Home » Kinh doanh » ‘Tăng giá than vì lợi ích khách quan’
“Khai thác than hầm lò chi phí cao nên cần phải điều chỉnh giá bán than cho hợp lý. Chúng tôi nghĩ rằng, tăng giá bán than trong nước là một lợi ích khách quan không riêng của tập đoàn.”, Phó TGĐ Tập đoàn Than và Khoáng sản VN Nguyễn Mạnh Hùng nhận định bên lề buổi tổng kết năm 2010 ngày 8/1.

– Mới đây TKV kiến nghị cần bán giá than theo thị trường cho một số ngành, đặc biệt là ngành điện, hóa chất. Tuy nhiên, các ngành này cho rằng, giá than hiện đã quá cao. Ông có ý kiến gì về quan điểm trái chiều này?

– Thực tế, Thủ tướng đã phê duyệt cần bán giá than theo thị trường từ lâu nhưng lộ trình thực hiện chưa được như mong muốn. Do năm 2010, chính phủ chỉ đạo kiềm chế lạm phát và bình ổn thị trường nên một số mặt hàng quan trọng trong đó có than vẫn chưa thực hiện tăng giá đúng như lộ trình đã được thông qua. Chúng tôi hoàn toàn hiểu vấn đề đó và tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

Dù lộ trình tăng giá than chậm nhưng chúng tôi cho rằng sẽ phải tiếp tục xem xét từng thời điểm để điều chỉnh giá than. Khi điều chỉnh hợp lý thì không chỉ riêng các nhà sản xuất than trong nước có lợi mà còn góp phần vào việc sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả hơn. Khai thác than hầm lò chi phí cao nên cần phải điều chỉnh giá bán than cho hợp lý. Chúng tôi nghĩ rằng, tăng giá bán than trong nước là một lợi ích khách quan không riêng của tập đoàn.

Ảnh:
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chúng tôi nghĩ rằng, giá bán than trong nước là một lợi ích khách quan không riêng của tập đoàn”. Ảnh: Hoàng Lan.

Năm 2010 vừa qua xảy tình trạng một số ngành trong đó có xi măng kêu thiếu than. Sắp tới, ngành than sẽ ưu tiên như thế nào đối với các ngành trọng điểm của Việt Nam?

– Tôi cho rằng thông tin TKV cung cấp thiếu than cho ngành xi măng là chưa thực sự chuẩn xác. Tùy theo hợp đồng đã ký với các hộ sản xuất xi măng mà chúng tôi cung ứng, thậm chí một số trường hợp còn vượt mức so với hợp đồng. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, sự đồng bộ về quy hoạch trong các ngành của chúng ta có vấn đề. Trong thời gian qua, ngành xi măng phát triển rất mạnh có thể nói là vượt quy hoạch. Trong sản xuất than thì chúng tôi chỉ cung ứng theo quy hoạch của các ngành thôi. Khi họ phát triển vượt quy hoạch, nhu cầu sử dụng than tăng lên đã ít nhiều gây khó khăn cho việc cung ứng than.

Năm 2011, chúng tôi cũng có những giải pháp cung ứng tối đa cho nhu cầu. Thực tế, nhu cầu sử dụng than trong nước ngày càng lớn. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu chính sách sử dụng than để từ đó đưa ra một trình tự sắp xếp hợp lý cho các hộ sử dụng than trong nước nhằm đảm bảo lợi ích chung của cả nền kinh tế.

– Trái phiếu quốc tế 500 triệu USD vừa bị hoãn lại, vậy TKV có kế hoạch thu xếp vốn như thế nào và dự kiến khi nào sẽ phát hành lại khoản trái phiếu trên?

Trước đây Thủ tướng cũng đã đồng ý cho tập đoàn phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, thời kỳ vừa qua trong nước có một số vấn đề liên quan đến các tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Điều này đã ít nhiều ảnh hướng đến việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam.

Chúng tôi thấy rằng việc phát hành trái phiếu quốc tế tại thời điểm này chưa hợp lý nên đã xin tạm hoãn. TKV đã đề xuất với Thủ tướng, trong năm 2011 được tiếp tục triển khai việc phát hành trái phiếu này.

Nhiều ý kiến lo ngại về việc cung ứng than trong nước sẽ còn căng thẳng. Vậy TKV sẽ đưa ra các giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn trên?

– Chính phủ giao cho tập đoàn chủ trì việc nhập khẩu than phục vụ cho các hộ tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã tiếp cận nhiều đối tác với nước ngoài và ký các biên bản ghi nhớ nhằm thực hiện các hợp đồng dài hạn. TKV cũng khảo khảo sát một số nước như Liên bang Nga, Úc, Indonesia… để đầu tư khai thác than ở nước ngoài. Tập đoàn cũng dự kiến đầu tư các mỏ than ở Lào, Campuchia để có thể sản xuất than ở nước ngoài và chuyển về Việt Nam.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, chúng tôi cũng đang phối hợp với cơ quan tư vấn hoàn thiện quy hoạch về thăm dò và tiến tới khai thác than ở bể than đồng bằng sông Hồng. TKV đã trình lên Bộ Tài nguyên Môi trường để xin phép được thăm dò một vùng than ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với diện tích khoảng trên 80 km2.

Chất lượng than của Việt Nam so với thế giới cũng đang là một vấn đề. Tập đoàn đã đề ra những giải pháp nào để nâng cao chất lượng than?

– Tôi cho rằng, than Việt Nam thuộc vào dạng tốt. Tất nhiên, khái niệm tốt phụ thuộc vào tính tương đối của mục đích sử dụng. Than của Việt Nam đang khai thác là loại than dùng nhiều trong các ngành công nghiệp hóa chất về luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra cũng có thể sử dụng nó vào việc phát triển nhiệt điện chạy than. Chúng tôi đi theo hướng tổ chức sản xuất than có chất lượng phù hợp với nhu cầu của các hộ sử dụng trên cơ sở tiết kiệm tài nguyên. TKV đặc biệt quan tâm đến công nghệ về sàng tuyển chế biến. Cụ thể là 2 nhà máy ở tỉnh Quảng Ninh đã được áp dụng dây chuyền áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng than.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc