Home » Cổ truyền, Văn hóa » Nhờ chép sách thuê mà thành tựu học vấn

1310192224212382-ss10

Người xưa luôn chủ trương đem hết trí huệ và tâm kế đặt vào con đường chính đạo. Dùng nó để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trương Tái đời nhà Tống có nói: “Noi trời đất mà lập tâm, vì dân sinh mà lập mệnh, theo thánh hiền mà kế tục sự học vấn, vì muôn đời sau mà khai cuộc thái bình”. Những việc như thế đều cần có trí huệ, mà phải là đại trí đại huệ!

Nhưng Thần vốn phản đối con người dùng trí huệ và tâm kế của mình để làm việc xấu hại dân phản quốc, như vậy là kẻ đại nghịch bất đạo, trời đất không dung! Trong sách “Nhân kính loại toản”, có ghi chép rất nhiều câu chuyện về gương người xưa dựa vào điều kiện tự thân của mình dùng trí tuệ để cầu học, tu thân, vệ quốc, tề dân. Bài viết này sẽ giới thiệu một vài tấm gương như vậy.

Nhờ chép sách cho người mà học vấn được thành tựu

“Tam quốc chí” ghi:

Thời Tam quốc có Khám Trạch, gia cảnh nghèo khó cơ hàn, ông thường chép sách thuê cho người khác để kiếm thêm tiền giấy mực.  Một khi sách đã chép xong thì cũng là lúc ông đã thuộc nằm lòng nội dung. Khám Trạch nhờ vậy mà trở thành một người tinh thông kinh sử.

Nhận làm thuê để được đọc sách

“Nguyên sử” ghi:

Triệu Hoằng Nghị, tự là Nhân Khanh, thuở nhỏ vốn hiếu học nhưng gia cảnh nghèo khó không có tiền mua sách. Ông thường đến các nhà hào môn quý tộc để làm thuê. Ban ngày làm việc, ban đêm ông mượn sách của gia chủ để đọc.

Có một chủ nhà nọ thấy ông là người có chí hướng thích đọc sách nên rất cảm mến, nên đã sắp xếp cho ông được làm quản gia chứ không bắt làm những việc tay chân phí sức nữa. Cứ như vậy ông ở nhà ấy làm thuê rất mực cẩn thận tử tế, vừa làm công vừa học tập mà thành tựu được học vấn.

Trí huệ lớn lao nhất

Sách “Hán thư”, thiên “Tô Cảnh truyện” chép:

Ngu Hủ được đề bạt làm Thái thú Vũ Đô. Rợ Khương Hồ dẫn mấy ngàn binh sĩ chặn đường phục kích ở Trần Thương. Ngu Hủ bèn lệnh cho quân đội dừng lại, viết thư xin vua phái xuất viện binh, đợi viện binh đến sẽ tiếp tục tiến lên.

Quân Khương Hồ nghe được tin này, liền chia quân đi chiếm những huyện thành lân cận.

Ngu Hủ nhân lúc quân địch đang phân tán, lập tức di chuyển chẳng quản ngày đêm, mỗi ngày có khi đi hơn trăm dặm. Ông lệnh cho binh sĩ mỗi người làm hai cái bếp, hôm sau phải làm nhiều gấp đôi hôm trước. Quân Khương do vậy mà không dám tiếp cận.

Có người hỏi Ngu Hủ: “Xưa Tôn Tẫn phá bếp, giờ ông lại làm thêm bếp. Theo binh pháp nói mỗi ngày hành quân không vượt quá ba mươi dặm để đề phòng bất trắc, ông bây giờ mỗi ngày lại hành quân đến hai trăm dặm là cớ làm sao?”

Ngu Hủ nói: “Địch đông còn ta ít, nếu đi chậm thì dễ bị bắt kịp. Phải tiến nhanh thì chúng mới không biết được tình hình của ta. Địch thấy được bếp ta làm mỗi ngày một nhiều, nhất định sẽ cho rằng là quân đội ở các quận đang đến chi viện. Chúng nghĩ rằng quân ta đông, lại tiến thoái thần tốc, do vậy mà có ý sợ nên chẳng dám đuổi theo. Tôn Tẫn vì đang đuổi theo địch, nên mới làm ra vẻ yếu nhược. Còn tôi lại khoa trương sức mạnh lên như vậy là do ở tình thế khác nhau.”

Lục Vũ phân biện nước

“Thái trà ký” chép:

Lý Quý Khanh đến Dương Châu gặp Lục Hồng Tiệm (tức Lục Vũ, người đời sau xưng là “Trà thánh”) nói rằng:

“Lục quân, Trà ở Giang Châu vốn đã nổi tiếng rồi, nước suối ở Nam Lãnh cũng đặc biệt ngon. Bây giờ lấy nước ở Nam Lãnh mà đun trà Dương Châu, hai thứ ấy hòa làm một thì thật là ngàn năm khó gặp vậy!” Nói đoạn, liền sai những người lính cẩn thận nhất đến Nam Lãnh lấy nước, không lâu sau đã lấy về.

Lục Hồng Tiệm dùng thìa quậy nước ở trong thùng rồi nói: “Nước này là nước sông, không phải là nước suối của Nam Lãnh (tên địa danh nơi dòng thủy lưu chảy qua), có vẻ như là nước ở bên bờ con sông nào đó”. Ông đem nước đổ vào trong chậu, đổ được một nửa lại dừng lại nói: “Chỗ còn dư này mới là nước suối Nam Lãnh”.

Người lính được sai đi lấy nước phát hoảng nói: “Tôi từ Nam Lãnh lấy nước trở về, lúc bơi gần bờ thuyền bị chòng chềnh nên nước bị hắt ra ngoài một nửa, tôi sợ nước ít quá bèn múc đại bên bờ một ít, nhãn lực của ngài (chỉ Lục Hồng Tiệm) thật là thần kỳ, tôi làm thế nào cũng chẳng lừa ngài được.”

Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy chia sẻ nó với bạn bè
Theo vietdaikynguyen

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc