Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Ngôi miếu thờ 2 lần đổ và cây đa kỳ lạ

Ông Nguyễn Văn Trung quả quyết: “Tôi vẫn đang ngồi bên một cột trụ của của miếu thì có tiếng động rung người. Khi ngẩng mặt lên, ba cột trụ còn lại bỗng nổ tung trong chớp mắt. Gần 30 người thợ ai nấy đều thất kinh”…

Câu chuyện thần thánh, ma quái ở khu đồi sau làng Bích Nham còn được thêu dệt thêm phần kỳ bí bởi cây đa và cây lách cổ thụ đã ngự trị ở đây cả trăm năm.

Theo lời kể của bà Tăng Thị Mức (70 tuổi), người dân thôn Bích Nham, từ khi bà còn nhỏ đã thấy cây đa, cây lách ở đây lớn lắm rồi, cỡ chục người ôm không xuể. Bà Mức bảo: “Hồi đó tôi có hỏi ông nội, cây đa, cây lách ở làng mình bao nhiêu tuổi. Ông xoa đầu tôi nói: từ lúc ông lớn lên cũng thấy có cây này ở đây rồi. Chẳng ai biết được nó bao nhiêu tuổi nữa, nhưng nghe người làng đồn đại tuổi nó cỡ hơn 300 tuổi”.

Một phần thân của cây đa cổ thụ.

Nói rồi, bà dẫn tôi ra chỗ cây đa, cây lách nằm nép bên góc đồi sau làng Bích Nham. Thấy tôi ngạc nhiên ngước nhìn cây đa cao cỡ gần hai chục mét, bà Mức khoát tay: “Trước đây, cây này to gấp 5,7 lần, thanh niên trong làng còn lập cả sân bóng chuyền dưới tán đa. Nhưng không hiểu nguyên nhân gì cây đa cứ mục rỗng dần rồi từ từ lụi, đây chỉ là một cái gốc nhỏ và rễ tả của cây”.

Bà Mức cho biết thêm, cách đây vài năm, cây đa này có hai rễ phụ bên tả, bên hữu rất đẹp. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Quang, là người dân trong làng trong lúc làm móng nhà gần chỗ cây đa đã chặt đi một bên rễ. “Có nhiều người cho rằng chính vì việc làm này đã khiến dân làng Bích Nham mất lộc. Nếu giữ nguyên cả rễ tả, hữu hẳn đất này đã thịnh lắm”, bà Mức thở dài. Về phần anh Quang, bà Mức kể, sau khi chặt một nhánh của cây đa cổ thụ, gia đình anh cũng “liểng xiểng”, vợ chồng ly tán. Hiện anh ta đã bỏ vào rừng làm than, sống khép kín, tính tình “dở dở ương ương”.

Một điều kỳ lạ khiến dân làng chắc mẩm đây là cây đa thiêng do rễ cây mọc tua tủa, ôm xung quanh cái bàn đá to chừng 6m2.

Về phần cây lách, chính những người dân bản địa cũng khẳng định là chưa từng nhìn thấy loại cây này và cũng không hiểu sao lại có cái tên lạ như vậy. Điều đặc biệt là trong lòng cây lách có tổ ong lớn to cỡ cái thúng, loài ong làm tổ trong thân cây này cũng không ai biết là ong gì. Người ta chỉ kháo nhau đây là loài ong cực độc do có hai đứa trẻ trong làng trèo lên cây bắt tổ chim, vô tình bị ong đốt.

Ngôi miếu thờ ba lần đổ và cây đa kỳ lạ

Loài ong lạ trong thân cây lách.

Nguyễn Văn Khương, một trong hai cậu bé bị đốt vào đùi cho biết, mỗi ngày trở trời em lại thấy đau nhức. Còn Nguyễn Văn Thể bị đốt vào môi thì môi sưng vù như con đỉa, bầm tím 6-7 năm, đến giờ thỉnh thoảng lại đau đớn đến độ không ăn được cơm. Thể cũng được bố mẹ đưa đi chữa trị nhiều lần nhưng chưa khỏi. Từ đó, không đứa trẻ nào dám nghịch dại trèo lên cây đa, cây lách nữa.

Lời đồn về đồi thiêng vang xa, nhiều người dân xã lân cận cũng tìm đến Bích Nham cúng lễ. Có người đem tặng làng một pho tượng thờ. Dân làng bàn nhau xây dựng một miếu nhỏ để bảo quản pho tượng cũng tiện cho việc thờ cúng của bà con quanh vùng.

Tuy nhiên, câu chuyện xây miếu thờ theo lời kể của dân làng cũng nhiều phần “liêu trai”. Ông Nguyễn Văn Trung, 81 tuổi, là người trực tiếp phụ trách việc xây miếu thờ, đưa tay quệt mồ hôi kể lại: “Lần thứ nhất tôi và một vài người nữa xây miếu, nhưng khi vừa hoàn thiện thì bỗng nhiên đổ sập xuống. Dân làng cho rằng, tại tôi làm ẩu nên mới xảy ra sự cố.

Ngôi miếu thờ ba lần đổ và cây đa kỳ lạ

Ông Trung và bà Mức kể cho tác giả nghe về hai lần xây miếu của làng.

Đến lần thứ hai, lúc bấy giờ là vào khoảng năm 1969 – 1970, tôi cùng gần 30 người nữa phụ trách xây miếu. Lo sợ sự cố, lần này chúng tôi chọn 2 cây tre cuốn, cột miếu xây 30-20, xi măng tốt. 4 cột xây lên vững chãi, khi ấy tôi ngồi lên một cột để chuẩn bị cho phần xây mái thì bỗng đâu có tiếng động rung người, ngoảnh lại, 3 chiếc cột còn lại đã vỡ tung, gạch đá rơi loảng xoảng. Điều lạ là những người đứng xung quanh không ai bị thương, phích, bát, chén… cũng không hề hấn gì. Chừng ấy người thất kinh, hoảng hốt. Sau có ông thầy bói đến coi đất và nói rằng: Thánh ở trần, không xây lên được. Hiện tại, pho tượng được dân làng đúc khung tôn nhỏ để bảo quản, dân trong làng cũng không ai nhắc đến việc xây miếu thờ nữa”.

Ngôi miếu thờ ba lần đổ và cây đa kỳ lạ

Ngôi miếu lợp tôn của người dân làng Bích Nham.

Ngôi miếu nhỏ mà dân làng gọi là miếu Vóc, trong văn trào của làng có ghi là miếu thờ Đức Thiên quan Đại thần, hiện giao cho bà Mức trông nom, nhang khói. Cứ mỗi dịp rằm, mùng 1 hoặc lễ Tết đều rất nhiều người dân đến lễ tạ, thậm chí cả những người ở Hà Nội nghe tin đồi thiêng cũng tìm về cúng bái. Nhưng đồ lễ tịnh không ai dám động vào hoặc tự ý lấy mang về.

Nghe những câu chuyện và lời đồn đại của dân làng Bích Nham về khu đồi thiêng quả thực rất kỳ bí và khó tin. Cũng có khả năng, một phần câu chuyện là do “tam sao thất bản” mà ra. Tuy nhiên, sự khẳng định “như đinh đóng cột” của nhiều người dân “mắt thấy tai nghe” về các câu chuyện như trên cho thấy ngoài những thông tin “dị bản” có thể có cả nhiều chi tiết là do sự ngẫu nhiên. Cũng có thể, đây là vấn đề tâm linh mà khoa học chưa thể giải thích.

Lê Trang

Theo zing


Comments are closed.