Home » Xã hội » ‘Hà Nội không được ban hành cơ chế vi hiến’
Trong khi đại biểu tỉnh thành lo ngại việc ban hành luật thủ đô sẽ trái với hiến pháp, gia tăng khoảng cách giàu nghèo thì đại biểu Hà Nội ủng hộ cần có luật để giải quyết bức xúc về giao thông, môi trường, đô thị…

Trong 18 cơ chế chính sách đặc thù dành cho thủ đô, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới việc đặt thêm điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng quy định này sẽ trái với hiến pháp, trái với Luật cư trú, bởi luật đã khẳng định quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của cơ quan nhà nước. Còn đại biểu Trần Thị Khá cho rằng dự luật đi ngược lại quy luật của sự phát triển, đó là “Thóc đến đâu, bồ câu đến đó”, nơi nào có việc làm, cơm ăn, áo mặc, con cái được học hành đầy đủ thì người dân tìm đến.

Thẳng thắn hơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Đăng Vang cho rằng Hà Nội sẽ không thể phát triển nếu hạn chế dân cư. “Đất lành chim đậu. Dân đến đông, chứng tỏ dân đó làm ăn được. Đó là dòng chảy của lực lượng lao động mà lao động là hàng hóa. Hàng hóa chạy đến đâu thì nơi đó phát triển. Đây là cơ may cho Hà Nội”, ông Vang phân tích.

Đồng tình việc Hà Nội cần một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển sao cho xứng đáng với bộ mặt của cả nước, tuy nhiên đại biểu Lê Văn Học khẳng định: “Những chính sách đặc thù này không được trái với hiến pháp, phải đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân, dù ở Hà Nội hay bất cứ địa phương nào. Hà Nội không thể là khu tự trị hoặc độc lập với cả nước”.

Tuy nhiên, các đại biểu Hà Nội lại ủng hộ việc hạn chế dân cư vào thủ đô. Dẫn ra điều 68 của hiến pháp, hay điều 3 Luật cư trú quy định công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đại biểu Chu Sơn Hà khẳng định: “Chính sách về quản lý dân cư trong dự luật vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật”.

Với quá nhiều điểm cho rằng "chưa ổn", đại biểu Đặng Như Lợi đề nghị Quốc hội xem xét để Chính phủ chuẩn bị dự luật và trình vào một dịp khác. Ảnh: TTXVN.


Thành viên ban soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân trần, mấy năm thi hành Luật cư trú, mỗi năm có 176.000 người nhập cư vào nội thành, các quận huyện cũ của Hà Nội. Do việc tăng dân số quá nhanh, vừa qua Chính phủ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 để hướng dẫn thi hành Luật cư trú, theo hướng thắt lại một phần đối với các thành phố trung ương và riêng đối với Hà Nội, TP HCM, nhưng cái thắt lại đó vẫn phải trên cơ sở của luật.

“Trong dự án luật này Chính phủ muốn xin một cơ chế nữa để kiểm soát, đó là hạn chế và kiểm soát chặt hơn việc nhập cư vào nội thành, chứ không phải tất cả huyện của Hà Nội”, ông Cường nói.

Một quy định gây tranh cãi trong dự luật là cho phép Hà Nội được thu phí lưu thông và nội thành được áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực cao hơn những nơi khác.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh đặt hàng loạt câu hỏi: “Mục đích của việc tăng mức xử phạt có phải là giải pháp hiệu quả để giải quyết những vấn đề bức xúc của Hà Nội? Cần làm rõ cơ sở nào để quy định mức xử phạt vi phạm hành chính cao không quá 5 lần so với mức chung? Tại sao quy định xử phạt không quá 5 lần trong khi mức thu phí lại chỉ cao hơn không quá 3 lần so với mức chung của cả nước?”.

Đại biểu Ngô Văn Minh thì cho rằng việc thu thêm phí phương tiện của các cá nhân ở nội thành sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân thủ đô, nhất là những người ở nội thành. “Nhưng nếu lấy ý kiến nhân dân của nội thành đồng ý thì chúng ta nên chấp nhận phương án này”, ông Minh nói.

Là đại biểu Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi ủng hộ việc tăng mức xử phạt vì: “Một hành vi vi phạm giao thông trong nội thành thủ đô sẽ gây ách tắc, tai nạn và hậu quả của rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta đặt mức thu phí cao thì tương xứng với hậu quả của nó gây ra”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào lên tiếng: “Đừng để một bà cụ 85 tuổi muốn ra thăm Hà Nội nhưng lại sợ bị xe đâm, người nước ngoài nhắc đến Hà Nội là nghĩ tới thảm họa giao thông. Tại sao không cho Hà Nội những chế tài, những bàn tay sắt để lập lại trật tự kỷ cương, để chính quyền Hà Nội thay mặt cho 63 tỉnh thành xây dựng thủ đô thật sự của mọi người”.

Dự luật thủ đô sẽ được hoàn thiện và có thể được thông qua vào kỳ họp năm sau.

Lo ngại gia tăng khoảng cách giàu nghèo

Đại biểu Nguyễn Kim Hồng băn khoăn: “Ban hành đạo luật này sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của thủ đô nhanh hơn nữa, cũng có nghĩa là mức sống của người dân ở thủ đô sẽ được nâng cao hơn nhiều so với các tỉnh thành. Như vậy liệu có làm nảy sinh tâm lý so bì với người thủ đô?”.

Hồng Khánh

Theo VnEpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc