Home » Kinh doanh » Nhật Bản chi 100 tỷ USD xây dựng hạ tầng châu Á
Nhật Bản dự định đầu tư trị giá 100 tỷ USD để xây dựng cầu, đường, tuyến đường sắt và những dự án lớn khác ở châu Á, Thông tấn Jiji đưa tin hôm 19/5.

Nhật Bản sắp công bố khoản đầu tư 100 tỷ USD để xây dựng cầu, đường, tàu điện và những dự án lớn khác tại châu Á, theo tờ Jiji. (Ảnh: AFP)

Nhật Bản sắp công bố khoản đầu tư 100 tỷ USD để xây dựng cầu, đường, tàu điện và những dự án lớn khác tại châu Á, theo tờ Jiji. (Ảnh: AFP)

Khoản ngân sách khổng lồ trên xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc vạch ra viễn cảnh về ngân hàng phát triển hạ tầng mới tại châu Á.

Trong cuộc đua gần nhất để tranh giành ảnh hưởng ở khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới, Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ tiết lộ một liên danh công tư kéo dài 5 năm vào tuần này, tờ Jiji đưa tin.

Khoản tiền có giá trị tương đương số vốn dự kiến 100 tỷ USD rót vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) mà Bắc Kinh và hơn 50 quốc gia sáng lập khác đang chuẩn bị tạo dựng.

“Đây chính là cách mà Nhật Bản thể hiện sự sẵn lòng góp phần vào công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á thông qua bồi dưỡng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và nêu bật sự khác biệt so với AIIB, từ đó chứng tỏ rằng quốc gia này vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong khu vực”, tờ Jiji bình luận khi đưa tin.

Thông tin trên theo sau lời phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso hồi đầu tháng tại một sự kiện do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức, rằng xứ sở Hoa Anh Đào đang lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Á.

ADB là một tổ chức đầy uy tín lâu năm với Tokyo đóng vai trò chủ chốt.

Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai quốc gia đầu tư mạnh nhất trên thế giới, cho tới khi Bắc Kinh bắt đầu lôi cuốn các nước thành viên tham gia AIIB trước đó trong năm.

Washington đã nỗ lực nhưng thất bại để ngăn cản các đồng minh tham gia vào dự án do Trung Quốc khởi xướng mà theo nhận xét của giới chuyên gia, ngân hàng mới sẽ không buộc phải áp dụng những tiêu chuẩn quản trị và môi trường chặt chẽ như nhiều tổ chức quốc tế khác, với ADB là một ví dụ.

Các công nhân đang làm việc trong một nhà máy chế tạo tàu điện cao tốc ở tỉnh Thiển Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

 

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, những lo ngại về sự bành trướng ảnh hưởng từ phía Trung Quốc là điều hơi thái quá vì sự tham gia của hơn 50 nước, gồm cả những bên đối nghịch như Anh quốc và Iran, chắc chắn sẽ làm mờ nhạt quyền lực của Bắc Kinh.

Một số nhà quan sát hoài nghi, liệu châu Á có cần tới số vốn lên đến hàng tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Châu lục này cũng đem lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho những quốc gia sở hữu các ngành công nghiệp hạ tầng tiên tiến như Nhật Bản.

Cũng giống như chính phủ các nước khác, Tokyo cấp vốn hoặc tài trợ nhiều dự án lớn như một cách để hậu thuẫn những tập đoàn chủ chốt của mình thông qua xuất khẩu công nghệ nhà máy điện, hệ thống nước, mạng lưới viễn thông, đường sắt và xa lộ.

Khoản ngân sách mà Nhật Bản sắp công bố sẽ được phân bổ thông qua những cơ quan liên kết với chính phủ như Tổ chức Hợp tác Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á, Jiji đưa tin.

Theo Minhbao/AFP

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc