Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Đầu năm xem bói, rước vạ vào thân

Sau Tết Tân Mão, thay vì đi du xuân đầu năm, nhiều người dân lại chọn đến các thầy bói, cô đồng. Xung quanh chuyện bói toán có nhiều chuyện dở khóc, dở cười…

Xin “cô” cho lọt cửa… buôn lậu

6 giờ sáng 9-2, chị Nguyễn Thị Lan đã chầu chực trong căn phòng rộng chừng 10m2 ở nhà cô đồng Ng (Hoằng Đồng, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) vậy mà vẫn phải chờ cả chục người mới đến lượt. Chị cho biết: “Đầu xuân năm mới tôi phải bớt chút thời gian để đến rút cái quẻ đầu năm xem năm nay tài lộc thế nào”.

Một chị khác ngồi bên cạnh góp chuyện: “Mùng 1 tôi đi xem một thầy ở tận Quảng Ninh, mùng 2 đi chùa, mùng 3 thì về đây. Nghe tiếng điện nhà cô Ng thiêng nên đến xem cho biết. Không ngờ lại đông thế này!”.


Không ít chuyện dở khóc dở cười đã xuất hiện với nhiều người sau những lần xem bói “chớp nhoáng” như thế này (Ảnh minh họa).

Chị tên là Nguyễn Thị H, làm nghề buôn bán gỗ ở biên giới Việt – Lào. Hôm nay đến ngoài việc rút quẻ chị còn xin cô một quẻ “mách nước” để chuyến hàng lậu sắp tới “chui tọt” được qua cửa kiểm lâm. Chị hồn nhiên nói: “Làm cái nghề này phải có cửa âm phù trợ mới qua được (?!)”.

Nhà cô đồng B ở Thanh Liêm (Hà Nam) mấy ngày qua cũng đông nườm nượp khách, chủ yếu là dân buôn trong tỉnh đến xin “qua được các cửa quản lý thị trường” vì nghe đồn cô đồng B có âm binh phù trợ, mạnh lắm. Rút kinh nghiệm mấy năm trước, người đến xin lộc cãi cọ, đánh nhau, năm nay nhà cô B làm vé gửi xe, đồng thời cũng là vé xếp lượt luôn. Ai số bé thì được xem trước, ai số lớn thì chờ xem sau.

Trăm chuyện bói nhầm…

Rất nhiều “thầy, cô” là dân thất nghiệp trước khi chuyển sang làm “đồng cô, bóng cậu”, “ăn lộc thánh”. Như thầy Nguyễn M ở Hưng Yên thất nghiệp ăn bám vợ 10-15 năm, ông ta chuyển sang lập điện, xem bói. Công an xã, huyện đã từng lập biên bản, yêu cầu ông M không hành nghề mê tín dị đoan nhưng sau đó đâu lại hoàn đấy.

Dân Hà Nội thì đồn nhau một ông thầy nhà ở Bắc Linh Đàm “cao tay”. Nghe danh, chúng tôi tìm đến. Thầy Th có điện khá to ở trong căn biệt thự 3 tầng. Điện ở tít tầng 3, người trông nom, quét dọn là mẹ thầy. Đặt lễ 60.000 đồng, “thầy” bảo: “Giá này thầy xem năm ngoái, năm nay lạm phát, giá khác rồi”. Hiểu ý, chúng tôi đặt lễ 100.000 đồng, thầy hỉ hả xem ngay.

Chẳng biết thầy “thiêng” thế nào, nhưng cứ hỏi chúng tôi tới đâu, thầy nói dựa tới đó, và khi chúng tôi “bịa” thông tin thì cô bạn tôi, đã 2 con trở thành người “cô quả, khó lấy chồng, có con vì có người âm theo. Phải đội bát nhang, giải hạn ở cửa thầy mới yên”. Nói tới đây, thầy còn cành cao: “Lịch giải hạn nhà thầy đã kín tới rằm tháng Giêng rồi nhé. Có làm thì đặt chỗ trước”.

Tìm hiểu được biết, giá “giải hạn” chung của các đồng thầy, đồng cô khá cao: 2-3 triệu đồng/lễ. Nếu đi tỉnh xa thì còn phải cộng thêm tiền ăn ở, đi lại. “Có vấn lễ thầy làm tới 40-50 triệu đồng ấy chứ”- thầy Th nói.

Tại nhà cô đồng Ng ở Thanh Hoá, chúng tôi cũng được chứng kiến vụ “bói nhầm”. Chị Nguyễn Thị L, đặt 50.000 đồng vào đĩa rút lá quẻ rồi rút 10 lá bài. Cô phán một lèo: “3 tháng đầu năm con có hạn, gặp nhiều chuyện đen lắm, vợ chồng cãi cọ. Tháng 2 thì con có tin vui, hai vợ chồng có “tý” mà là thằng cu đấy nhé! Tuy nhiên đến 3 tháng giữa hè công việc trôi chảy, thuận lợi”. Càng nghe cô phán mặt chị L càng nghệt ra, nghe lén mới biết hoá ra cô bói nhầm.

Chuyện là nhà cô có 4 anh chị em, mẹ chị hay gửi cô tiền lễ để cô kêu cầu cho cả nhà, rồi mọi chuyện cười cũng từ đó mà ra. Chị L chưa chồng chưa con, vừa ra trường đi làm, chưa kịp hỏi han gì thì thầy đã phán một loạt nào chồng con, công việc… y như đã phán với chị gái cô hôm trước. Nghe phán nhầm, chị L than vãn: “Đúng là chán, uổng công mình phải bỏ cả buổi họp cơ quan để đi xem bói”.


theo Dân Việt

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc