Home » Thế giới » Ai có thể quyết định việc chuyển sinh của Đạt Lai Lạt Ma?
dat lai lat ma 1
Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong từ năm 1959, nhưng ngài vẫn luôn được tôn kính ở miền đất Tây Tạng (Ảnh: Getty Image)
Theo tín ngưỡng Tây Tạng, các Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân cho lòng từ bi của chư Phật và Bồ Tát, là người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sanh. Người Tây Tạng tin rằng mỗi một Đạt Lai Lạt Ma đều là tái sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma trước đó, vì vậy, các vị “Đạo sư với trí huệ như biển cả” này là nhà lãnh đạo tinh thần cao nhất, được người Tây Tạng tôn kính và ngưỡng mộ.

Nhà sư Đăng Châu Gia Mục Thố (Tenzin Gyatso) là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, được coi là hiện thân của Lạt Ma thứ 13 và là một trong ba thánh nhân người Châu Á trong thế kỷ 20 – theo giáo sư Eric Sharpe, Đại học Sydney, Australia. Sau khi được tấn phong tước vị vào năm 1940, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trở thành nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng.

Trong những năm 1950, quân đội của Chủ tịch Mao Trạch Đông đổ dồn vào vùng đất Tây Tạng, giết sư, đốt chùa và gây ra vô số tội ác đối với dân tộc này. Để tìm con đường hòa bình cho nhân dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với 80.000 người dân đã phải vượt qua dãy Hymalaya để tị nạn tại Ấn Độ.

Kể từ đó, Đạt Lai Lạt Ma đã nỗ lực để tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt đàn áp bằng con đường hòa bình, kiên quyết không sử dụng bạo lực và loại bỏ hận thù. Việc từ chối sự thống trị tuyệt đối và các chính sách kìm hãm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tây Tạng đã khiến Tây Tạng trở thành vấn đề nhức nhối trong nền chính trị Trung Quốc. Một cách hệ thống, ĐCSTQ đã thương mại hóa Tây Tạng, loại bỏ những gì về tự do tín ngưỡng, và có cả một lịch sử khủng bố tàn bạo bất cứ điều gì thuộc về tâm linh và nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng. Trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc liên tục ngăn cản các cuộc gặp gỡ giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và giới chức Tây phương và Hoa Kỳ. Những căng thẳng trong quan hệ của ĐCSTQ với Đức Đạt Lai Lạt Ma, có lẽ, không còn là điều gì mới mẻ.

 

Và gần đây, Đức Đạt Lai Lạt Ma 79 tuổi đã tuyên bố rằng ngài có thể là vị Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng.

Bình luận này gây xôn xao tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh, rằng điều gì sẽ xảy ra sau khi Đạt Lai Lạt Ma viên tịch, và ai sẽ tiếp nối ngài làm nhà lãnh đạo của Phật giáo Tây Tạng.

Ông Chu Duy Quần, một quan chức của ĐCSTQ, đã trả lời các ký giả tại Bắc Kinh vào thứ Tư (11/3) rằng Đạt Lai Lạt Ma không cho biết liệu ngài sẽ tái sinh hay không. Ông Chu khẳng định, rốt cuộc chính phủ Trung Quốc mới có quyền quyết định:

Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng thống Barack Obama trong cuộc gặp tại Phòng Bản Đồ, Nhà Trắng, Washington DC ngày 16/7/2011 (Ảnh chính thức của Nhà Trắng bởi Peter Souza)

Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng thống Barack Obama trong cuộc gặp tại Phòng Bản Đồ, Nhà Trắng, Washington DC ngày 16/7/2011 (Ảnh chính thức của Nhà Trắng bởi Peter Souza)

“Quyền quyết định về việc chuyển sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và về việc kết thúc hay tồn tại của dòng truyền thừa này, là nằm trong tay của chính phủ trung ương Trung Quốc”.

Ông Chu dẫn đầu ủy ban về các vấn đề sắc tộc và tín ngưỡng của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) – cơ quan tư vấn và được họp cùng lúc với cơ quan lập pháp, hoặc Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC). Ông cũng kết tội Đạt Lai Lạt Ma đã ‘chà đạp’ lên truyền thống thiêng liêng của mình: “Từ khía cạnh tôn giáo, đây là sự phản bội đối với việc kế thừa của các Đạt Lai Lạt Ma trong Phật giáo Tây Tạng”.

Bình luận về phát biểu của ông Chu, thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong, ông Lobsang Sangay, so sánh: “Giống như Fidel Castro nói: ‘Tôi sẽ chọn Giáo hoàng tiếp theo và tất cả các tín đồ Công giáo đều phải tuân theo’.” Đã từ lâu, các tín đồ Tây Tạng cho rằng họ sẽ không bao giờ công nhận một người lãnh đạo do chính phủ Trung Quốc chỉ định, và họ vẫn tiếp tục tin rằng Đạt Lai Lạt Ma sẽ tái sinh.

Biên tập: Hồng Liên

Theo Vision Times, daikynguyenvn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc