một số nơi đồng bằng như ở miền Tây nam bộ, ta vẫn thấy một cuộc sống vật chất, văn hóa tinh thần nghèo nàn, giản đơn như một phần khác, tách biệt khỏi văn minh thế giới. Nhìn bề ngoài sự khác nhau này có vẻ không lớn, nên có người cho đó là bình thường.

Có lần tại ngoại ô Amsterdam, một Việt kiều nói với tôi rằng, đừng tưởng nông thôn họ và mình giống nhau, về chất lượng là khác xa nhiều đấy. Họ không chú trọng nhiều về vật chất mà chú trọng cuộc sống văn hóa, tinh thần, coi trọng tri thức, hiện nay người ta coi tri thức còn quí hơn các nguồn tài nguyên khác. Con người chỉ cần có tri thức thì có thể đi khắp thế giới để kiếm sống. Vậy thì hàng triệu nông dân không có máy tính, internet, điều kiện học hành ít như trên thì ai sẽ lo cho họ đây.

Chất lượng cuộc sống nông thôn rất thấp

Theo báo cáo của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, năm 2013, Hà Nội có khoảng 84% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch mới chỉ đạt 34%. Tức là 2/3 nông dân ở Thủ đô có nước sạch. Thì tất nhiên nông dân ở các tỉnh khác tỷ lệ không có nước sạch sẽ cao hơn nhiều. Đồng thời môi trường ở nông thôn bị ô nhiễm rất nặng, đặc biệt là ở những nơi có làng nghề, khu công nghiệp thì ô nhiễm không khí, ô  nhiễm đất đai, nguồn nước rất nặng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ ung thư ở Việt nam cao nhất thế giới, mỗi năm chúng ta có thêm 150.000 ca ung thư mới, tốc độ tăng 5,4%/năm, với 75.000 người chết vì ung thư hàng năm.

Thống kê đến 2013, còn hơn 127/9.071 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 258/9.071 xã chưa có đường ô tô đi lại quanh năm, tức là vào mùa mưa, hoặc mùa lũ không đi lại được do chưa có cầu bắc qua sông suối. Học sinh, nông dân đi lại bằng những cây cầu khỉ hoặc bè kéo dây. Còn nhớ vụ chìm thuyền kinh hoàng tê tái lòng người đã làm chết 42 nông dân Quảng Bình đi lĩnh tiền trợ cấp tết vào ngày 30 Tết năm 2009, hình ảnh những cây cầu độc lạ, nguy hiểm của Việt nam đã được đưa khắp thế giới. Đi lại khó khăn cũng làm ảnh hưởng đến việc học tập ở hơn 250 xã này, việc các Thày đi gieo con chữ thật là gian nan, các Trò học được con chữ càng vất vả không kém.

Chợ ở nông thôn là nơi chủ yếu tiêu thụ hàng giả, mới đây Đại Kỷ Nguyên Việt ngữ đã có bài nói về chung tay ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng bẩn. Do thị trường nông thôn khó kiểm soát, quản lý lỏng lẻo, thậm chí không quản lý chất lượng hàng hóa; nông dân thì dễ dãi, không hiểu về chất lượng hàng hóa, thu nhập thấp nên chỉ mua hàng giá rẻ. Đây là lý do hàng giả, hàng nhái, hàng bẩn  mà chủ yếu xuất xứ là hàng địa phương của Trung quốc tung hoành khắp các ngõ ngách ở nông thôn. Hậu quả thật khó lường, đã gây ra bao cái chết thương tâm, và giết người tiêu dùng bằng cái chết từ từ thông qua ăn uống những thực phẩm độc hại của Trung quốc. Kết quả là người Việt nam sau ba thập kỷ chỉ tăng chiều cao có 1cm, trong khi Nhật, Hàn quốc đã tăng tới 12 cm. Thực sự là lực lượng lao động Việt nam đang ngày càng thấp bé đi về dáng vóc, tri thức cũng thấp đi vì không được tiếp cận văn minh.

Kỳ tiếp: Sản xuất manh mún, nhờ trời ở nông thôn

Thành Tâm

Theo daikynguyenvn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc