Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Trung Đông vui buồn lẫn lộn vì Mubarak từ chức
Hàng trăm nghìn người dân ở khu vực Trung Đông đổ ra đường phố để ăn mừng sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức hôm qua, trong khi nhiều người dân Israel tỏ ra lo ngại cho tương lai của họ.


Một người biểu tình Ai Cập tại Cairo trào nước mắt sau khi nghe tin Tổng thống Hosni Mubarak từ chức hôm 11/2. Ảnh: AP.

Biển người tại thủ đô Cairo của Ai Cập reo hò dậy đất chỉ vài giây sau khi Phó tổng thống Ai Cập Omar Suleiman thông báo quyết định từ chức của ông Mubarak trên đài truyền hình quốc gia. Người Ai Cập tại các quốc gia khác cũng tỏ ra hoan hỉ.

“Chúng tôi vui mừng vì hôm nay chúng tôi có thể lật đổ Hosni Mubarak. Kết cục tương tự sẽ xảy ra với những nhà độc tài trong thế giới Ảrập”, Issam Allawi, một người Ai Cập sống tại thủ đô Beirut của Libăng, phát biểu với AP.

AP cho biết, Israel và Palestine, hai quốc gia láng giềng của Ai Cập, theo dõi cuộc biểu tình một cách sát sao.

Người dân Israel không muốn Mubarak từ chức, bởi họ lo ngại sự ra đi của ông sẽ khiến hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel – được ký vào năm 1979 – tan vỡ. Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nếu Anh em Hồi giáo, phong trào đối lập lớn nhất và được tổ chức quy củ nhất, giành được ảnh hưởng tại Ai Cập. Hamas, tổ chức vũ trang Hồi giáo có nhiều điểm tương đồng với Anh em Hồi giáo, kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007.

Chính phủ Israel không đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự ra đi của Mubarak. Tuy nhiên, Dan Gillerman, cựu đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc, nói với Fox News rằng nếu tư tưởng Hồi giáo cấp tiến giành được ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập trong thời gian sắp tới thì Israel sẽ phải đối mặt với Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Libăng và Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.

“Đó chẳng những là thực tế đáng lo ngại đối với Israel, mà còn là tác động xấu tới sự ổn định của khu vực Trung Đông”, Gillerman nhận định.

Không khí lễ hội tràn ngập thành phố Cairo trong đêm 11/2. Ảnh: AP.

Tại Gaza, sự ra đi của Mubarak khiến người dân nơi đây hy vọng rằng lệnh đóng cửa biên giới mà chính phủ Ai Cập thực thi suốt 4 năm qua sẽ bị hủy. Ai Cập giúp Israel phong tỏa Gaza, khiến khoảng 1,5 triệu người không thể di chuyển ra ngoài một khu vực tương đối nhỏ.

Hàng chục nghìn người dân Gaza tràn ra các đường phố tối qua để reo hò. Các tay súng bắn chỉ thiên, còn phụ nữ phát kẹo cho mọi người. “Chúa đã ban phước lành cho Ai Cập. Hôm nay là một ngày ngập tràn niềm vui”, Radwa Abu Ali, một người đàn ông 55 tuổi tại Gaza, nói.

Giới lãnh đạo Hamas kêu gọi đất nước Ai Cập mới mở cửa biên giới với Gaza. “Hôm nay Ai Cập viết một chương mới trong lịch sử các nước Ảrập và tôi có thể thấy lệnh phong tỏa Gaza đang lung lay”, Thủ tướng Ismail Haniyeh của Hamas tại Gaza, phát biểu.

Chính phủ Jordan, Iraq và Sudan hôm qua tuyên bố họ kính trọng ý chí của người dân Ai Cập. “Quyết định từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak là một bước đi đúng hướng”, Thủ tướng Iraq, ông Nouri al-Maliki, khẳng định.

Người dân Tunisia, nơi các cuộc biểu tình khiến cựu tổng thống Ben Ali chạy ra nước ngoài, chia sẻ niềm vui với người biểu tình Ai Cập. “Chúa đã giúp những người anh em Ai Cập thoát khỏi nhà độc tài”, Yacoub Youssef, một người dân Tunisia, phát biểu khi reo hò ở thủ đô Tunis.

Ở thủ đô Amman của Jordan, vài nghìn người tập trung bên ngoài đại sứ quán Ai Cập và hô vang câu “chúc mừng” trong khi pháo hoa được bắn lên trời. “Một kỷ nguyên mới đang chờ Ai Cập ở phía trước”, Hawary el-Saudi, một công nhân xây dựng 24 tuổi người Ai Cập tại Jordan, nói.

Lễ ăn mừng cũng được tổ chức tại nhiều thành phố của Yemen, nước nghèo nhất trong thế giới Ảrập. Những người chống chính phủ cũng biểu tình rầm rộ sau khi sự kiện tương tự diễn ra ở Tunisia và Ai Cập. Tại thủ đô Sanaa của Yemen, hơn 3.000 người tuần hành để chia sẻ niềm vui với người dân Ai Cập.

Các nghị sĩ thuộc mọi đảng phái của Iraq ca ngợi chiến thắng của người biểu tình Ai Cập, coi việc ông Mubarak từ chức là một chiến thắng của tư tưởng dân chủ. “Sự ra đi của Mubarak đánh dấu một trong những ngày tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại. Không ai có thể chống lại ý chí của người dân, đặc biệt là giới trẻ”, Jamal al-Battekh, một nghị sĩ Iraq, bình luận.

Minh Long

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc