Home » Xã hội » Thực trạng bãi biển Sầm Sơn
Những cảm giác trái ngược ở bãi biển Sầm Sơn
Bãi biển Sầm Sơn - Thanh Hóa

Bãi biển Sầm Sơn – Thanh Hóa

Mùa hè, không có gì thú vị hơn ra biển. Sau một ngày nắng nóng, khô khốc và mệt mỏi, cùng nhau ra biển, hưởng gió trời và nhìn những con sóng vỗ bờ, chạy ùa xuống nước rồi lại lên bờ ngồi ngắm sóng. Hình như đó là thú vui chung của mọi người sau một ngày mệt nhọc. Nhưng, những ai từng đến thăm Thanh Hóa, xuống biển Sầm Sơn để tắm và ngắm cảnh chắc khó mà quên được những cảm giác trái ngược ở đây.

Giá gấp đôi, gấp ba

Nếu như du khách cảm thấy cuộc sống tươi đẹp sau khi hòa mình với thiên nhiên, với sóng và gió, ghi lại những tấm ảnh kỷ niệm bên tòa lâu đài cát của những thợ ảnh nơi đây với không khí hết sức thân thiện, lịch sự thì cũng không bao lâu sau đó, nếu lỡ ghé vào các nhà hàng, các quán ở đây, một cảm giác khác lạ sẽ kéo đến.

Như lời của một du khách đến từ Sài Gòn, đang nghỉ mát tại một khách sạn gần bãi biển Sầm Sơn: “Tức là mình biết được cái giá không cao như vậy nhưng mình phải trả giá gấp đôi hoặc gấp ba. Nên mình tức giận, cảm giác rất khó chịu. Lúc đó mình cảm giác bị lừa, tiếc đồng tiền của mình, mình nổi nóng với phục vụ hoặc chủ quán nhưng mà lỡ ăn rồi thì phải chịu thôi. Như ăn món biển có giá khoảng bảy trăm ngàn hoặc tám trăm ngàn nhưng nó tính đến hai triệu hoặc ba triệu.”

Theo người này, Sầm Sơn là một bãi biển khá đẹp với các hòn trống mái, hòn chồng cùng bãi đá được xếp đặt bởi bạn tay tạo hóa hết sức kì thú và nghệ thuật mà khó để có một công trình nghệ thuật xếp đặt nào của các nghệ sĩ lại đạt được chuẩn mực về cái đẹp như thế.

Sóng biển Sầm Sơn cũng không quá dữ, vừa đủ để bơi lội, những người bán hàng rong ở đây cũng khá lịch sự, họ không chặt chém khách, không chèo kéo mời chào bổ bả và đặc biệt là lực lượng an ninh trật tự ở bãi biển Sầm Sơn có thể nói là đảm bảo an ninh tuyệt đối cho du khách. Cũng theo tìm hiểu của người khách này, trong vòng hai năm trở lại đây, chưa hề có tình trạng mất cắp, cướp giật hay móc túi trong khu vực bãi tắm Sầm Sơn.

sam-son-400.jpg
Dịch vụ chụp ảnh hoặc cho thuê cảnh chụp ảnh tại biễn Sầm Sơn. RFA PHOTO.

Cũng theo nhận xét của người khách này, lực lượng cứu hộ ở bãi biển Sầm Sơn tương đối dày và có trách nhiệm, họ luôn có mặt khi cần thiết và hầu như khi có người xuống biển tắm thì họ đã có mặt trên bờ biển, cầm loa nhắc nhở khách không nên bơi quá xa, nếu bãi biển quá đông người, sẽ có hai hoặc ba chiếc tàu cứu hộ chạy gần bờ để quan sát tình hình, xử lý kịp thời các trường hợp trục trặc.

Đó là nói về biển, hầu như chưa có du khách nào phàn nàn về các dịch vụ trên bãi biển Sầm Sơn, trừ khi họ bước vào các quán, nhà hàng ở đây, câu chuyện trở nên căng thẳng và mệt mỏi. Hầu như mọi dịch vụ ở khu vực gần bãi biển Sầm Sơn đều đắt đỏ và có vấn đề. Mà vấn đề người khách này quan tâm nhất chính là vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như giá cả.

Không vệ sinh

Nếu như ngoài biển, du khách cảm nhận sự thánh thiện được bao nhiêu thì khi vào các quán, khách sạn, nhà nghỉ, cảm giác thánh thiện đó sẽ tiêu tan bấy nhiêu. Chỉ riêng vệ sinh an toàn thực phẩm, hầu như các món ăn ở đây không được xử lý sạch sẽ cho mấy, từ chén bát đĩa cho đến thực phẩm, nhìn không tươm tất và có chút gì đó lợn cợn, khó nói.

Ví dụ như gọi một dĩa thịt gà thả vườn nhưng khi mang lên cho khách, nhà hàng lại mang gà công nghiệp đã xả thịt sau quá trình đẻ trứng. Vị thịt của hai loại gà này hoàn toàn khác nhau, chất lượng cũng khác nhau. Trong khi đó, dĩa đựng thịt nhìm lem luốc, thậm chí đen đúa như mới chỉ rửa sơ qua nước chứ chưa hề dùng đến xà bông rửa chén. Và giá cả của nó thì miễn bàn!

Một người ở ngay khu vực biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, không muốn nêu tên, bức xúc nói: “Cái thực trạng ở biển Sầm Sơn thì tình trạng chặt chém xảy ra thường xuyên. Nhất là các điểm nhà nghỉ, phục vụ mọi thứ, dịch vụ ăn uống… Nhiều khi cơ quan chức năng họ quản lý lỏng lẻo. Hoặc là chủ dịch vụ đi lại với họ… Thậm chí xảy ra trường hợp giá một đường tình tiền một nẻo. Thường thì họ phản án thường xuyên nhưng không cải thiện được. Điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ở khu vực này.”

Theo người này, văn hóa ứng xử cũng như cách định nghĩa về dịch vụ du lịch ở phần đông các doanh nghiệp cũng như các gia đình kinh doanh du lịch đã có vấn đề trầm trọng. Thay vì nghĩ rằng du khách là thượng đế mang đến sự may mắn cũng như khá giả cho mình và phải đối xử với du khách thật thân thiện, tạo cho họ cảm giác như đang tiếp xúc với những người bạn hiền lành thì ở đây mọi chuyện lại khác. Người ta đã bị quá lệch lạc trong định nghĩa du lịch.

Nghĩa là thiếu hẳn sự tử tế ở đây, người ta đối xử với nhau theo kiểu bẫy mồi, hễ thấy một du khách ở xa đến thì liền sau đó sẽ có một cái bẫy được cài sẵn ở một số nhà hàng, khách sạn. Và nếu không dính bẫy ở chỗ này thì du khách cũng sẽ bị dính bẫy ở chỗ khác. Người ta tha hồ chặt chém và nghĩ rằng đây không phải là người bản xứ, chặt một lần cho đã tay.

sam-son-2-400.jpg
Các dịch phụ tại bãi tắm ở biển Sầm Sơn. RFA PHOTO.

Chính vì vậy mới có những dĩa thịt gà chưa đầy nửa con đã bị hét lên với giá bảy, tám trăm ngàn đồng, khiến cho du khách choáng váng. Và cũng có trường hợp ngủ xong một đêm khách sạn, sáng mai tính tiền, du khách tá hỏa vì số tiền lên đến cả triệu đồng trong khi giá niêm yết của mỗi phòng chỉ có bốn trăm ngàn đồng. Hỏi ra thì mới biết là giá nước giải khát, giá ăn điểm tâm đã đội lên đến tiền triệu.

Đặc biệt, hầu như đã thành thông lệ, rất nhiều nhà hàng ở Sầm Sơn không để giá món ăn, chỉ để tên hàng loạt các món lên thực đơn. Du khách lỡ bước vào quán, yêu cầu cung cấp thực đơn thì nhà hàng đưa ra bản thực đơn không đề giá, nếu du khách tiếp tục hỏi giá thì bắt gặp cảm giác khó chịu, coi thường khách theo kiểu đánh giá khách quá ki bo, tính toán. Và phần đông du khách đã lỡ bước vào thì gọi vài chai nước giải khát, vài chai bia, một dĩa thức ăn nhẹ nào đó. Nhưng phiếu tính tiền vẫn có thể lên đến con số hàng triệu đồng.

Theo người này, sở dĩ có những chuyện tréo ngoe và vô lý như vậy là do bộ phận quản lý thị trường ở khu vực Sầm Sơn làm việc cẩu thả, thậm chí có những móc nối ăn chia thiếu sạch sẽ giữa họ và chủ nhà hàng. Trong một số trường hợp, nhà hàng phải chung chi cho họ rất đậm. Chính vì vậy, nhà hàng mới được thả lòng để tha hồ chặt chém khách làm giàu và trích lãi chia cho loại cán bộ vừa nói.

Người này tiếc nuối nói rằng Sầm Sơn đã đánh mất cơ hội làm ăn lớn. Bởi sau quá trình quảng bá du lịch, lượng khách ở khu vực biển Sầm Sơn tăng đáng kể, thu nhập của các nhà hàng, khách sạn và dịch vụ ở đây tăng cao. Lẽ ra, để giữ được điều này bền vững, người ta phải nghĩ đến kế hoạch lâu dài, phải tạo cho mình một phông văn hóa ít nhất cũng vừa đủ để khách cảm thấy Sầm Sơn sẽ là điểm nghỉ mát cho năm sau.

Đằng này, người ta đã quá vội vàng làm giàu, đạp qua mọi chuẩn mực về lòng tự trọng cũng như đạo đức để dẫn đến hậu quả là du khách một lần đến Sầm Sơn, sẽ không còn lần hai. Bởi chẳng ai hơi đâu rảnh rỗi ở tít tận thành phố Thanh Hóa để nghỉ ngơi, sau đó chạy xuống Sầm Sơn tắm biển rồi lại quay lên Thanh Hóa nghỉ ngơi.

Nói cho cùng, cách làm ăn ở bãi biển Sầm Sơn rất phù hợp với một câu mà trước đây người ta dùng để giễu nhại người dân Thanh Hóa, đó là câu: Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu. Nếu như chiếc tàu kinh doanh du lịch ở Sầm Sơn bị lật, nguyên nhân chính không ai khác ngoài chính sự phá hoại đường tàu của các hộ kinh doanh ở đây!

Theo rfa

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc