Home » Xã hội » ‘Không xảy ra thảm họa như ở Campuchia là may’
Cho rằng lễ hội đền Trần đã tổ chức “chu đáo”, song ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhìn nhận, việc không xảy ra thảm họa giẫm đạp như ở Campuchia vừa qua là một “may mắn”.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội đầu năm, ông nhận định việc tổ chức năm nay thế nào?

– Các lễ hội như Bái Đính, chùa Hương, đền Hùng, Yên Tử đã ăn sâu vào tâm thức của nhân dân, nếu chính quyền không tổ chức thì nhân dân sẽ tổ chức. Cái chính là chúng ta phải tăng cường công tác quản lý. Ngoài ra, chùa Hương, Yên Tử, Hạ Long là thắng cảnh Việt Nam, những lễ hội này cũng cần quảng bá để thu hút khách đến đây. Buổi làm việc mới đây, tỉnh Ninh Bình cho biết lượng khách Tây Âu và Bắc Mỹ đến thăm chùa Bái Đính rất nhiều, du lịch phải xuất phát trên nền văn hóa, không thể không có lễ hội được.

Năm nay, công tác tổ chức của các địa phương tốt hơn năm trước, từ bố trí hòm công đức, các dịch vụ, phân luồng giao thông… nhưng vẫn chưa hết tình trạng nâng giá ép giá như chùa Hương, nhất là hiện tượng rải tiền lẻ. Đáng lẽ người dân bỏ vào hòm công đức thì lại rải lên tay Phật, tay tượng. Ngoài ra, còn xuất hiện các trò chơi kinh dị tại lễ hội. Một số hiện tượng ở các đền chùa cũng cần phải điều chỉnh, không nên thái quá như chuyện vay mượn ở đền bà Chúa Kho hay phát ấn ở đền Trần.

Tại đền Trần có hàng chục nghìn người chen lấn xô đẩy vào cướp ấn khiến nhiều người ngất xỉu, theo ông nguyên nhân vì đâu?

– Tôi cho rằng khâu tổ chức rất chu đáo, từ phân luồng, bảo vệ với gần 1.400 công an, quân đội, song có tới 60 nghìn người đến lễ hội. May mà không xảy ra sự cố giẫm đạp như ở Campuchia, song vẫn xảy ra trộm cắp, lộn xộn… Các cụ già đi hội thường từ tốn, song nhiều thanh niên vùng lân cận ồ ạt chen lấn xô đẩy vào giờ phát ấn.

Tuy nhiên, khâu tổ chức cũng phải rút kinh nghiệm và phải tuyên truyền như thế nào đó, bởi không ai chấp nhận chuyện tranh cướp ở lễ hội, về lâu dài không ai muốn đến đây nữa.

Có một số nhà văn hóa đã phản đối chuyện phát ấn đền Trần, quan điểm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch như thế nào?

– Hiện quan điểm vẫn chưa thống nhất giữa khai ấn và phát ấn. Nhiều nhà khoa học rất phản đối chuyện phát ấn song ở địa phương lại cho rằng có khai ấn thì phải phát ấn. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo và quan điểm là không phát ấn song vấn đề này vẫn mâu thuẫn. Vì theo tích xưa, vua quan nhà Trần khai ấn trong ngày làm việc đầu năm và nhiều người cho rằng có phát ấn.

Theo tôi cần có một cuộc hội thảo nghiêm túc bàn việc này, có phát ấn hay không, nếu có thì công tác tổ chức ra sao.

Nhiều người đến đền bà Chúa Kho vẫn đốt vàng mã, đồ mã với số lượng lớn mặc dù đã có quy định cấm đốt đồ mã ở lễ hội, ông thấy thế nào?

– Đốt đồ mã đã có hạn chế, vừa rồi chúng tôi tịch thu một lô đồ mã ở đền Kiếp Bạc (Hải Dương) như hình nhân thế mạng, nhà lầu, xe hơi… Đồ mã chỉ tập trung nhiều ở đền bà Chúa Kho và Phủ Giày.

Theo quy định đốt đồ mã ở lễ hội là bị tịch thu và xử lý. Tuy nhiên, vàng mã thì người dân vẫn được phép đốt song với mức độ như thế nào thì cần cân nhắc. Ngày lễ Tết mình đốt ít cho ông bà hay đi lễ chùa chỉ nên đốt một ít, chứ nếu đốt hình nhân, nhà cửa, cả ôsin thì không ổn.

Chen lấn để xin ấn ở đền Trần. Ảnh: Tiến Dũng.

Có nhà văn hóa ước tính số vàng mã được đốt trong cả nước lên hàng chục tỷ đồng, ông nghĩ sao về con số này?

– Đây là con số dự đoán, theo tôi còn nhiều hơn nữa. Tại nhiều lễ hội đã tuyên truyền khá tốt hạn chế đốt vàng mã, song do nhận thức của người dân trong xã hội, nhất là ở miền Bắc. Như người dân miền Trung không có chuyện đốt nhiều vàng mã như miền Bắc.

Ông nhận xét thế nào về ứng xử văn hóa của những người đi lễ?

– Người đi lễ hội chia làm 2 lứa tuổi, các bà các chị hiểu sâu về văn hóa thì đúng là đi lễ để cầu an cầu phúc cho con cháu. Song nhận thức của lớp trẻ thì không ổn, có nhiều người không biết đền đó thờ ai song vẫn truyền miệng phải lấy được cái ấn cho may. Phát ấn thường phát cho quan chức chứ người dân không có tác dụng gì. Song họ đi đâu cũng chen lấn xô đẩy nhau, dường như họ có quan điểm đi lễ hội là phải tả tơi, chứ không có kiểu đi hội thanh thản như người già.

Không chỉ người buôn bán mà cả công chức tích cực đi lễ chùa trong ngày làm việc, nhiều xe công xuất hiện ở đền chùa, ông nghĩ sao về hiện tượng này?

– Thủ tướng đã nghiêm cấm song thực tế vẫn có, số lượng này cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nếu công chức chấp hành nghiêm sẽ tốt lên, song cũng do nhiều đền chùa muốn thu hút thành phần này vì chi tiêu cao hơn, công đức tốt hơn.

Khi đi lễ hội với gia đình, ông thường có cảm xúc như thế nào?

– Từ lứa tuổi tôi trở lên thường cảm thấy buồn khi đi lễ hội và không muốn đi nữa, vì bản chất lễ hội không phải là cướp giật, xô bồ, chen lấn. Thế hệ cao tuổi rất buồn, các cụ vào lễ hội thường bị thanh niên chen bật ra. Với công tác tổ chức như hiện nay thì nhiều người không muốn đi nữa.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng, các lễ hội năm nay đều rất đông, đến ngày 11/2, Yên Tử có 310.000 lượt người, chùa Hương có 230.000 lượt, Cửa Ông 130.000 lượt, Côn Sơn Kiếp Bạc 140.000 lượt.

Một số tồn tại như tình trạng phát ấn, phát lương còn nhiều, đền Trần Nam Định tổ chức 75 điểm phát ấn, hòm công đức nhiều nơi còn nhiều, hiện tượng đặt tiền không đúng nơi quy định đã được tổ chức thu gom song chưa triệt để. Vệ sinh môi trường một số nơi chưa đảm bảo như chùa Hương, bà Chúa Kho, hội Lim. Trò chơi mang tính cờ bạc trá hình, trò chơi kinh dị xuất hiện ở một số nơi như hội Lim.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ 17 người cò mồi dẫn khách ở chùa Hương, tịch thu hàng nghìn quẻ thẻ, tiền giả tại chùa Hồng Ân, hội Lim, tiêu hủy đồ mã tại đền Kiếp Bạc, thu một số ấn giả, ấn nhái tại đền Trần.

Đoàn Loan thực hiện

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc