Home » Kinh doanh » Tham gia TPP – Việt Nam buộc phải đổi mới
Một trong những ưu điểm khi gia nhập TPP, đó là Việt Nam buộc phải có những đổi mới tích cực để có thể phù hợp với thị trường này.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại luồng gió mới cho Việt Nam, buộc chúng ta phải đổi mới, cải tổ mạnh mẽ từ thể chế, kinh tế, luật pháp đến hệ thống doanh nghiệp.

Xóa bỏ gần toàn bộ thuế nhập khẩu

Bộ Công Thương cho biết TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp (DN) nhà nước…

Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả nước TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Dệt may là một trong các ngành được hưởng lợi khi tham gia TPP. Ảnh: HTD

TPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu

TS.Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hạch và Đầu tư) không bất ngờ với kết quả đàm phán TPP. Ông đánh giá: Nếu so sánh tương quan giữa cơ hội và thách thức thì cơ hội mà TPP mang lại nhiều hơn. “Cơ hội cũng đã nói đến nhiều nhưng điều tôi lo lắng nhất là sự chuẩn bị của Việt Nam để đón nhận cơ hội đó”- ông Hồ nhấn mạnh.

hiep dinh tpp se thuc ep viet nam doi moi manh me hon hinh 0
Dệt may Việt Nam sẽ là lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất khi vào TPP (Ảnh minh họa:KT)

Theo phân tích của ông Hồ, nông sản, dệt may Việt Nam sẽ là lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất. Nhưng đó là những cơ hội tiềm năng và không thể biến thành hiện thực ngay trong 1- 2 năm tới. Trong khi đó, “Việt Nam phải đương đầu, chống chọi với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Đây là trận tuyến thương trường sẽ rất khốc liệt”.

Dẫn ví dụ cụ thể trường hợp ngành chăn nuôi thịt, ông Hồ cho hay: Khi hội nhập, chăn nuôi thịt của nước ta không còn hi vọng. Đến ngay cả doanh nghiệp lớn như Vinamilk cũng rất đáng lo vì họ đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Khi sữa của Australia tràn vào thị trường nước ta, chắc chắn sản phẩm sẽ rẻ hơn rất nhiều và sản phẩm “made in Vietnam” phải cạnh tranh ngay trên ‘sân nhà’. Bên cạnh đó, sản phẩm trái cây nước ta cũng sẽ chịu áp lực rất lớn từ sản phẩm nhập khẩu.

Cũng vui niềm vui TPP đàm phán thành công TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá cao việc kết thúc đàm phán khó khăn qua nhiều năm và đặc biệt là nỗ lực của Việt Nam kiên trì thực hiện quá trình đàm phán đi đến kết thúc. “Hiệp định này là một bước tiến quan trọng, mở ra cho Việt Nam rất nhiều cơ hội cũng như thách thức sắp tới”- TS.Doanh nói.

Chỉ rõ lợi thế của nước ta tham gia TPP, TS.Doanh cho hay: Việt Nam là nước kém phát triển nhất, cơ cấu kinh tế của Việt Nam khác các nước khác, trình độ cũng khác nên nền kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế tham gia TPP sẽ bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh nhau. Đây là khác biệt lớn khi Việt Nam tham gia ASEAN cũng như khi tham gia Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) do Trung Quốc hiện nay đang thúc đẩy.

Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản với các sản phẩm như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản. Hơn nữa, Nhật Bản cũng rất muốn hợp tác với Việt Nam trong sản xuất rau quả tươi, cá và các sản phẩm khác. Đó là những tín hiệu đáng mừng của Việt Nam. Dự báo, Việt Nam sẽ thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP cao hơn, có thể đạt khoảng 35 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm sắp tới.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cũng đánh giá rất tích cực về TPP đối với Việt Nam: “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020”.

Xóa bỏ bảo hộ, ưu đãi của Chính phủ

Bộ Công Thương cũng cho biết bên cạnh việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan, các bên TPP nhất trí thúc đẩy cải cách về mặt chính sách, bao gồm cả việc thông qua xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, hợp tác trong WTO để xây dựng các quy định về tín dụng xuất khẩu và giới hạn khoảng thời gian cho phép áp dụng các hạn chế đối với xuất khẩu lương thực nhằm bảo đảm hơn nữa an ninh lương thực trong khu vực.

Các bên tham gia TPP cũng nhất trí nâng cao tính minh bạch hóa liên quan đến việc vận hành DN thương mại nhà nước xuất khẩu và đưa ra các quy định hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ Chính phủ hoặc các chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản; cũng như yêu cầu về minh bạch hóa và phối hợp trong các hoạt động cụ thể liên quan đến công nghệ sinh học nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ.

“Các bên tham gia TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặc dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất” – Bộ Công Thương cho hay.

Các thành viên TPP cùng quan tâm tới mở cửa thị trường mua sắm chính phủ rộng lớn của nhau thông qua các quy tắc công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và không phân biệt đối xử. Các nhà cung cấp có đủ thời gian nhận được hồ sơ dự thầu và nộp bản chào thầu, để đối xử với các nhà thầu một cách công bằng, bình đẳng và để duy trì tính bảo mật cho các nhà thầu.

Trong TPP, các thành viên nhất trí thông qua, duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO, đó là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; và loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Về DN nhà nước, Bộ Công Thương nói tất cả thành viên TPP đều có loại DN này và cam kết sẽ không hỗ trợ phi thương mại cho các DN nhà nước khiến ảnh hưởng đến quốc gia TPP.

“Tham gia TPP sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, đồng thời có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm.

TPP tạo ra sức ép để Việt Nam đổi mới

Quan điểm rằng Việt Nam phải chủ động để đón cơ hội, ông Phạm Hồng Hải bình luận: TPP mang đến nhiều cơ hội, nhưng “phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”.

Khẳng định TPP cũng đặt ra rất nhiều thách thức, điều TS.Lê Đăng Doanh lo lắng là: TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết ở trình độ cao đòi hỏi Việt Nam phải phấn đấu mới có thể đạt được. Việt Nam phải cải cách nhiều luật pháp, cải cách mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các điều kiện về lao động, nâng cao trình độ….
Theo TS.Doanh, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn khi TPP được ký kết. Bởi ngay từ bây giờ, gà Mỹ giá rẻ đã tràn vào Việt Nam. Để có thể cạnh tranh, Việt Nam phải cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức lại lĩnh vực chăn nuôi, giảm bớt chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng.

Còn TS.Lưu Bích Hồ thì cho rằng: Để khai thác được cơ hội thì phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề hàng đầu là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Rồi lo làm tốt vấn đề xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, nhiều hàng hóa có nguyên vật liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong TPP.

Vấn đề quan trọng nhất với Việt Nam đối với TPP, theo ông Hồ, là “TPP tạo ra sức ép để Việt Nam đổi mới, cạnh tranh nhanh hơn. Có đổi mới, cải cách nhanh hơn, môi trường đầu tư kinh doanh mới có thể tiến lên”. Cho nên, muốn “gặt” thành quả, ông Hồ khuyến cáo, riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước của ta phải tăng tốc cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp nào cổ phần hóa rồi thì phải đổi mới quản trị. Còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hồ nhấn mạnh: “đối tượng này tôi lo lắng nhất vì năng lực yếu. Đội ngũ này cần phải nhanh chóng chú ý tới những yêu cầu mới của TPP đặt ra, tính toán lại chiến lược sản xuất, kinh doanh cho phù hợp”

Tại sao TPP quan trọng?

TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước gồm Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore và Nhật Bản.

TPP chi phối 40% mậu dịch toàn cầu và ảnh hưởng 800 triệu dân tại 12 nước. Đây là thỏa thuận mậu dịch được xem là lớn nhất trong nhiều thập niên.

Mục tiêu của TPP là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa các nước tham gia, thông qua các biện pháp giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Theo các chuyên gia, việc đạt được thỏa thuận là bước tiến đột phá bởi có sự khác biệt về phương pháp tiếp cận cũng như tiêu chuẩn giữa các nước tham gia, nhất là về vấn đề bảo vệ môi trường, thuế, quyền của người lao động,… Đàm phán đã thành công nhưng thỏa thuận này cần phải được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

Tổng hợp từ PLO, VOA

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc