Home » Thế giới » Triều Tiên toan tính gì khi phong tỏa biên giới với Trung Quốc?
Liên tục tăng cường lực lượng, triển khai vũ khí mới, thành lập thêm các đơn vị mới, xây dựng trận địa phòng không, thường xuyên tập trận đổ bộ trực thăng… Triều Tiên đang “tính toán” điều gì với TQ?

Qua phân tích hình ảnh từ vệ tinh của huyện Samsu, tỉnh Ryanggang (Triều Tiên), tạp chí quân sự Hán Hòa cho biết, các doanh trại quân đội ở Samsu đã được mở rộng thêm đáng kể và đặc biệt đã xuất hiện thêm ít nhất 6 chiếc xe bọc thép. Thông tin này cũng khá khớp với quan sát của những người thường qua lại biên giới Trung – Triều rằng số lượng binh lính đã được tăng lên rõ rệt.

Tờ “Nhật báo Triều Tiên” của Hàn Quốc mới đây cũng đưa tin cho biết, quân đoàn thiết giáp số 12 của Triều Tiên được bố trí ở tỉnh Ryanggang (cách Trung Quốc chỉ một con sông) mới đây đã được trang bị thêm mấy chục xe tăng và xe chiến đấu bọc thép. Tờ báo này còn cho biết thêm, quân đoàn 12 này mới được thành lập hồi năm 2010 để đối phó với các động thái của quân đội Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp. Trước kia, quân đoàn này không hề có một chiếc xe thiết giáp nào thì nay đã được trang bị thêm 80 xe bọc thép hạng nặng mới, mỗi xe có thể chở 10-15 người và có thể vận động tác chiến ở tốc độ lên tới 80km/h. Lữ đoàn bộ binh thiết giáp số 42 được trang bị cơ số xe này đóng quân ở huyện Paegam và huyện Taehongdan của tỉnh Ryanggang.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần điều động lực lượng quân sự mạnh đến sat biên giới giáp Triều Tiên 
(Ảnh minh họa)

“Nhật báo Triều Tiên” cũng cho biết, quân đoàn 12 đồng thời còn được trang bị hơn 10 chiếc xe tăng số hiệu 915, loại xe tăng hiện đại nhất của Triều Tiên có hệ thống điều khiển hỏa lực tự động và màn hình máy tính hiển thị. Thêm vào đó, quân đoàn này còn được bổ sung lữ đoàn pháo cao xạ 934 và lữ đoàn đặc nhiệm bắn tỉa số 43.

Những thay đổi này khiến cho quân đoàn 12 từ chỗ chỉ là một đơn vị tác chiến thông thường trở thành lực lượng tấn công chủ lực. Bài báo còn cho rằng, việc Triều Tiên bố trí lực lượng mạnh ở biên giới giáp Trung Quốc chủ yếu là do lo ngại nước này có thể bội tín và không còn là đồng minh tin cậy của Bình Nhưỡng nữa nên phải có biện pháp đề phòng, đối phó.

Hàng rào thép gai ngăn cách biên giới Trung Quốc – Triều Tiên.

Chính tờ Thời báo Hoàn Cầu của Bắc Kinh cũng thừa nhận, mấy năm gần đây, việc Triều Tiên tăng cường lực lượng quân đội ở dọc theo biên giới không còn là chuyện lạ. Quân đội Triều Tiên thậm chí còn thường xuyên tổ chức tập trận đổ bộ trực thăng ở khu vực biên giới gần với Đan Đông (cửa khẩu lớn nhất nối Trung Quốc với Triều Tiên).

Bình luận về những thông tin này, tạp chí quốc phòng Hán Hòa cho biết, hình ảnh vệ tinh không cho thấy sự xuất hiện của 80 chiếc xe bọc thép mới, trừ phi chúng được bố trí một cách rất bí mật hoặc mới được bố trí cách đây chưa lâu. Còn ở khu vực Hysan, bờ bên kia biên giới Trung – Triều thì quả thực đã phát hiện tương đối nhiều trận địa pháo cao xạ. Dẫu vậy, chỉ với hành động tăng cường xe bọc thép ở huyện Samsu cũng có thể nhận ra rằng: Triều Tiên đang nâng cao cảnh giác với Trung Quốc. Hồi tháng 7/2014, một số nguồn tin từ Hàn Quốc còn cho biết, lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đã tuyên bố “biên giới Trung – Triều là chiến tuyến mới”.

Những tình huống này có vẻ khá giống với bước đi của Triều Tiên sau biến cố ở Liên Xô và Đông Âu hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, Triều Tiên cũng đã cho thành lập Quân đoàn số 10 tại thành phố Kanggye (tỉnh Chagang); Quân đoàn số 11 tại thành phố Hyesan (tỉnh Ryanggang). Theo thông tin tình báo, Quân đoàn số 10 có nhiệm vụ chủ yếu là cảnh giới Trung Quốc còn Quân đoàn số 11 nhằm vào khu vực biên giới giáp Trung Quốc và Nga.

Nhưng vì sao Triều Tiên lại cho thành lập những quân đoàn này? Đơn giản, đó là vì Bình Nhưỡng lo ngại các nước láng giềng trên có thể mở cửa biên giới và tạo ra một làn sóng tị nạn ồ ạt của những người muốn chạy trốn khỏi Triều Tiên.

Lính biên phòng Triều Tiên đang đuổi bắt một cặp vợ chồng tìm cách vượt qua biên giới đê ra nước ngoài tị nạn.

Đối với chính quyền Kim Jong-un, điều khiến họ rất không hài lòng và lo lắng thực sự trong thời gian vừa qua là việc Trung Quốc quyết định phóng thích 11 người tị nạn Triều Tiên hồi tháng 8/2014. Bình Nhưỡng lo sợ, nếu thông tin này lan ra, rất có thể một làn sóng tị nạn sẽ bùng phát. Chính vì thế, những nước có khả năng làm sụp đổ Triều Tiên không ai khác chính là Trung Quốc và Nga nhưng chủ yếu nhất vẫn là Trung Quốc bởi chiều dài biên giới giáp Nga chỉ là 5km.

Có thể nhận định tạm thời rằng, hành động phóng thích 11 người tị nạn Triều Tiên của Trung Quốc là lời cảnh báo đặc biệt và là động cơ có thể khiến Triều Tiên coi Trung Quốc là kẻ thù.

 

 

Theo infonet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc