Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Tượng đài hoành tráng nằm cạnh cuộc sống cơ cực của người dân
Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng sau gần 7 năm thi công đã trở thành tượng đài lớn nhất  Đông Nam Á với chi phí khổng lồ 411 tỷ đồng. 
Ảnh vnexpress

Ảnh vnexpress

Dự án được xây dựng trên diện tích 15 ha ở núi Cấm xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, khởi công từ tháng 7/2007 và dự kiến khánh thành vào ngày 24/3/2015.

Vốn đầu tư gấp nhiều lần dự toán ban đầu

Dự toán ban đầu chi phí xây dựng là 55 tỷ đồng,  nhưng trước thời điểm khởi công, dự án đã đội giá lên 81 tỷ đồng. Đến năm 2011 tỉnh Quảng nam quyết định bổ sung 330 tỷ đồng nữa. Tổng số tiền đầu tư thành 411 tỷ đồng.

Điều này khiến có người đặt câu hỏi, nếu dự toán xây dựng ban đầu không phải 55 tỷ, mà chính xác là 411 tỷ như hiện nay, thì liệu có tránh được sự phản đối của dư luận hay không?

Và tại sao chi phí dự toán ban đầu lại quá nhỏ so với chi phí thực tế đến vậy? Liệu đây có phải là thủ thuật để dự án được đầu tư mà tránh được phản đối của dư luận hay không?

Với chi phí đầu tư như vậy một thực tế đặt ra là có cần thiết phải có một công trình như thế hay không?

Thế giới nhìn nhận về tượng đài

Với số tiền đầu tư khổng lồ này, tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng trở thành nổi tiếng trên thế giới vì đây là tượng đài lớn nhất Đông nam á, trong khi đó hàng năm Việt Nam đều nhận các nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài,  riêng vốn ODA năm 2014 là 5 tỷ USD, ODA năm 2013 là 7 tỷ USD. Điều này khiến không ít các chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng liệu Việt Nam có thật sự cần thiết vốn hỗ trợ đến thế không khi mà đã có khả năng xây dựng những công trình hoành tráng đồ sộ đến như vậy.

Nợ công của Việt Nam ở mức nào

Nợ công của Việt Nam đã đạt gần mức đụng trần (65% GDP). Theo tính toán của The Economist hôm 1/10/2014 thì nợ công là 84,32 tỷ đô la, tức mỗi người dân đang phải gánh 930 đô la.

Nếu nợ công vượt quá ngưỡng 65% GDP thì được xem là ở mức báo động vì khả năng vỡ nợ là rất cao. Hiện nay các chuyên gia kinh tế đều hiểu được áp lực nợ công của Việt Nam, nhưng công trình hoành tráng đồ sộ như tượng mẹ Việt Nam anh hùng là hình ảnh trái ngược với bức tranh nợ công của Việt Nam.

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/9/2014 Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước phát biểu rằng: “Nhiều tỉnh xây trụ sở đẹp lộng lẫy khang trang, rất phản cảm. Trong khi dân còn nghèo, nước còn nghèo thì xây trụ sở lộng lẫy như cung điện để làm gì?!”

Xã nghèo Tam Phú

Nơi xây dựng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng là xã Tam phú, đây  là một xã nghèo của tỉnh Quảng Nam, xã có nhiều hộ nghèo khiến trẻ em khó được đến trường. Điển hình như gia đình chị Trương Thị Quý , Đứa con gái đầu lòng của chị Quý là em Nguyễn Thị Tư học xong lớp 12 đành ngậm ngùi bỏ học ở nhà bán trứng vịt lộn phụ giúp mẹ và 2 em, em Tư mong ước: Con muốn được đi học tiếp để có tương lai phụ giúp gia đình, để không còn nghèo khổ nữa.

Mẹ con chị Trương Thị Quý . Ảnh qrt

Mẹ con chị Trương Thị Quý . Ảnh qrt

Nhiều hộ dân nơi đây nhà cửa rệu rã, mỗi năm mấy cơn mưa bão ập vào là phải gồng mình chống chọi.

Hệ thống điện nơi đây không được đầu tư đồng bộ nên bị lõm điện và xuống cấp nghiêm trọng, việc nâng cấp hiện đang gặp khó khăn do thiếu vốn.

Từ năm 2011 đến 2014 tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn tay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) số tiền 674 tỷ đồng, chưa kể vốn đối ứng, để cải tạo nâng cấp mạng lưới điện nông thôn (trong đó có xã Tam Phú).

Hệ thống giao thông của xã Tam Phú cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, lại chưa có tiền để đầu tư nâng cấp sửa chữa, khiến giao thông của người dân gặp khó khăn.

Một xã nghèo và khó khăn như thế, rất cần vốn để chăm lo đời sống người dân, số tiền 411 tỷ đúng ra phải được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng xã Tam Phú, thì lại dùng xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, rồi lại vay vốn ADB, KFW để đầu tư cơ sở hạ tầng, khiến nợ công của Việt Nam tăng thêm cao.

Vì sao phải xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng

Nếu hỏi các vị lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm xây dựng tượng đài thì sẽ được trả lời rằng việc xây dựng tượng đài để tưởng nhớ công lao của các mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Nam cho Báo Người Lao Động biết: “Quảng Nam vinh dự được chọn là nơi xây dựng tượng đài để tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến và hy sinh to lớn của các mẹ”.

Ông Cả, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam cho biết: Tượng đài có ý nghĩa lớn đối với quốc gia và người dân xứ Quảng, đồng thời nó cũng góp phần vào lãnh vực văn hóa và du lịch của địa phương.

Những phát biểu của quan chức địa phương đều không hề đứng trên phương diện cuộc sống người dân để xét vấn đề. Bởi lẽ trong lúc Quảng Nam còn rất nhiều hộ nghèo, nếu là một lãnh đạo thực sự mong muốn chăm lo cho cuộc sống người dân sẽ không bao giờ đồng ý xây dựng một công trình nguy nga lãng phí nằm ngay cạnh cuộc sống thống khổ của người dân.

Bạn trẻ Võ Khánh nói: “bố mình đã từng làm chính trị, bố nói rằng nếu các lãnh đạo làm tận tậm được 50% thôi thì đất nước phát triển lắm. lãnh đạo gần dân nhất là xã phường, thôn ấp thôi, còn lại từ cán bộ huyện trở lên đi làm chỉ lo làm cho gia đình mà thôi! càng làm cao càng lo cho dân ít hơn!”

Với việc xây dựng tượng đài to lớn đồ sộ trong bối cảnh Chính phủ đang hô hào cắt giảm chi tiêu công như hiện nay, thì tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành biểu tượng của sự xa hoa, lãng phí, vô cảm với cuộc sống cơ cực của người dân.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn

 

 

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc