Home » Thế giới, Tiêu Điểm » ĐCS Trung Quốc bảo trợ quan tham, trừng phạt thường dân
Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo trợ quan tham, trừng phạt dân thường
ĐCS Trung Quốc

Thanh tra thực phẩm Trung Quốc kiểm tra những hộp thiếc đựng sữa bột tại cửa hàng Tongzi, tỉnh Quý Châu miền tây nam Trung Quốc ngày 9/2/2010 do sản phẩm sữa chứa hóa chất melamine độc hại đang tái xuất hiện trên các quầy hàng. (AFP/Getty Images)

Mới đây Bắc Kinh lại thông báo bổ nhiệm một số quan chức ngành an toàn thực phẩm được cho là chịu trách nhiệm trong bê bối sữa bột nhiễm bẩn gây tử vong cho 6 trẻ em và khiến hàng trăm ngàn bé ngộ độc.

Vụ bê bối xảy ra vào năm 2008, khi hóa chất công nghiệp melamine bị phát hiện trong lượng lớn sữa bột dành cho trẻ em nhưng lại được tiêu thụ trên phạm vi toàn quốc và thậm chí còn xuất ra hải ngoại. Trên thực tế các cơ quan chức năng đã nắm rõ vấn đề này từ đầu năm, tuy nhiên họ cố tình che đậy cho đến khi kết thúc Thế vận hội Olympics tại Bắc Kinh vào tháng 8 nhằm tránh phiền toái cho chính quyền.

Một loạt quan chức đã chịu phạt sau vụ việc, một động tác của chính quyền nhằm phô diễn cho người dân thấy rằng lãnh đạo đất nước đã thực hiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Những quan chức sẵn sàng hy sinh vì Đảng trong trường hợp phát sinh sự cố xã hội thực chất là đang đóng góp cho Đảng”, giáo sư khoa học chính trị Hạ Minh tại trường Cao đẳng Staten Island bình luận trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Khi họ chứng tỏ mình là người đáng tin cậy về mặt chính trị, và nếu hoàn toàn phục tùng Đảng, một ngày nào đó những người này sẽ lại được phục chức”, ông Hạ nói.

Nhận xét đó giúp người ta hiểu rõ bản chất thực sự của chiến dịch tuyên truyền chống tham nhũng ồn ào được truyền thông nhà nước liên tục phát sóng.

Những thông tin mới đây về việc chính quyền bổ nhiệm vị trí mới cho các quan chức từng phạm tội đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Trên thực tế người dân sớm biết được rằng một vài quan chức chịu trách nhiệm về vụ sữa nhiễm độc được bổ nhiệm sang vị trí mới, tuy nhiên một loạt quyết định mới đây lại khiến dư luận xôn xao, đặc biệt trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình đi kèm với cam kết bài trừ triệt để vấn nạn này trong Đảng Cộng sản.

Vào 10/7, cựu quan chức Tôn Hiển Trạch phụ trách an toàn thực phẩm tại Cục Dược Thực phẩm Trung Quốc lại được đề bạt lên chức Cục phó.

Hai ngày sau có thêm tin cựu quan chức thuộc diện chóp bu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Vương Trí Tài cũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục chăn nuôi thuộc bộ. Ông Vương trước đây bị giáng chức vì vi phạm quy định của ngành. Vị trí mới của ông Vương chỉ được hé lộ sau khi vị quan chức này tham dự một hội nghị với chức danh cao hơn.

Logic nội bộ

Qua khảo sát thực tế, việc quan Trung Quốc bị phạt vì tham nhũng nhưng sau đó lại lặng lẽ leo lên chức vụ mới là điều không có gì lạ, phát sinh sau khi nỗi bất bình trong dư luận đã lắng dịu.

Một trường hợp nổi tiếng khác xảy ra vào cuối năm 2005, Giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường 56 tuổi Thiết Chân Hoạt phải hy sinh sau vụ nổ hóa dầu tại tỉnh Kế Lâm khiến 100 tấn hóa chất độc hại tràn đầy sông Tùng Hoa.

Chỉ hơn một năm sau, ông Thiết được đề bạt vào chức phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, một chức vụ béo bở tạo điều kiện cho quan chức bớt xén những khoản vốn dành cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Logic nội bộ như vậy của Đảng Cộng sản Trung Quốc gần như chỉ đạo độc tôn quy trình này, theo ông Hạ Minh.

“Đối với bất kỳ khủng hoảng xã hội hay an toàn công cộng quy mô lớn nào, tầng lớp lãnh đạo cấp cao của chính quyền sẽ chỉ thực hiện những nhiệm vụ ở bề mặt. Khi họ quyết định lựa chọn một quan chức nào đó, họ sẽ phải xem người này có trung thành với Đảng hay không”, ông Hạ nói.

Chính quyền Trung Quốc không ngại dân chúng chết dần chết mòn vì ăn phải loại thực phẩm nào đó, nhưng họ lại rất lo sợ phản ứng giận dữ và biểu tình chống đối từ các công dân nếu biết được những thông tin này qua truyền thông
-Hạ Minh

Giáo sư Hạ nói thêm: “Cách một cá nhân chứng minh lòng trung thành với Đảng chính là sẵn sàng hy sinh vì Đảng”.

Do vậy, sau khi đã bị quở trách nặng nề trước công chúng và chịu một hình phạt rõ thấy, các quan chức sẽ được thuyên chuyển tới một nơi xa hẳn rồi bổ nhiệm trở lại.

“Doanh nghiệp quốc doanh và giới chức cấp cao đã tạo lập những nhóm lợi ích, bảo trợ lẫn nhau”, ông Hạ cho biết và giải thích rằng tăng trưởng GDP là yếu tố then chốt để xác định tiền đồ sự nghiệp của quan chức.

“Chính quyền Trung Quốc không ngại dân chúng chết dần chết mòn vì ăn phải loại thực phẩm nào đó, nhưng họ lại rất lo sợ phản ứng giận dữ và biểu tình chống đối từ các công dân nếu biết được những thông tin này qua truyền thông”.

Trừng phạt người dân

Trong khi một số quan chức chịu trách nhiệm về bê bối sữa nhiễm bẩn vẫn được Đảng chăm lo dù vụ việc khiến 300.000 nạn nhân bị ảnh hưởng, hơn 50.000 trường hợp phải nhập viện vì sỏi thận hoặc các chứng bệnh khác và ít nhất 6 trẻ tử vong, một số công dân phơi bày sự thật này lại bị trừng phạt.

Nguyên cán bộ an toàn thực phẩm Triệu Liên Hải, người tích cực bảo vệ quyền lợi cho các bậc phụ huynh có con nhỏ là nạn nhân trong vụ bê bối, lại bị phán án 2,5 tù giam vì “gây rối trật tự xã hội” vào năm 2010.

“Tội” của ông Hải là lập trang web Ngôi nhà cho những trẻ bị sỏi thận nhằm liên kết các nạn nhân và công bố những văn bản rò rỉ từ chính quyền có nội dung chỉ đạo cơ quan chức năng giảm thiểu số nạn nhân mắc sỏi thận và bớt xén tiền bồi thường thiệt hại.

Biên dịch từ Epoch Times

Theo minhbao


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc