Home » Thế giới » “Đả hổ diệt ruồi”: Tổng tấn công ngành tài chính
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” tại Trung Quốc đang lan đến các công ty bảo hiểm và chứng khoán.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC) bị xử lý; 12 Công ty Phát hành chứng khoán riêng lẻ (Private Placement) bị “mất liên lạc”. (Ảnh Mario Tama/Getty Images)

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC) bị xử lý; 12 Công ty Phát hành chứng khoán riêng lẻ (Private Placement) bị “mất liên lạc”. (Ảnh Mario Tama/Getty Images)

Mục tiêu “đả hổ” chống tham nhũng trong giới tài chính của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tiếp tục mở rộng. Vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Lưu Dũng (Liu Yong) cùng bốn người khác của Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC) bị xử lý; 12 Công ty Phát hành chứng khoán riêng lẻ (Private Placement) bỗng dưng bị “mất liên lạc”. Cùng lúc, ông Vương Kỳ Sơn tiếp tục “ẩn thân” hơn 20 ngày. Giới phân tích cho rằng, hàng loạt dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn có thể chuẩn bị xử lý “hổ to tài chính”.

Chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính lan sang ngành bảo hiểm, 4 quan to bị xử lý

Ngày 23/11, trang thông tin của Ủy ban Kỷ luật Trung ương (UBKLTW) thông báo, Phó Tổng Giám đốc Lưu Dũng của PICC bị cách chức vì liên quan lạm dụng kinh phí công đoàn từ năm 2014.

Tổng Giám đốc Lưu Kiến Vinh (Liu Jianrong), kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty Quản lý tài sản Bắc Kinh bị cách chức vì cố ý che giấu việc người vợ có thẻ xanh của Mỹ.

Ông Chu Thiếu Vũ (Zhou Shaowu), Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phẩn Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc vì “vi phạm nguyên tắc” đề bạt quan chức, tự mình ký duyệt kinh phí chi tiêu nghiệp vụ của mình, bị xử phạt cảnh cáo lỗi hành chính.

Ông Thôi Thục Diễm (Cuishu Yan), Phó Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Ban Kỷ luật Công ty Cổ phần Bảo hiểm tài sản Nhân dân Trung Quốc bị cách chức vì che giấu việc vợ và con được quyền cư trú vĩnh viễn tại Canada.

Ngoài ra, nhiều quan to ngành ngân hàng và chứng khoán cũng bị xử lý, trong đó có ông Vương Nham Tụ (Wang Yan Xiu), Bí thư Đảng ủy Hiệp hội ngân hàng; ông Lý Lâm, Cục trưởng Cục giám sát Ngân hàng tại Liêu Ninh; ông Đậu Nhân Chính (Dou Renzheng), Thứ trưởng phụ trách Ủy ban Quản lý giám sát Ngân hàng Trung Quốc; ông Khương Phượng Lê (Jiang Fengling), Cục trưởng phụ trách chi nhánh Quản lý giám sát Ngân hàng ở Hà Nam; ông Diêu Cương (Yao Gang), Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý giám sát chứng khoán.

Đồng thời, cuối tháng 10 đầu tháng 11, Tổ Tuần tra Trung ương đã kiểm tra 31 đơn vị, trong đó có Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Quản lý giám sát Ngân hàng, Ủy ban Quản lý giám sát Bảo hiểm, Công ty Đầu tư chứng khoán Trung Quốc, cùng các ngân hàng: phát triển Quốc gia, công thương, nông nghiệp, xây dựng, giao thông… Có thể thấy mặt trận chống tham nhũng lần này đang đánh vào toàn hệ thống kinh tế tài chính.

Thông tin cho biết, bộ máy lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực kinh tế tài chính Trung Quốc đã bị thông báo “ba không chuẩn”: không từ chức, không được xin nghỉ hưu, không được xuất cảnh. Trong đó riêng ngành chứng khoán đã có ít nhất 20 quan chức bị bắt, hơn 100 giám đốc công ty chứng khoán bị cấm xuất cảnh, đang chờ bị điều tra.

Mất liên lạc với 12 công ty Phát hành chứng khoán riêng lẻ (Private Placement)

Ngày 23/11, trang mạng của Hiệp hội Quỹ đầu tư Trung Quốc công bố, từ ngày 29/9 đã “mất liên lạc khác thường” với 12 Công ty Phát hành chứng khoán riêng lẻ (Private Placement). Hiệp hội không thể liên lạc được dưới bất cứ hình thức nào: điện thoại, thư điện tử, thư tay…

Trong đó có 9 công ty tại Bắc Kinh và 3 công ty khác lần lượt ở Tô Châu, Hồ Bắc, Thẩm Quyến.

Việc “ẩn thân” của ông Vương Kỳ Sơn

Ngày 2/11, khi ông Vương Kỳ Sơn gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nhắc đến vấn đề tham ô của quan trường Trung Quốc hiện nay có liên quan đến “lòng dân”, “là vấn đề chính trị quan trọng hàng đầu”. Từ ngày 2/11 đến nay ông Vương Kỳ Sơn lại tiếp tục “ẩn thân”, một dấu hiệu cho thấy sẽ có “hổ to” bị xử lý. Đặc biệt, từ ngày 27/9 đến ngày 22/10, ông Vương Kỳ Sơn “ẩn thân” 26 ngày, đến ngày 23/10 bất ngờ có bài phát biểu trên truyền thông và nhắc lại “Điều lệ xử phạt kỷ luật”. Sau đó từ ngày 2 – 13/11, chỉ trong 12 ngày đã xử lý 8 “hổ to”, trong đó có Phó Chủ tịch Ninh Hạ là ông Bạch Tuyết Sơn, Phó Thị trưởng Thượng Hải là ông Ngải Bảo Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh là bà Xương Tích Văn… là đợt thanh trừng tốc độ nhanh nhất từ sau Đại hội 18 và phá vỡ nguyên tắc “không đả hổ” ở Thượng Hải và Bắc Kinh.

Có phân tích cho rằng, việc ông Vương Kỳ Sơn “ẩn thân” 22 ngày lần này, đồng thời nhiều lần nhắc đến vấn đề chống tham nhũng trong hoạt động đối ngoại, cho thấy sẽ có “hổ to” sắp bị xử lý. Mấy ngày qua mục tiêu chống tham nhũng nhắm vào hệ thống kinh tế – tài chính nên nhiều khả năng đối tượng sắp tới bị xử lý sẽ thuộc lĩnh vực này. Ngày 18/11 vừa qua, ông Diêu Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý giám sát Chứng khoán đã bị điều tra, là quan chức cấp cao nhất bị xử lý trong lĩnh vực này kể từ khi Tổ Tuần tra của Ủy ban Kỷ luật Trung ương tấn công vào lĩnh vực kinh tế – tài chính từ cuối tháng 10.

Tinh Vệ bên dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc