Home » Kinh doanh » Bao giờ nông dân Việt mới hết khổ vì trái cây Trung Quốc

Thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, cam, xoài, chôm chôm, bưởi, nhãn miền Nam bị rớt giá thê thảm bởi nguồn trái cây Trung Quốc tấn công ồ ạt từ phía Bắc là mối nguy lớn của người nông dân miền Nam. Hiện tại, nhà nước vẫn chưa có bất kì biện pháp nào nhằm ổn định đời sống kinh tế của người nông dân làm vườn ở miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Trái cây Trung Quốc vẫn hoành hành trên đất Việt Nam.

Mô hình “rắn nuốt nhái” của Trung Quốc

Một nông dân tên Thiện, sống ở Phan Thiết, Bình Thuận, chia sẻ: “Thanh long thì thuộc dạng đặc sản của Bình Thuận và phía Nam Ninh Thuận, nếu ế ẩm thì người nông dân ăn c. thôi chứ có gì đâu!”.

Ông Thiện cho biết thêm là hiện nay, trái thanh long ở Bình Thuận vẫn đang ế ẩm đến mức không còn gì để hy vọng. Với giá ba ngàn đồng mỗi ký lô, chỉ vừa đủ để bù tiền điện bơm nước tưới và chong cho trái thanh long phát triển, tiền công và phân tro coi như mất trắng.

Và chưa dừng ở mức ba ngàn đồng mỗi ký lô, giá thanh long vài tuần trở lại đây tiếp tục tuột xuống mức hai ngàn rưỡi mỗi ký lô. Trong khi đó, nhiều vườn thanh long cần phải bán tháo vì trái chín quá nhiều, đã có một phần bị sút cùi, thối rữa nhưng nhà buôn lại không đến. Người nông dân phải hái thanh long về cho bò ăn, ủ làm phân bón và đổ hầm rác.

Nhưng vẫn chưa dừng ở đó, thanh long lại tiếp tục rớt giá trong hai ngày trở lại đây với giá năm trăm đồng trên một ký lô. Như vậy, người nông dân chỉ còn nước hái thanh long chất thành núi trên đường quốc lộ, chờ người ta đi qua để bán từng ký lô và ngồi chờ nhà buôn đến mua. Nhưng chuyện này rất khó khăn, đổ đi thì nhiều mà bán được thì rất ít. Niềm hy vọng vào trái thanh long hoàn toàn bị tan biến.

Điều này khiến ông Thiện buồn bã nghĩ đến mô hình làm kinh tế kiểu rắn nuốt nhái mà nông dân Việt Nam đã bị giới nhà buôn Trung Quốc đầu độc suốt mấy chục năm nay. Nghĩa là chuyện làm kinh tế của người nông dân Việt Nam chưa bao giờ có qui cũ hoặc có một phương hướng mang tính khoa học nào. Kinh tế nhà nông Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào những cuộc ngẫu hứng của thương gia Trung Quốc.

Chính vì phụ thuộc vào Trung Quốc nên khi nào thương gia Trung Quốc chọn mua mặt hàng nông sản nào đó thì liền lập tức loại cây trồng của sản phẩm đó được nông dân đua nhau trồng, trồng vô tội vạ, thậm chí phá bỏ những loại cây đã trồng ổn định để trồng loại cây đó. Loại cây mà nông dân thi nhau trồng được xem là chỗ con nhái phình lên trong bụng con rắn. Những chỗ khác, loại cây khác bị bỏ quên cũng giống như chỗ bụng rắn chẳng có gì, trống hoác và teo tóp.

Những giỏ thanh long may mắn được thương lái mua
Những giỏ thanh long may mắn được thương lái mua. RFA

Và, thay vì nhà nước đứng ra để hướng dẫn người nông dân nên trồng loại cây gì để nhà nước tìm thị trường đầu ra thì đằng này, người nông dân bị bỏ mặc cho thương lái Trung Quốc điều khiển. Vì động cơ kiếm tiền, người nông dân buộc phải nghe theo thương lái Trung Quốc. Và nhiều lần sập bẫy bởi Trung Quốc vẫn không bao giờ làm người nông dân Việt Nam hoảng sợ bởi vì họ chưa bao giờ hiểu ra chuyện.

Sở dĩ không hiểu ra chuyện nhưng khi thất bại lại biết ngay là do Trung Quốc gây ra vì khi trồng loại nông sản Trung Quốc yêu cầu, thay vì được nhà nước khuyến cáo hay cảnh báo, chính quyền địa phương lại tìm cách đánh thuế vào mặt hàng đã trồng, điều này kích thích tính kiên trì và chịu đạn của người nông dân.

Như trường hợp chính quyền địa phương ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã bắt nông dân phải đóng mỗi sào thanh long từ ba triệu đồng đến sáu triệu đồng trong năm 2014 và 2015. Hành vi bắt dân đóng thuế vì đã trồng thanh long thay vì khuyến cáo nông dân phải ngừng ngay việc trồng tràn lan loại cây này đã kích thích phong trào trồng thanh long nở rộ ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, thậm chí các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Trung, miền Bắc cũng bắt đầu rục rịch trồng thanh long, phá bỏ những loại cây khác.

Trái cây Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Một nông dân khác tên Liền, sống ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, chia sẻ thêm: “Thanh long bể lâu rồi chứ, bể còn 500 đồng một ký. Người nông dsa6n bán không được thì mang ra đổ ngoài đường hế. Hàng Trung Quốc nó tràn sang Việt Nam làm ảnh hưởng lắm, sức m,ua của người Việt Nam bị kém đi nhiều bởi chia sẻ trong hàng hóa Trung Quốc, hàng Việt Nam bị ế. Người Trung Quốc thường sang đây mở xí nghiệp, mở đại lý cho người Việt đứng tên để mua. Nó mua giá rẻ và trước đây nó đã mua bông thanh long, rồi giờ lại thả thị trường thanh long Việt Nam…”.

Theo ông Liền, hiện nay Bình Thuận là tỉnh có nhiều thanh long nhất Việt Nam. Và đây cũng là nơi có giá thanh long rẻ bèo nhất nước, vài ngày trở lại đây giá mỗi ký lô thanh long chỉ còn năm trăm đồng. Với giá thành như hiện tại, người nông dân bán cả một vườn thanh long chín cũng không đủ bù được khoản tiền đã đóng cho nhà nước khi chuyển loại hình trồng lúa sang trồng thanh long.

Cũng giống như nhiều nông dân khác, ông Liền biết rằng khi trồng thay lúa, nguy cơ bán ế, bỏ vườn sẽ diễn ra. Nhưng nếu làm lúa, với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước luôn bị thiếu, nhiều khi phải bỏ ruộng hoang cả mùa thì việc chọn trồng thanh long vẫn có nhiều hy vọng hơn. Chính vì vậy mà ông Liền chọn trồng thanh long, thậm chí thuê những đám ruộng bỏ hoang để trồng thanh long.

Ông Liền chỉ thấy là thị trường thanh long lúc đó chạy hàng, sinh lãi chứ không hề hình dung đến cảnh Trung Quốc không những ngừng nhập hàng trái cây của Việt Nam mà hầu như thị trường thanh long ở Trung Quốc cũng đã bão hòa bởi nông dân Trung Quốc cũng có trồng loại cây này, việc trồng đã thành phong trào.

Bên cạnh đó, những loại trái cây như bưởi, nhãn, xoài, lựu, táo, cam, quýt… từ Trung Quốc đang ồ ạt thâm nhập vào Việt Nam. Và trái cây Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam với giá rẻ bèo ở các tỉnh phía Bắc, giá tương đối rẻ ở miền Trung đã nhanh chóng biến thành tấm lưới chắn tất cả mọi loại trái cây từ miền Nam đưa ra miền Trung và miền Bắc. Trái thanh long cũng không nằm ngoài luật chơi này, kẻ thiệt thòi lớn nhất bao giờ cũng là người nông dân.

Hiện nay, giá trái cây, đặc biệt là trái thanh long vẫn đang tiếp tục tuột dốc ở các tỉnh phía Nam. Người nông dân lại trông chờ vào phép màu “đồng hành cùng nhà nông” của những tổ chức thiện nguyện phi chính trị như họ đã từng giúp người nông dân miền Trung tiêu thụ dưa hấu trong những tháng đầu năm 2015.

Ông Liền lắc đầu, chua chát đưa ra kết luận rằng không biết trên thế giới này có nông dân ở xứ nào phải luôn chờ cứu viện từ lòng thương hại giống như nông dân Việt Nam?!

Theo RFA

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc