Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Tinh hoa văn hóa thời vua Hùng, dấu tích còn ghi
Nhân dịp ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương, chúng ta cùng điểm lại những tinh hoa văn hóa thời vua Hùng để lại, có tích cổ còn lưu lại đến ngày nay.

>> Tiên giới Thánh Duyên: Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Ngày giỗ tổ 10/3 năm nay dòng người ùn ùn kèo về vùng đất Phong Châu dâng hương tưởng nhớ vua Hùng.

phong chau

Các di tích văn hóa xưa vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay như chùa Tam Giang, đình Bạch Hạc, đền Lang Đài, miếu Hà Thần..

Đất Phong Châu thời có một cây lớn có tên là Chiên Đàn, cành lá rậm rạp, có chim hạc trắng làm tổ ở trên, nên thời ấy được gọi là Bạch Hạc. Ngã ba sông Bạch Hạc là nơi “sơn chầu, thủy tụ” (núi sông hội tụ) dồi dào khí thiêng sông núi. Ba con sông hợp lưu nơi ấy là sông Thao, sông Đà và sông Lô ngày nay.

song bach hac

Ngã 3 sông Bạch Hạc, nơi “sơn chầu, thủy tụ”, dồi dào khí thiêng sông núi…Ba con sông hợp lưu nơi ấy là sông Thao, sông Đà và sông Lô.

Thưở vua Hùng dựng nước, do địa thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có núi, có đồi và đồng bằng, nên người Việt cổ chúng ta đã chọn nơi ấy làm nơi cư ngụ: khi nước ngập thì lên đồi núi kiếm thức ăn, lúc mưa thuận gió hòa thì xuống đồng bằng gieo cấy. Ngày ấy nơi ngã 3 bến sông Bạch Hạc này, tổ Lạc Long Quân và mẫu Âu Cơ đã đã chia tay nhau, dẫn các con đi khai khẩn mở mang bờ cõi. Rồi chính nơi ấy người con cả của Tổ Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ, vua Hùng Lân Vương đầu tiên đã chọn làm đất xây dựng nên quốc gia Văn Lang gồm 15 bộ: Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận.

Nước Văn Lang chúng ta thời ấy, phía Đông giáp Nam Hải (người Việt ngày nay gọi là Biển Đông), Tây tới Ba Thục, Bắc tới Hồ Động Đình, Nam tới nước Hồ Tôn Tinh ( sau trở thành nước Chiêm Thành).

Bạch Hạc còn lưu giữ biết bao câu chuyện. Tiên Ông vừa câu cá vừa đặt tên cho 100 người con của Tổ Lạc Long Quân trên bến sông ngày ấy…đến giờ vẫn còn hòn đá hằn dấu chân khổng lồ của Tiên Ông và địa danh Bến Gót vẫn còn được lưu lại cho con người.

dau chan

Tiên Ông vừa câu cá vừa đặt tên cho 100 người con của tổ Lạc Long Quân bên bến sông ngày ấy…đến giờ vẫn còn hòn đá lưu dấu chân khổng lồ của Tiên Ông và địa danh Bến Gót được lưu lại cho con người…

Nơi núi Nghĩa Lĩnh, các Vua Hùng chọn đất đóng đô, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, nấu mật, cầu mưa…Lang Liêu ngày xưa gói bánh chưng, giã bánh dày dâng vua cha ngày tết, tiếng giã gạo đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình…cùng rước kiệu, đánh trống đồng, đâm đuống, hát Xoan … tất cả đều lắng đọng còn đây những lớp văn hoá cổ xưa của chúng ta mà mỗi câu chuyện giờ đây vẫn được gắn với sông núi, ao hồ, đất đai, vẫn còn đó tên tuổi và chứng tích.

den hung

đền Hùng ở chân núi Nghĩa Lĩnh

Từ chân núi lên 225 bậc đá là đền Hạ; nơi đó ngày ấy mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở 100 trai. Chùa Thiên Quang bên cạnh đền Hạ, muốn nhắc nhở hậu thế, rằng đây là ánh sáng từ trời toả xuống (Thiên Quang), cùng gác chuông.

Đi tiếp 168 bậc đá là đền Trung, nơi đây xưa kia vua Hùng cùng các Lạc Hầu, Lạc Tướng đánh cờ, rồi bàn việc nước; lại lên tiếp 102 bậc đá nữa là đền Thượng nơi xưa vua Hùng lập Điện thờ Trời và Thần Nông, thủy tổ của Bách Việt chúng ta, vị thần của cư dân nông nghiệp lúa nước, cũng là nơi sau này An Dương Vương dựng cột đá thề. Con người vẫn còn lưu giữ tại nơi đây để thờ tự.

den thuong

Đền Thượng nơi xưa vua Hùng thờ Trời đất, thủy tổ của Bách Việt chúng ta

cot da

Trước sân đền Thượng có cột đá thề, tương truyền Thục Phán An Dương Vương được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, cảm kích công ơn đã dựng cột đá, thề đời đời trông nom miếu Vũ và giang sơn bờ cõi các vua Hùng để lại..

Từ đền Thượng mở tầm mắt ra là mảnh đất tụ nhân, tụ thuỷ, tụ đức. Nơi đây vẫn còn dấu tích làng Cả xưa kia của chúng ta, với những dấu tích của kinh đô Văn Lang giàu đẹp, nơi có vườn trầu, khu luyện quân, lầu Tiên Cát, cùng làng lúa Minh Nông khi xưa các Hùng Vương dạy dân cấy lúa. Dưới chân núi Hùng vẫn có Giếng Ngọc, nơi đây ngày xưa các công chúa soi gương chải tóc. Ngày nay hậu thế lập Đền Giếng dưới chân núi, nhưng họ thả nhiều tiền lẻ vào làm bẩn và mất hết ý nghĩa của Giếng Ngọc. Lầu Thượng Lầu Hạ là nơi cửa cấm của triều cung;  Hương Trầm là ruộng lúa nếp hương mà người dân dùng gói bánh dâng vua Hùng để cúng tế trời đất. Làng Cả kinh đô ấy một thời vàng kim…

tu nhan thu thủy, tụ đức

Từ Đền Thượng mở tầm mắt ra là mảnh đất tụ nhân, tụ thủy, tụ đức…

 giếng ngọc

Giếng Ngọc ngày xưa, nơi các công chúa soi gương chải tóc. Ngày nay hậu thế lập đền Giếng dưới chân núi, nhưng họ thả nhiều tiền lẻ vào làm bẩn và mất hết ý nghĩa của Giếng Ngọc

Theo truyền thuyết ngày xưa Sơn Tinh và Thủy Tinh gặp vua Hùng để cầu hôn với công chú Mỵ Nương, vua Hùng truyền tỉ thí pháp thuật. Sơn Tinh Đại Vương chỉ núi, núi lở, ra vào trong núi không có gì trở ngại. Thủy Tinh lấy nước phun lên không biến thành mây mưa. vua nói: “2 vị đều có phép thần thông, nhưng ta chỉ có một con gái, vậy ai mang sính lễ tới trước, ta khắc gả cho”.

Hôm sau Sơn Tinh tới sớm, mang ngọc quý, vàng bạc, sơn cầm, dã thú, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao tới. Thủy Tinh tới sau, nổi giận đã định đem loài thủy tộc để đánh mong cướp con lại. Sơn Tinh Đại Vương lấy lưới sắt ngăn ngang sông huyện Từ Liêm. Thủy Tinh bèn mở một dải sông tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra song Hát, vào sông Đà để đánh ập sau lưng núi Tản Viên. Lại mở ngách sông Tiểu Tích Giang hướng về phía trước núi Tản Viên, ở khoảng ven sông đánh sụt thành vũng lớn để mở lối đi cho quân thủy tộc. Thủy Tinh thường làm mưa gió mịt mù, dâng nước lên đánh Sơn Tinh Đại Vương. Cũng may dân chúng ở trên núi cũng dựng hàng rào đón đỡ, đánh trống gõ cối, hò reo cứu viện. Thấy củi cành trôi bên ngoài hàng rào bèn bắn, thủy tộc chết biến thành xác ba ba thuồng luồn trôi tắc cả một khúc sông.

Sơn Tinh Đại Vương có được bí quyết trường sinh của Thần Tiên nên rất hiển linh, trở thành vị đệ nhất phúc thần của Đại Việt vì ngài vô cùng linh ứng.

Sơn Tinh Đại Vương từ hải quốc trở về, nơi ngày xưa theo Cha Lạc Long Quân đi xuống. Ngài đã trở về qua cửa biển Thần Phù, tìm nơi đất thanh, dân đôn hậu để ở. Đi men theo sông Cái đến đất Long Đỗ, rồi đến Trấn Trạch, định lại, nhưng chưa ưng ý. Đại Vương lại theo sông Lô, ngược lên tới bờ Phúc Lộc Giang, đứng trên bờ trông thấy núi Tản Viên cao vút đẹp đẽ, ba ngọn núi đứng xếp hàng như tranh vẽ. Dân dưới núi hàng ngày ca vịnh ngâm nga và chất phác. Vương đã làm một con đường thẳng như sợi dây từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía Nam núi Tản Viên, tới động An Uyên lập điện nghỉ lại.  

Thủy Tinh vẫn không nguôi giận, thủy tộc của Thủy Tinh hàng năm cứ tới tháng Tám, tháng Chín vẫn gây gió bão lụt lội cho nhân dân.

Ngã ba Bạch Hạc nơi kinh thành là một vùng sông nước hữu tình, sầm uất trên bến dưới thuyền, buổi chiều tà mặt trời đỏ ối lặn sau dãy Ba vì, nơi có núi Tản Viên, trên sông các thuyền thả lưới đánh cá vọng vang trong những làn điệu dân ca tạo cho Bạch Hạc một vẻ đẹp nên thơ.

bạch hạc

Ngã ba Bạch Hạc là một vùng sông nước hữu tình, sầm uất trên bến dưới thuyền, buổi chiều tà mặt trời đỏ ối lặn sau dãy Ba vì, nơi có núi Tản Viên, trên sông các thuyền thả lưới đánh cá vọng vang trong những làn điệu dân ca tạo cho Bạch Hạc một vẻ đẹp nên thơ.

cội nguồn

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông, chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Lê Thánh Tông –  vị vua anh minh đã có công trong việc chính thức hoá khởi đầu lịch sử dân tộc của các Vua Hùng trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Đến vua Minh Mạng – thời Nguyễn, Vua đã rước bài vị vào kinh thành Huế để thờ các Vua Hùng. Thời Tự Đức lễ hội Đền Hùng được khôi phục như cũ, vua Tự Đức còn cho xây dựng lăng Vua Hùng.

Nhân ngày giỗ tổ vua Hùng: Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc.

Ngày 10 tháng Ba này, đã trở thành tiếng chim hạc trắng gọi bầy, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Theo daikynguyenvn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc