Home » Xã hội » Việt Nam ngập chìm ngập trong bia rượu
Việt Nam là nước nghèo, có thu nhập bình quân trên đầu người thấp trên thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong bốn nước có mức thu nhập thấp nhất (chỉ hơn Lào và Campuchia), nhưng mức tiêu thụ bia lại cao nhất.
Ảnh nhathuocviet

Ảnh nhathuocviet

Tính trên toàn cầu Việt Nam nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, ở Châu Á thì chỉ đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật Bản, và giữ ngôi vị số một Đông Nam Á.

Thực trạng vấn nạn uống bia tại Việt Nam

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn là Phó Chủ tịch Hội Tâm Lý Học Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu về đề tài “thực trạng hành vi nghiện rượu bia của sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi tại Việt Nam” dựa trên cuộc điều tra tại Sài Gòn. Kết quả cho thấy gần 50% sử dụng 1 lần/tuần, gần 12% sử dụng 2 lần/tuần, hơn 13% sử dụng 3 lần/ tuần, trên 25,5% sử dụng nhiều hơn 3 lần/ tuần

Gần 38% uống bia thường xuyên, hơn 40% có dấu hiệu nghiện. Trên 50% nói dối để được uống bia, gần 28% vay tiền để uống bia, hơn 23% uống bia khi sức khỏe kém hoặc bị bệnh, 25% người tỏ ra khó chịu khi có người không đồng ý cho mình uống bia.

Vì sao người Việt uống bia nhiều

Nếu nói uống bia nhiều vì nghiện điều này là đúng nhưng không đủ, vì nếu chỉ vì nghiện thì chỉ uống đến mức độ nào đó thôi, nhưng thực tế trong các bữa tiệc hay cuộc nhậu người ta uống bất kể nhiều ít.

Vì sao người Việt uống nhiều bia đến thế? PSG.TS Huỳnh Văn Sơn cho VTV biết: “Thanh niên Việt Nam hoặc người đàn ông Việt Nam uống bia rượu để giải khuây, bởi vì có rất nhiều nỗi buồn và tâm sự thì người đàn ông không có nhu cầu hay thói quen chia sẻ với người khác. Người đàn ông Việt Nam uống rượu bởi vì cho đó là một hành động giao lưu, điều này xuất phát từ thói quen đó là mọi thứ có thể giải quyết trên bàn nhậu, bàn tiệc. Thậm chí trong một vài người lớn của chúng ta lại có quan niệm rằng chúng ta tuyển dụng chúng ta cất nhắc thậm chí chúng ta bổ nhiệm là những người phải trẻ và có năng lực giao lưu và năng lực giao lưu được người ta mặc định đồng nghĩa với năng lực uống rượu bia”

Ở Việt Nam bia ngập tràn trong tất cả các bữa tiệc lớn tiệc nhỏ, nhất là các ngày lễ tết, nhiều người xem các cuộc nhậu là nơi thể hiện bản lĩnh của mình, với bạn bè thì vì thể hiện mình là người mạnh mẽ, với công ty thì vì muốn thể hiện là người hết mình hoặc muốn lấy lòng các sếp, và là người biết giao lưu và ngoại giao tốt. Nhiều hợp đồng giao dịch muốn suôn sẻ cũng phải được giải quyết trên bàn nhậu.

Tệ nạn do uống bia

Trong một tài liệu giải thích với báo chí về cơ sở thực tiễn đề xuất quy định không bán rượu bia sau 22 giờ của Tổ thường trực soạn thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia (Bộ Y tế), có ghi:

“Tại Việt Nam, 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục.”

Mỗi dịp lễ tết là các cuộc vui hay quán nhậu lại ngập chìm trong bia, và số lượng các tai nạn giao thông, bạo lực gia đình lại gia tăng

Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế khuyến cáo đồ uống có cồn gây nguy hại cho sức khỏe con người, đặc biệt hệ tiêu hóa bị hủy hoại nhiều nhất. Lá gan là nơi bị đồ uống có cồn tác động và phá hủy nhiều nhất, làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh gan

Những tệ nạn phát sinh trong xã hội hầu hết liên quan đến bia, với những gia đình khó khăn thì đã nghèo lại càng nghèo thêm. Chị Hà ở Quảng Bình chia sẻ: “Thế nên mới nghèo mãi. Mình chỉ nói riêng chuyện gia đình mình, nếu chồng mình bớt nhậu nhẹt, bia rượu thì cũng sẽ tiết kiệm được hơn hai triệu đồng/1 tháng. Số tiền đó không hề ít ỏi ở một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Bình.”

Làm sao để hạn chế nạn uống bia

Năm 2014 Chính phủ đã có Quyết định 244 (do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 12/2/2014) phòng chống bia rượu, kết quả theo con số thống kê chính thức thì năm 2014 người Việt Nam tiêu thụ 3,14 tỷ lít bia sản xuất nội địa với chi phí hơn 3 tỷ đô la, tăng 8,1% so với năm 2013. Đó là chưa kể một lượng lớn bia nhập khẩu chưa được thống kê.

Qua 1 năm thực hiện Quyết định 244 cho thấy rằng tệ nạn uống bia còn tăng hơn trước chứ không hề giảm, mỗi năm mức độ tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng 10%, số lượng người uống bia tăng đều qua từng năm, chủ yếu là lớp trẻ mới lớn.

Để hạn chế tệ nạn uống bia PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ với VTV rằng: “Chúng ta cần phải có một chiến lược rất đồng bộ, chúng ta phải có chiến lược truyền thông tích cực liên quan đến rượu bia giống như chúng ta đã làm với thuốc lá trong thời gian gần đây mà chúng ta đã có thành công bước đầu khá đáng kể”.

Hiện tại trong khi chưa có một chính sách khả thi để hạn chế tệ nạn bia rượu thì rất nhiều gia đình sẽ mất hạnh phúc vì người cha, người chồng bạo hành. Tệ nạn đâm chém, tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng theo tỷ lệ tiêu thụ bia. Những trụ cột bỗng chốc trở thành gánh nặng cho gia đình, và trẻ em sẽ thiếu nơi nương tựa.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc