Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » 5 nỗi lo của sinh viên lần đầu đi thực tập
Nhiều trường hợp sinh viên sư phạm khi thực tập đứng trước bục giảng không biết nói gì hay sinh viên y khoa không thể trò chuyện với bệnh nhân.

Bên cạnh niềm háo hức, mỗi kì thực tập còn mang đến cho sinh viên vô vàn nỗi lo.

Không biết xin thực tập ở đâu

Đa số các trường đại học, cao đẳng đều tạo điều kiện cho sinh viên tự liên hệ nơi thực tập theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên với không ít sinh viên, tìm được một nơi thực tập phù hợp thực sự nan giải. Thậm chí không được nhận hoặc phải thay đổi nơi thực tập nhiều lần trước khi quyết định được một địa chỉ cụ thể.

Để có một công việc thực tập thuận lợi, tốt nhất nên lựa chọn nơi mình sẽ nộp hồ sơ từ trước. Sau đó dành thời gian tìm hiểu về công ty/cơ quan đó cũng như công việc mà mình hướng tới, nghiên cứu về lĩnh vực chuyên môn riêng của mình. “Biết người biết ta – Trăm trận trăm thắng”, khi đã nắm kĩ về nơi mình sẽ đến cũng đồng nghĩa với việc bạn có được 50% thành công ban đầu rồi.

Thực tế khác xa so với lý thuyết

Học tập trong môi trường giảng đường khác hoàn toàn so với khi đã đi thực tập với tư cách một nhân viên thực sự. Ngoài những lí thuyết được học trong sách vở còn rất nhiều những yêu cầu khác mà sinh viên đi thực tập phải đáp ứng.

Với nhiều bạn sinh viên, việc áp dụng máy móc theo lý thuyết, thụ động chờ công việc được giao sẽ khiến cho kì thực tập thất bại. Việc chủ động trong công việc, vận dụng tối đa khả năng quan sát rất có ích cho tích lũy kinh nghiệm giai đoạn này. Thay vì chăm chú nghiên cứu giáo trình, hãy để ý cách làm việc của những người xung quanh. Cho dù đôi khi công việc bị thất bại, nhưng những bài học trong quá trình thực tập sẽ rất hữu ích cho sau này, khi bạn đã trở thành một người đi làm thực sự.

Tự ti trong giao tiếp

Tâm lý “sợ giao tiếp” khi bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp đã trở thành rào cản của không ít bạn sinh viên. Rất nhiều người trong quá trình đi thực tập, phần vì rụt rè, phần sợ… nói sai, nên khi đến nơi làm việc chỉ ngồi một chỗ và làm công việc của mình. Điều này khiến cho dù bạn có làm việc chăm chỉ thì vẫn không được người khác nhớ đến.

Phần khác khi đi làm việc như một nhân viên thực thụ sẽ khiến sinh viên cảm thấy bối rối trong giao tiếp. Nhiều trường hợp sinh viên sư phạm khi thực tập đứng trước bục giảng không biết nói gì hay sinh viên y khoa không thể trò chuyện với bệnh nhân.

E dè khi giao tiếp sẽ khiến sinh viên mất đi cơ hội để thể hiện bản thân. Thực tập là quá trình làm quen với công việc, vì vậy sẽ luôn được thông cảm nếu bạn làm sai, quan trọng là dám hỏi, dám làm, chủ động để nhờ sự giúp đỡ cũng như xây dựng các mối quan hệ. Đa số nơi thực tập sẽ có người hướng dẫn, đây sẽ là cầu nối giữa sinh viên và những người khác trong cơ quan, hãy chủ động nêu ý kiến và nhờ tới sự giúp đỡ từ người hướng dẫn của mình. Điều quan trọng nữa là hãy giữ thái độ thật bình tĩnh, chuẩn bị kỹ tâm lý cũng như có kiến thức vững chắc về những điều mình nói.

Muôn nỗi lo của sinh viên lần đầu đi thực tập

Ảnh minh họa

Lựa chọn trang phục sao cho phù hợp

Đầu tóc, ăn mặc, trang điểm… như thế nào cho phù hợp với môi trường làm việc cũng là một trong những nỗi lo của sinh viên khi đi thực tập.

Bước qua cánh cửa giảng đường để sang một nơi làm việc chuyên nghiệp, đôi khi các bộ áo phông, quần jean trở nên không phù hợp. Hồng Duyên (Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) đã từng phải sắm mới một loạt quần áo để phù hợp với vai trò là cô giáo trên bục giảng, thay cho phong cách bụi phủ thường ngày. Hay Thu Thủy (Sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền) từng bị nhắc nhở không nên mặc váy đi tác nghiệp vì không tiện lợi khi phải mang nhiều vận dụng.

Không cần quá cầu kì trong ăn mặc, tuy nhiên lựa chọn trang phục phù hợp sẽ giúp sinh viên tự tin và gây được nhiều thiện cảm hơn trong môi trường mới.

Áp lực về thời gian

Với những cô nàng/anh chàng sinh viên quen với việc “đêm cố thức từng phút, sáng cố ngủ từng giây” thì việc làm việc, sinh hoạt theo một khung giờ hành chính cố định thực sự là điều khó khăn. Đi làm đồng nghĩa với việc tuyệt đối tuân theo những quy định nề nếp của nơi làm việc, không còn việc được ngủ nướng hay xem phim, chơi điện tử đến khuya nữa.

Điều chỉnh lại thời gian biểu sao cho hợp lý để tránh việc đi làm muộn – điều tối kị khi sinh viên đi thực tập không chỉ giúp công việc thuận lợi hơn, mà còn cực kì cần thiết để xây dựng tác phong nghề nghiệp khi đi làm sau này.

Việc trải nghiệm thực tế công việc chuyên môn bên cạnh vô vàn nỗi lo còn rất nhiều điều thú vị với sinh viên, hãy tận dụng quãng thời gian này để tích lũy những kinh nghiệm bài học cho riêng mình, qua mỗi kì thực tập, sinh viên mình sẽ nhận ra bản thân trưởng thành hơn rất nhiều đấy!

Hoàng Thu

Theo tiin

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc