Home » Kinh doanh » Bệnh thành tích đe dọa chất lượng thống kê kinh tế
Khẳng định kết quả thống kê hiện không quá vênh so với thực tế, song Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cũng thừa nhận số liệu thu thập được chịu ảnh hưởng phần nào bởi điều tra viên và lãnh đạo các địa phương.

Ông Thức trao đổi với VnExpress bên lề Hội thảo Tham vấn các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học xây dựng chiến lược phát triển thống kê 2011 – 2020, diễn ra ngày 28/4 tại Hà Nội.

– Nhiều ý kiến cho rằng nhiều số liệu thống kê tại Việt Nam hiện chưa phản ánh sát thực tế, thậm chí bị tác động làm cho sai lệch. Ông bình luận như thế nào về những ý kiến này?

– Đúng là có rất nhiều quan điểm, luồng ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Cũng có người từng trực tiếp bảo tôi “là lãnh đạo thì luôn thích thành tích”. Và đã thích thành tích thì thế nào họ cũng muốn tác động vào các con số thống kê. Tuy nhiên, họ mong vậy không có nghĩa là làm được như vậy. Bản thân tôi là Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cũng chưa bao giờ thấy số liệu bị tác động hay làm sai lệch.

Tất nhiên, không có gì là tuyệt đối. Hiện tượng số liệu thu thập và báo cáo về không chính xác cũng có thể đã xảy ra ở mức độ thấp, có thể ở một vài địa phương. Theo tôi thì điều này thể hiện dân trí của lãnh đạo thấp. Ai cũng muốn chính sách của mình đúng. Nhưng chính sách ấy muốn đúng, muốn tốt thì phải dựa trên số liệu thực, thống kê thực.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Đỗ Thức. Ảnh: Nhật Minh
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – Đỗ Thức. Ảnh: Nhật Minh

– Nói như vậy có nghĩa là số liệu thống kê, về cơ bản, không “vênh” nhiều so với thực tế. Nhưng tại sao các chất lượng các bộ số liệu của Việt Nam thường không được các tổ chức quốc tế đánh giá cao?

– Theo kết quả mới đây từ nhóm nghiên cứu của World Bank thì chất lượng thống kê của Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 9 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Nhóm hoạt động liên hợp các tổ chức quốc tế hiện cũng chỉ cho chúng ta 1 trên 5 điểm tối đa về thống kê số liệu liên quan đến Tài khoản quốc gia.

Tôi không muốn bao biện cho những kết quả này bởi thực tế ngành thống kê Việt Nam cũng còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng đây đều không phải là các xếp hạng chính thức và bản thân việc lựa chọn tiêu chí của các tổ chức này cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Chẳng hạn như việc Việt Nam đang tính chỉ số giá xuất khẩu theo quý nhưng các tổ chức quốc tế chỉ cho điểm nếu chúng ta tính theo tháng. Hay việc Việt Nam vẫn chọn năm gốc tính giá 1994 trong khi thế giới thông thường chỉ sử dụng một kỳ gốc trong vòng 5 năm… Riêng vấn đề này thì chúng tôi đang nghiên cứu chọn mốc mới là năm 2010. Sau thay đổi này, tôi nghĩ thứ hạng của Việt Nam sẽ lại lên cao.

– Trong số các thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn được xã hội quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về mức độ chính xác của chỉ số này theo cách tính hiện hành của Tổng cục Thống kê?

– Chỉ số giá tiêu dùng hiện được chúng tôi tính hoàn toàn thống nhất theo thông lệ và các tiêu chuẩn của thế giới. Rõ ràng phương pháp, cách tính CPI là giống nhau nhưng triển khai mỗi nước một khác. Với 574 mặt hàng được lấy mẫu thì Việt Nam thuộc nhóm các nước có số lượng mặt hàng tính giá nhiều nhất thế giới. Hiện nhiều nước chỉ lấy khoảng 300 mặt hàng thôi.

Trong những năm gần đây, chúng tôi cũng đã cố gắng để nâng cao tính đại diện bằng cách tăng số điểm lấy giá lên khoảng 3.000 trên cả nước. Số kỳ lấy giá cũng được tăng lên 3 lần một tháng (vào ngày 5, 15 và 25 hàng tháng). Cho nên tính đại diện của CPI đã được cải thiện hơn rất nhiều.

Tuy vậy, cũng như các thống kê khác, việc lấy giá có chính xác không còn phụ thuộc nhiều vào điều tra viên. Không phải là không có trường hợp điều tra viên “không vui” mà lấy số sai. Nhưng đó chỉ là cá biệt và không gây ra sai số cơ bản về xu hướng.

– Trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê có dự kiến thay đổi gì nhằm giúp chỉ số giá tiêu dùng phản ánh sát hơn mặt bằng giá cả hay không?

– Việc điều chỉnh về quyền số các nhóm mặt hàng tính giá mới được chúng tôi thực hiện năm 2009. CPI chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tỷ trọng các mặt hàng tiêu dùng trong xã hội. Do vậy, xã hội phát triển thì các quyền số này cũng thay đổi.

Chẳng hạn như trong giai đoạn trước đây, lương thực – thực phẩm chiến tới 70% tỷ trọng tính giá. Sau đó xuống 50% và bây giờ là chưa được 40%. Mức 40% này bây giờ cũng có người bảo là cao, cũng có người bảo thấp. Nhưng đó chỉ là ý kiến chủ quan thôi. Tổng cục Thống kê, tuy không có điều kiện khảo sát cả 26 triệu hộ dân trên cả nước nhưng chúng tôi đã chọn mẫu có tính đại diện cao. Do vậy, tôi tự tin là cơ cấu mặt hàng hiện đã ổn, trước mắt chưa cần thay đổi.

Trong thời gian tới, nếu có thể, Tổng cục sẽ nâng số mặt hàng lấy giá từ 574 hiện nay lên khoảng 600. Đồng thời, sẽ tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát để việc lấy giá được đúng chuẩn, qua đó, nâng cao tính chính xác của CPI.

Nhật Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc