Home » Chia sẻ » Tám và Tám xoan
Cũng như gạo Huyết Rồng (Tây Ninh), Nàng Hương, Nàng Chồn (Sa Đéc, Vĩnh Long), Nàng Thơm (Cần Giuộc, Cần Đước – Long An), gạo Trì (Quảng Nam), gạo Ngự (Huế)…, gạo Tám là đặc sản của ruộng đồng miệt vườn tỉnh Nam Hà, vùng hai bên bờ sông Ninh Cơ, một nhánh bên phía hữu ngạn sông Hồng.

Tám và Tám xoan là những loại lúa đặc sản chỉ có ở vùng Nam Định. Ảnh: muare.vn

Ở đây, đời này qua đời khác, giàu nghèo ai nấy đều biết Tám – tên gọi chỉ độc một tiếng, nhưng vừa chứa đựng, lại vừa gợi nhớ vừa như xác định rằng gạo Tám là phải thơm, không thơm thì không phải là Tám. Tuy nhiên, ở đây cũng có một điều cần hiểu thấu đáo, lá Tám bao gồm tới những hai loại, chất lượng chênh lệch một mười một bảy; hương vị cùng hình vóc sắc màu của hạt gạo, hạt cơm, người sành sỏi mới phân biệt được đâu là Tám cỗ ngỗng, đâu là Tám xoan.

Tiếc thay hạt gạo Tám xoan

Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.

Tại sao tiếc? Xin tạm thời lui lại câu trả lời, để trước hết nói về ruộng đồng thích hợp với Tám, bởi vì Tám rất kén ruộng. Không phải đệ nhất đẳng điền, chớ có mơ màng. Không phải ruộng bùn hoa không pha cát, kề cận bờ sông ngòi, mưa dầm không úng, nắng hạn không khô, thì cũng đừng mơ tới Tám.

Cho nên trên một cánh đồng lúa mùa, người ta có thể gặp thấy những mảnh ruộng cấy Tám cỗ ngỗng trải dài, đu đưa như cái cổ con ngỗng, chủ điền cấy vừa để nấu cơm cúng giỗ, Tết, vừa nhằm kinh doanh. Từ những năm xửa năm xưa Tám cổ ngỗng đã được đem ra bán chợ, đưa ra tỉnh thành và ngược lên Kinh kỳ. Cơm bán ở mấy hàng “Cơm Tám giò chả” chỗ đầu phố Huế (Hà Nội) cả hồi trước và hồi sau 1945 chính là cái Tám cổ ngỗng ấy đấy.

Còn Tám xoan thì nhất định là không thể nào chiếu cố những nơi phạn điếm hàng cơm -khó tính, khó nết, cũng đệ nhất đẳng điền nhưng phải chân ruộng có bèo dâu sinh sôi nảy nở tự nhiên mới được Tám xoan ưng chịu. Kênh kiệu là vậy, eo sách là vậy, mà Tám xoan lại nhỏ bông. Chủ điền ruộng thẳng cánh cò bay, nhưng là tay ăn chơi mới cấy Tám xoan. Nồi cơm Tám xoan luôn luôn là khẩu phần của một hai người được ưu đãi nhất trong gia đình, đôi khi để thết đãi thượng khách hoặc năm ba cân gạo làm quà tặng biếu.

Không ai nỡ bán cái Tám xoan hạt thon, dài mỏng mình, màu trắng xanh, chỉ một vốc gạo cũng đã toả mùi thơm ngát. Với nồi cơm chín tới, trong bếp mở nắp vung là ngoài sân, ngoài ngõ đã thấy thơm lừng.

Bởi thế, nếu không phải là cường điệu quá mức thì cái vị trí trong gia đình, cái ân tình trong quan hệ, trong giao tiếp, người ta có thể lấy bát gạo, chén cơm Tám xoan để làm căn cứ. Và dầu rằng chưa từng có sách vở bài bản viết thành văn, dạy về cách nấu, cách ăn cơm Tám xoan, trong những giới nào đó người ta biết Tám xoan phải nấu bằng nồi đất, niêu đất, hoặc nồi gang, cùng lắm là nồi đồng thau; nấu bằng nồi đồng điếu, hạt cơm ướt rượt.

Com nấu rồi đến việc ăn. Cơm Tám xoan không ăn kèm đồ xào hoặc chan canh. Giò chả là món làm ra vẻ sang. Để thêm phần đậm đà miếng cơm, bao giờ cũng là cá bống, cá rô, cá trê, cá chép, cá thu kho khô, hoặc tôm rim, thịt rim, hay ruốc, hay là trứng cáy kho nước mắm nhĩ. Làm gì có chuyện cơm Tám xoan chan nước (cái nước cà muối vừa mặn chát vừa chua). Nói để mà nói thôi – hay đúng hơn, người ta đã vận dụng để so sánh ví von. Gạo Tám xoan mà thổi đồng điếu chan nước cà cũng giống như một tài sắc mà lấy phải thằng chồng thô lỗ, cộc cằn.

Những cuộc tình duyên trái ngang chẳng thiếu ở cõi đời này. Nhưng gạo Tám xoan thổi nồi đồng điếu chan nước cà chắc chắn chưa từng xảy ra. Có điều là hai câu lục bát kia rất phổ biến ở vùng dưới tỉnh Hà Nam, nó được vận dụng trong mọi trường hợp khiến Tám xoan thêm phần sáng giá.

Theo muivi

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc