Home » Thế giới » Sau sóng thần, người Nhật khốn đốn vì thủy triều
Sau trận động đất khủng khiếp ngày 11/3, người dân Nhật Bản tại nhiều thành phố ven biển bị nước thuỷ triều tấn công thường xuyên khiến cuộc sống trở nên khổ cực.
Người dân đi trên một đường phố ngập nước biển tại thành phố Ishinomaki vào ngày 3/5. Ảnh: AP.
Người dân đi trên một đường phố ngập nước biển tại thành phố Ishinomaki vào ngày 3/5. Ảnh: AP.

Mỗi lần triều lên, nước biển dâng từ từ cho tới khi ngang với đầu gối người lớn, mang theo cá và rác tới trước nhà của Takahashi. Mỗi khi nước biển dâng những người trong gia đình bà không thể ra ngoài. Ủng cao su và xe đạp là những thứ mà người dân sử dụng để di chuyển trên đường phố ngập nước.

“Mỗi lần nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi cảm thấy dường như những ngôi nhà của chúng tôi đang ở giữa đại dương”, Takahashi nói.

Trận động đất ngày 11/3 ở miền đông Nhật Bản mạnh đến nỗi nó kéo toàn bộ đất nước về phía đại dương. Giờ đây những vùng bị tàn phá nặng nề nhất trong trận động đất thường xuyên đối mặt với lũ lụt do. Ngoài ra động đất và sóng thần cũng phá hủy hoặc làm hư hại các đê chắn sóng.

Tại những thành phố cảng như Onagawa và Kesennuma, mỗi khi thủy triều dâng, nước len lỏi vào những ngôi nhà xiêu vẹo dọc nằm dọc theo những đường phố vắng vẻ. Chỉ có vài khu dân cư tại thành phố Ishinomaki không phải đối mặt với tình trạng lũ lụt thường xuyên nhờ nằm ở vị trí cao. Nhưng họ cũng gặp phải một phiền toái trong cuộc sống hàng ngày: những con đường thường xuyên ướt và trơn vì thủy triều. Khi những đợt thủy triều cao ập tới, người dân thường chạy về nhà nên rất dễ ngã trên những đường trơn.

“Tôi luôn phải cố gắng mua sắm và làm xong mọi việc nhà trước 3h chiều”, một người dân có tên Takuya Kondo, 32 tuổi, cho biết.

Phần lớn nhà trong thành phố nằm ngoài “tầm với” của nước, song đi lại bằng ô tô là hoạt động không thể thực hiện. Do hệ thống dẫn nước thải bị ngập bởi thủy triều, các toilet trở nên vô dụng.

Nhiều nhà khoa học nhận định những phiền toái mới của các thành phố ven biển ở miền đông có thể tồn tại lâu dài.

Nửa phía bắc của Nhật Bản nằm trên mảng địa tầng Bắc Mỹ và gần mảng địa tầng Thái Bình Dương. Vào ngày 11/3, mảng địa tầng Thái Bình Dương đâm mạnh xuống phía dưới mảng địa tầng Bắc Mỹ và đẩy nó lên phía trên.

Sự dịch chuyển lên phía trên của mảng địa tầng Bắc Mỹ khiến đáy biển ở phía đông Nhật Bản trồi lên, tạo nên sóng thần. Phần bên dưới Nhật Bản của mảng địa tầng bị kéo xuống thấp hơn khi nó trượt trở lại về phía đáy đại dương. Vì thế mà sau trận động đất, độ cao của Nhật Bản giảm. Một số khu vực trong thành phố Ishinomaki dịch chuyển về phía đông nam tới 5,3 m và thấp xuống tới 1,2 m.

Một số khu vực của thành phố Tokyo – cách Ishinomaki chừng 340 km – nhiều khu vực trong thành phố dịch chuyển 24 cm về phía biển.

Hậu quả của việc sụt xuống thấp hơn thể hiện rõ nhất ở thành phố Ishinomaki, khu vực gần tâm chấn động đất nhất. Những “hố địa ngục” xuất hiện thường xuyên trên các đường phố do các đường ống ngầm vỡ, còn đường phố bị nhấn chìm bởi thủy triều hai lần mỗi ngày.

Thủy triều mang theo
Thủy triều mang theo cả những mảnh vỡ và rác rưởi vào thành phố Ishinomaki. Ảnh: AP.


Yuichiro Mogi, một người đàn ông 43 tuổi, nhận thấy thủy triều đang lấy phần đất bên dưới ngôi nhà của anh. Vì thế anh lập một tường chắn bằng những bao cát để ngăn chặn thủy triều. Do ngôi nhà chỉ hư hại chút ít bởi trận động đất và sóng thần hôm 11/3 nên nó không thuộc diện được công ty bảo hiểm bồi thường hay chính quyền xây dựng lại. Mọi ngôi nhà trong khu vực mà Mogi sinh sống cũng rơi vào tình trạng tương tự như ngôi nhà của anh. Trong khi hoạt động dọn dẹp để tái thiết diễn ra ở những khu dân cư lân cận, Mogi và những người hàng xóm phải sống chung với lũ lụt hàng ngày.

“Chúng tôi không thể phàn nàn với ai, bởi nhiều người khác còn mất mát lớn hơn so với chúng tôi”, Mogi tâm sự.

Seietsu Sasaki, một người dân 57 tuổi, chưa bao giờ để ý thủy triều trước trận động đất ngày 11/3. Nhưng giờ đây ông thường xuyên theo dõi những thời điểm thủy triều đạt đỉnh vào mỗi buổi sáng.

“Mọi người dân ở đây đều mua nhà theo hình thức trả góp. Vì vậy chúng tôi vẫn phải tiếp tục trả tiền nhà, trong khi không thể bán hay rời bỏ mảnh đất này”, Sasaki nói.

Chính quyền thành phố bắt đầu xây dựng một số tường chắn sóng, nhưng do phần lớn thành phố bị tàn phá nên các nguồn lực của họ trở nên quá nhỏ bé. Dự án nâng độ cao của các con đường đã hoàn thành trước khi sóng thần tấn công. Song phần lớn công trình trở nên vô dụng do đất bên dưới chúng sụt lún.

Tình trạng lũ lụt thường xuyên khiến công nhân xây dựng chỉ có thể làm việc theo những ca ngắn. Dịch vụ cung cấp điện và nước mới chỉ được phục hồi từ hai tuần tuần trước. Người dân chưa có khí đốt và nhiều người phải tới các trại sơ tán để tắm.

“Chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu về việc xây dựng lại thành phố, song thực sự hiện giờ chúng tôi không có ngân sách”, Kiyoshi Koizumi, quan chức phụ trách đường sá và cơ sở hạ tầng của thành phố Ishinomaki, nói.

Minh Long (theo AP)

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc