Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Sách cho thiếu nhi: Lệch lạc tư duy từ người viết
Trẻ em vốn rất hồn nhiên và trong sáng, những câu truyện cổ tích hay ca dao, tục ngữ trong kho tàng văn hóa cổ truyền cần là nền tảng vững chắc hình thành tính cách cho trẻ em. Thế nhưng người lớn đang dần đầu độc những tâm hồn trong sáng này ngay từ tuổi thơ.
Sách hỏi đáp nhanh trí được cho là để trắc nghiệm IQ, nhưng thực ra toàn những câu nhảm nhí, đầu độc trẻ em. Ảnh tuoitre

Sách hỏi đáp nhanh trí được cho là để trắc nghiệm IQ, nhưng thực ra toàn những câu nhảm nhí, đầu độc trẻ em. Ảnh tuoitre

Nội dung sai lệch, không có ý nghĩa, hình vẽ phản cảm… vẫn đang là một thực tế phổ biến trong thị trường làm sách cho thiếu nhi. Những cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng lại có nội dung chứa đựng yếu tố kinh dị, bạo lực… tiếp tục trôi nổi trên thị trường.

Sau khi cuốn sách tham khảo “Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1”, do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành bị thu hồi bản năm 2014, thì vấn đề sách thiếu nhi dị bản, thậm chí là “nhảm nhí” – một lần nữa được nhắc lại. Đây được cho là phản ứng tất yếu trong một xã hội có quá nhiều sự việc, nhiều nỗi sợ và áp lực khiến bất kỳ điều gì cũng khiến người ta trở nên căng thẳng.

Trên thực tế, dù vấn đề này đã được đưa ra từ gần 1 năm trước, nhưng chúng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Khi những cuốn sách này được điểm lại, thì mức độ lệch lạc trong nội dung vẫn khiến nhiều người một lần nữa phải tự hỏi, những vấn nạn gì đang ẩn trong ngành sách của Việt Nam hiện nay?

Khi tư duy lệch lạc lại được cho là phát triển IQ

Trong cuốn “Đố vui cân não” của NXB Văn hóa Thông tin, ở câu 10, sách hỏi: “Tại sao nhảy lầu tự tử mà bị chết đuối?. Đáp án: “Vì phố bị ngập nước”. Một câu khác: “Có cách nào nửa đêm con khóc đòi sữa mà chỉ cần dùng ngón chân cái cũng pha được sữa không?”. Đáp án: “Dùng một ngón chân khều ông xã dậy pha sữa”.

Câu 19 dạy trẻ cách chơi khăm (!) với tư duy lừa người, ăn miếng trả miếng:

SGK-1

SGK-2

Những nội dung không có tính giáo dục lại được coi là “đố vui cân não”.

Ngoài ra, còn hàng loạt những câu hỏi tình huống và cách giải quyết phản khoa học, phản giáo dục như: “Làm thế nào để đo chiều cao của một cái cây lớn mà không cần leo lên ngọn cây”. Đáp án: “Chặt cây rồi đo”. “Vì sao sữa mẹ tốt nhất?”. Đáp án: “Vì sữa mẹ không tăng giá”. Một câu chuyện khác đưa ra là một đứa bé có trò vui là đập đồ đạc, khi không được đập thì sẽ hờn khóc. Câu hỏi: “Làm sao để nó nín đây?”. Đáp án: “Để mua vui cho cháu, ông bà cùng mang đồ đạc cho cháu đập, thế là vui cả nhà”.

Trong cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” tập 5 nằm trong “Tủ sách thiếu nhi” của NXB Mỹ thuật chứa đựng những câu hỏi như: “Quần rộng nhất là quần gì?”, đáp án: “Quần đảo”. Hỏi: “Nhà vô địch quyền Anh dễ bị cái gì đánh ngã?”. Đáp án: “Giấc ngủ”… Cách hỏi – đáp như trên khiến tư duy của trẻ dần trở nên lệch lạc. Coi nói sai là nói đúng, dần hình thành lối tư duy quanh co khi được hỏi.

SGK-3
Câu đố với cách dùng từ phản cảm.

Trong sách “Những câu đố vui dành cho trẻ thông minh” (NXB Hồng Đức) còn chứa những câu hỏi ngây ngô như: “Loại người nào mà cơm đến há miệng, áo đến giơ tay?”. Đáp án: “Trẻ nhỏ”. Hỏi: “Từ điển không có 2 từ “hạnh phúc” là từ điển nào?”. Đáp án: “Từ điển nước ngoài”…

SGK-4
Việc ngoại tình được dùng làm ví dụ để dạy trẻ cách tư duy.

SGK-5
Câu hỏi vô nghĩa và phần giải đố hết sức “nhảm” trong sách “Hỏi đáp nhanh trí” dành cho thiếu nhi.

SGK-6

Câu đố mang tính bạo lực kinh dị

SGK-7
Trẻ sẽ học được những gì từ những điều vô nghĩa, bạo lực và vô cảm như thế này?

Một cuốn khác của NXB Hồng Đức – “Những câu đố vui dành cho trẻ nhanh trí”, phần “Phát triển trí tuệ Gấu con” có một loạt những câu hỏi đáp phản cảm như: “Một con trâu chỉ có đầu, không có thân thì được gọi là gì? – Đáp án: Đầu trâu.

Hỏi: Đánh vào chỗ nào thì sẽ không có cảm giác đau? – Đáp án: Đánh vào người khác. Hỏi: Bạn có thể kể tình hình cơ bản nhất của các tác gia vĩ đại trong thế kỷ 18? – Đáp án: Họ đều mất rồi. Hỏi: Người nào suốt ngày xoa vào mông người khác? – Đáp án: “Y tá tiêm cho bệnh nhân” (!).

SGK-8
Một trong những câu hỏi có nội dung “vô cảm” trong cuốn Những câu đố vui dành cho trẻ nhanh trí (NXB Hồng Đức)

Không chỉ là dạy trẻ một cách thiếu lý trí giáo dục, mà lối tư duy trên thực sự phản ánh những góc nhìn hoàn toàn lệch lạc của người viết, khi những điều vô nghĩa, bạo lực và vô cảm lại được cho là phát triển IQ, để rồi từ đó viết ra, truyền lại cho trẻ nhỏ.

Và khi nội dung trên “bình an” qua khâu kiểm định của các nhà làm sách, phát hành sách, thì chỉ qua một lớp màng lọc mỏng là phụ huynh, những điều vô bổ trên sẽ được học sinh từ mầm non đến cấp I, II cho là điều để học theo, vì chúng đã được công nhận rồi, thành sách rồi.

Sách truyện cổ tích sai lệch, dung tục

Nếu sách tham khảo bị cho là in lậu, mà có nội dung lệch lại, thì đã có không ít những cuốn sách truyện cổ tích, thuộc bản quyền của nhiều nhà xuất bản có uy tín như NXB Kim Đồng, NXB Văn hóa – Thông tin… bị phát hiện chứa rất nhiều những nội dung mang tính bạo lực, phản giáo dục.

Hồi tháng 3/2015, trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam”, quyển I, NXB Kim Đồng, tái bản vào tháng 10/2014, do nhóm tác giả sưu tầm và tuyển chọn, ông Trần Đình Nam làm chủ biên, bị phát hiện có truyện Thạch Sanh mang dị bản lạ với chi tiết “mẹ nhường quần cho con”. Đoạn văn được cho là lắp ghép một cách vụng về giữa hai truyện cổ tích Chử Đồng Tử và Thạch Sanh.

Cũng trong truyện trên, một chi tiết khác bị đánh giá chứa ngôn từ bạo lực không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Miêu tả đoạn Thạch Sanh giết trăn tinh, sách viết: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.

Không chỉ mắc lỗi về tư duy, từ ngôn từ cho đến cách hành văn, cách trình bày đều có chất lượng dưới trung bình, đặt ra nghi vấn rằng khâu thẩm định nội dung có thực đã được làm trước khi xuất bản và phát hành hay không?

SGK-9
Nội dung truyện Thạch Sanh trong cuốn sách.

Sau khi Cục Xuất bản gửi công văn yêu cầu NXB Kim Đồng thẩm định lại nội dung và đưa ra phương án xử lý đối với cuốn Truyện cổ tích Việt Nam vào ngày 20/3, đại diện NXB cũng cho biết đã tạm dừng phát hành để rà soát, biên tập lại nội dung, thì bộ truyện tranh “Thần thoại Hy Lạp” của NXB Kim Đồng cũng bị phát hiện có nội dung không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Ở tập 7, “Số phận và bi kịch” có trang vẽ hình ảnh phản cảm kèm theo lời văn miêu tả: “Pygmalion sung sướng ôm ghì lấy pho tượng hôn tới tấp như người bị mất trí”.

Bộ truyện gồm 20 tập, do NXB Kim Đồng mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam vào khoảng cuối năm 2014, đầu năm 2015.

Cũng trong tháng 3, tập truyện “Sọ Dừa” nằm trong bộ “Truyện cổ tích Việt Nam” do NXB Hồng Đức ấn hành, bị phát hiện đã biến tấu chi tiết sọ dừa thành sọ người.

SGK-10
Hình ảnh minh họa truyện “Sọ Dừa”, ấn bản của NXB Hồng Đức.

Truyện “Sọ Dừa” mở đầu với dòng dẫn: “Xưa có hai vợ chồng kia đi ở cho phú ông, ngoài năm mươi vẫn chưa có mụn con. Một hôm trời nắng gắt, người vợ vào rừng lấy củi, khát nước quá mà không tìm đâu ra nước, nên đành liều uống nước trong cái sọ người ở một gốc cây”. Ngoài ra là những ngôn từ không phù hợp với giáo dục trẻ nhỏ như: “quái thai”, “đem chôn sống nó đi…”.

Tập Sọ Dừa được in khoảng 1.000 cuốn, nộp lưu chiểu từ cuối năm 2013, được in khổ nhỏ 13x19cm, theo dạng truyện giản lược kèm hình minh họa.

SGK-11
Một dị bản khác của truyện “Sọ Dừa” trong một cuốn sách khác.

Sách “Trưng nữ vương khởi nghĩa Mê Linh” của NXB Giáo dục có hình vẽ minh họa quân của Mã Viện… không mặc quần. Nội dung trong sách viết mang tính xuyên tạc lịch sử: “Thấy khí thế quân Hai Bà Trưng quật cường, liệu bề khó thắng, Mã Viện liền hạ lệnh bắt quân sĩ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay mặt đi, nhuệ khí vì thế suy giảm rất nhiều…”.

SGK-12
Binh sĩ không mặc quần trong một cuốn truyện do NXB Giáo dục ấn hành (Ảnh qua phapluattp.vn)

Khi bị chỉ ra vào tháng 1/2015, thì đại diện NXB cho biết cuốn sách nằm trong bộ sách được xuất bản năm 2009, và đã ngừng tái bải sau khi phát hành lần 1 và nhận thấy “có một vài chi tiết chưa thực sự chính xác, hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng độc giả nhỏ tuổi”, theo văn bản trả lời của NXB Giáo dục.

Theo báo Tuổi Trẻ, những cuốn mang tên như “101 truyện mẹ kể con nghe”, “99 truyện kể trước giờ đi ngủ”, “55 truyện dạy làm người”, “Kho tàng chuyện cổ tích kinh điển”… có mặt trên kệ của các nhà sách lớn nhỏ tại TP.HCM, lại đều là những “hạt sạn” lớn về nội dung.

Đáng buồn hơn là những sai sót trên chỉ là những sai phạm được phát hiện trong năm 2015 của ngành sách. Năm 2014, Cục Xuất bản đã xử phạt gần 400 vụ vi phạm lớn nhỏ, trong đó có những ấn phẩm sai phạm nghiêm trọng như sách in hình minh họa không phù hợp, nội dung sai chiếm tỷ lệ lớn như Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất…

Mặc dù NXB luôn có các quyết định tạm dừng xuất bản, dừng phát hành, thu hồi sách… sau khi sách bị phát hiện có nội dung sai lệch – đó cũng là một giải pháp.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, vì sao giải pháp của NXB luôn là đi theo sửa sai, khi thông tin bị công chúng phát hiện?

Sách truyện cổ tích, sách tham khảo dạy trẻ làm người và phát triển tư duy, nhưng lại khuyến khích trẻ làm điều ác, trắc nghiệm IQ cho trẻ nhưng câu hỏi và đáp án đều rất “ngây ngô” – vậy quy trình viết sách, biên tập, hiệu đính và nộp lưu chiểu của nhân sự ngành sách, thực ra được thực hiện ở mức độ nào? Việc kiểm định trước khi đưa sách lên giá của các nhà sách được thực hiện ra sao?

Phan A tổng hợp

Theo daikynguyenvn.com

 

 

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc