Home » Xã hội » Sự cần thiết phải có ‘quyền im lặng’ trong luật
Hiện nay các vụ án oan đang có xu hướng tăng lên, Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị tù oan đến 10 năm mới được minh oan vừa lắng xuống, thì dư luận lại nổi lên với vụ án của Hồ Duy Hải. Và phải tới khi có văn bản hỏa tốc của Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc can thiệp thì bản án tử hình dành cho Hồ Duy Hải mới được hoãn lại (ngay trước khi thi hành án 1 ngày).
Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, người bị tù oan đến 10 năm trong ngày đoàn tụ với gia đình. (Ảnh: NLĐ)

Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, người bị tù oan đến 10 năm trong ngày đoàn tụ với gia đình. (Ảnh: NLĐ)

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ án oan là việc ép cung, vì không một ai không có tội lại tự khai có tội cả. Về vụ án Hồ Duy Hải Báo Đất Việt cũng đưa chi tiết: “Hồ Duy Hải luôn nhận tội trước cán bộ nhưng lại nói nhỏ vào tai mẹ và dì rằng mình oan” cho thấy những cực hình phải chịu trong trại giam còn đáng sợ hơn cái chết.

Người bị án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn mô tả mình bị ép cung “mày có khai không, tao cho mày chết” (theo vnexpress). Trong lá đơn kín 6 trang giấy ông Chấn viết năm 2007 gửi Viện trưởng VKSND tối cao có đoạn “Do bị tra tấn đánh đập, làm cho hoảng loạn, sợ hãi, tôi buộc phải nhận và làm theo những gì công an hướng dẫn mà thực tế không phải như vậy… Tôi không giết chị Hoan”.

Từ những tình tiết trên có thể thấy rằng công an sẵn sàng ép cung người bị tình nghi để nhận tội, thậm chí sẵn sàng đe dọa đánh đập khiến người bị tình nghi có bị oan cũng phải nhận tội.

Và mới đây nhất để ép một nhóm thanh niên nhận tội giết người, công an tỉnh Sóc Trăng đã treo tay phạm nhân lên cửa sổ, rồi đánh đập, dùng cả dùi cui đánh tới tấp lên người phạm nhân, khiến phạm nhân dù không phạm tội vẫn phải nhận tội.

Trước thực trạng này càng xuất hiện nhiều vụ án oan, đặc biệt là trong năm 2014, nên Viện KSND đã soạn ‘Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự’ (bản sửa đổi). Trong phiên họp của Ủy ban Tư pháp ngày 30/3, Viện KSND đã trình bày bản dự thảo này với rất nhiều nội dung được bổ sung và sửa đổi.

Quyền im lặng

Ông Lê Hữu Thể Viện phó Viện KSND cho rằng: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Quy định như vậy là phù hợp với công ước của Liên Hiệp Quốc”

Một số ý kiến ủng hộ việc áp dụng ‘quyền im lặng’, những cũng có ý kiến không đồng ý, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương nêu ý kiến rằng nếu quyền in lặng được đưa vào luật thì “chẳng ai làm được”, ông cũng đề nghị phải xem xét thấu đáo vấn đề này nếu không sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Ông Vương cũng đưa ra ý kiến cần quy định để nghi can có quyền tự trình bày lời khai chứ không ép cung.

Viện trưởng Viện KSND Nguyễn Hòa Bình khi dẫn chứng về luật các nước khác cho biết “nếu nghi can im lặng khi khai về tội của mình thì đó không phải là tình tiết tăng nặng, song anh ta im lặng không khai về đồng phạm thì lại là tình tiết tăng nặng, thậm chí còn có thể bị truy tố thêm tội Không tố giác tội phạm”.

Vì thế ông Bình đề xuất không nên quy định ‘quyền im lặng’ vì có thể bị hiểu nhầm là không cần khai gì.

Qua các ý kiến đã đưa ra Chủ tịch UB Tư Pháp cho hay Ủy ban thống nhất không đưa ‘quyền im lặng’ vào trong dự thảo luật. Ông Hiện nói: “Có thể quy định người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ có quyền tự do trình bày lời khai, ý kiến của mình. Họ không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại mình, không ép buộc phải nhận tội”

Việc ép cung trong quá trình điều tra

Việc ép cung là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ án oan sai, ông Thể đề nghị trong dự thảo cần có quy định bắt buộc phải có ghi âm ghi hình khi hỏi cung.

Nhưng nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp lại cho rằng không thể ghi hình trong mọi trường hợp được. Phó chủ nhiệm UB Tư Pháp Lê Thị Nga cho rằng: “Để tránh bức cung, nhục hình, cần quy định theo hướng: trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án; trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình như trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình”

Ông Vương cũng cho rằng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ ghi âm ghi hình là quá tốn kém.

Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm 2015.

‘Quyền im lặng’ được áp dụng như thế nào ở Mỹ và thế giới

Ở Mỹ luật đưa ra quyền này nhằm bảo đảm để không ai bị ép cung và đưa ra lời khai chống lại mình. Trong khi Việt Nam chưa có quyền này, nhưng quyền này đã được thực thi tại Mỹ từ cuối thế kỷ 18.

‘Quyền im lặng’ được hình thành từ sửa đổi Hiến pháp số 5 của Mỹ, trong đó có câu: “Không người nào lại bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình”.

Với ‘quyền im lặng’ này phạm nhân có quyền im lặng không nói gì cả thì cũng không được dùng hình phạt, dọa dẫm, hay tăng thêm tội của phạm nhân.

Để bảo vệ phạm nhân còn có quyền yêu cầu được luật sư hỗ trợ, tức là chỉ được hỏi cung khi có luật sư.

quyền im lặng được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều nước, chủ yếu được sử dụng nhằm bảo đảm rằng không ai bị ép cung, khai chống lại mình, bởi đó là một quyền cơ bản của con người.

Ở nước ngoài trước khi hỏi cung, thì nhân viên điều tra đều thông báo trước với phạm nhân rằng: “Anh có quyền giữ im lặng.Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước toà án. Anh có quyền nói chuyện với luật sư, và có luật sư hiện diện trong quá trình xét hỏi. Nếu anh không thể thuê luật sư, anh vẫn sẽ được cung cấp một luật sư bằng nguồn tài chính của chính phủ.”

Thiết nghĩ nếu Việt Nam áp dụng ‘quyền im lặng’ cũng như quyền được yêu cầu luật sư hỗ trợ thì những vụ án oan sẽ không còn nữa, cũng không còn cảnh nhiều phạm nhân bị chết oan ức trong đồn công an do bị đánh đập.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc