Home » Kinh doanh » Cơ quan nhà nước còn hiểu sai thủ tục, huống gì doanh nghiệp
thực trạng DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất đã có từ rất lâu. Một phần do ngôn ngữ văn bản diễn đạt không chuẩn, từ đa nghĩa, một phần do trình độ, mục tiêu hướng dẫn, thông tư hướng dẫn không cụ thể nên xảy ra tình trạng bất nhất bược DN phải làm đi làm lại nhiều lần.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) đang “nói hai ngôn ngữ khác nhau”. Hai bên như đang ở hai chiến tuyến.

Doanh nghiệp và người dân khi đi làm thủ tục quyết toán thuế - Ảnh: Thuận Thắng
Doanh nghiệp và người dân khi đi làm thủ tục quyết toán thuế – Ảnh: Thuận Thắng

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã phát biểu như vậy tại hội thảo về tình hình sáu tháng thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức hôm 24-9.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin – Tư liệu (CIEM), trong lĩnh vực cải cách hành chính thuế, tính đến ngày 23-9-2015, 98% doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế điện tử ổn định và tổng thời gian nộp thuế giảm 78% số giờ thực tế. Tuy nhiên, các DN chỉ ghi nhận giảm khoảng 20% thời gian.

Trong lĩnh vực cải cách hành chính bảo hiểm xã hội, thời gian nộp bảo hiểm đã giảm nhiều, song vẫn chưa đạt như yêu cầu của Nghị quyết. Tương tự, cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục vẫn chưa được cải thiện, do đó chưa giảm được thời gian thông quan hàng hóa…

Mỗi nơi hiểu một kiểu, người kinh doanh khổ trăm bề

Theo Luật doanh nghiệp 2014, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới sẽ chỉ còn 3 ngày. Trong ảnh: người dân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Theo Luật doanh nghiệp 2014, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới sẽ chỉ còn 3 ngày. Trong ảnh: người dân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Bà T. – chủ một cơ sở kinh doanh hàng may mặc (Q.5, TP.HCM) cho biết: “Thủ tục hiện tại thì rườm rà nhưng cứ mỗi lần nghe đến cải cách thủ tục thì lại sợ vì mỗi nơi, mỗi cấp lại hiểu, hướng dẫn một kiểu. Người sản xuất kinh doanh khổ trăm bề”.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, một trong những hạn chế về cải thiện môi trường kinh doanh là luật pháp quy định không rõ ràng, đặc biệt là về thuế và hải quan.

Ông Hưng cho biết, thời gian qua, các vụ kiện liên quan đến thuế và hải quan bắt đầu xuất hiện và ngày càng nhiều nhiều hơn.

“Cách hiểu của ngành thuế mỗi nơi mỗi khác, DN cũng hiểu khác. Nhiều trường hợp trước đó hải quan đã chấp nhận bảng kê và tính thuế rồi nhưng đùng một cái thì tổng cục hải quan lại yêu cầu tính lại. Nhiều lô hàng vì vậy phải chịu truy thu thuế”, ông Hưng cho hay.

Gọi là chính sách cải thiện môi trường, ưu đãi cho đầu tư, kinh doanh nhưng lại hiện tại vẫn còn quá nhiều văn bản, quy định chằng chịt, chồng chéo, chưa kể sự nhiêu khê về câu chữ và các trục trặc kỹ thuật làm nhiều cơ quan không hiểu đúng, vận dụng sai.

Chính phủ chủ trương thực hiện quyết liệt nhưng nhiều cơ quan, cán bộ khi không hiểu rõ các quy định lại bắt đầu suy diễn dẫn tới hướng dẫn sai hoặc đẩy lên cấp trên vì không dám quyết khiến công việc của doanh nghiệp bị trì trệ kéo dài.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Không thể cứ làm việc theo kiểu “một người đạp ga – ba người đạp thắng” như vậy được. Nhiều người vẫn đánh giá một trong những rũi ro lớn khi kinh doanh tại VN là rủi ro pháp lý”.

Phải nghe tiếng nói của doanh nghiệp

Doanh nghiệp và người dân khi đi làm thủ tục quyết toán thuế - Ảnh: Thuận Thắng
Doanh nghiệp và người dân khi đi làm thủ tục quyết toán thuế – Ảnh: Thuận Thắng

PGS.TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, giảng viên ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội) cho biết, thực trạng DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất đã có từ rất lâu. Một phần do ngôn ngữ văn bản diễn đạt không chuẩn, từ đa nghĩa, một phần do trình độ, mục tiêu hướng dẫn, thông tư hướng dẫn không cụ thể nên xảy ra tình trạng bất nhất bược DN phải làm đi làm lại nhiều lần.

Sự minh bạch, hiểu đơn nghĩa là thước đo trình độ làm luật, chất lượng luật pháp.

“Đối tượng được hưởng đã mập mờ về tiêu chí mà khung được hưởng lại rộng thì việc áp dụng thế nào sẽ tùy theo cách hiểu thiện chí hay ác ý khác nhau”, ông Phong nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, cải cách, đơn giản hóa thủ tục là điều kiện hết sức quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai nghị quyết 19, giữa cơ quan nhà nước và DN lộ rõ sự bất cập khi cơ quan cho rằng thủ tục đã được cải thiện lớn nhưng DN lại nói không nhiều.

Ông Long đánh giá, tin cậy nhất là số liệu của các DN vì họ là người trong cuộc, trực tiếp tiếp cận môi trường đầu tư kinh doanh.

“Hành động và lời nói đang không đi dôi với nhau bởi cơ quan chức năng vẫn đặt thành tích, thích lấy lòng cấp trên nên công tác thanh kiểm tra giám sát chưa được chú trọng, chưa thăm dò lấy ý kiến cụ thể của DN nên chưa phản ảnh đúng thực trạng. Chế tài xử phạt cũng chưa nghiêm. Thủ tục nhiêu khê buộc các DN phải bỏ ra chi phí tiêu cực để thực hiện việc họ cần.

Đúng ra phải để một tổ chức độc lập tiến hành điều tra. Sau đó, cơ quan nhà nước mới tìm ra nguyên nhân và giải pháp”, ông Long khẳng định.

Các DN nước ta vốn có khả năng cạnh yếu, nay với rào cản thủ tục sẽ làm chi phí tăng rất nhiều trong khi bản thân năng suất, chất lượng chưa cao thì họ phải nâng giá thành sản phẩm. Do không thể cạnh tranh với các DN nước ngoài nên họ sẽ thua ngya trên sân nhà. Tụt hậu không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu.

Điều quan trọng hơn, khi đó, lòng tin của DN vào các quy định pháp luật sẽ mất.

VÕ HƯƠNG – LÊ THANH – MẠNH KHANG

Theo tuoitre


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc