Home » Thời nay, Văn hóa » Kho đạn đá cổ dưới chân thành nhà Hồ

Hàng trăm viên đạn đá có kích thước lớn nhỏ đang được trưng bày tại phòng trưng bày hiện vật quý của Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới thành nhà Hồ. Ảnh: Lê Hoàng.

Ngày 22/2, Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, trong đợt khai quật khảo cổ vừa qua, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam và cán bộ trung tâm đã phát hiện kho đạn đá cổ lớn nhất từ trước tới nay.

Khi khai quật đường Hoàng Gia (hay còn gọi là đường Hoè Nhai nối liền cửa nam thành nhà Hồ với đàn tế Nam Giao ở núi Đốn Sơn dài khoảng 3 km), các nhà khoa học đã phát hiện, thu lượm được hàng trăm đạn đá cổ dùng cho súng thần công. Trong số này có rất nhiều viên đã chế tác thành viên đạn đá hoàn chỉnh, hình tròn, được mài đẽo công phu. Viên to đường kính khoảng 10-15 cm, viên nhỏ chỉ 5-7 cm.

Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thế giới thành nhà Hồ nhận định, có thể dưới triều Hồ, ngay tại khu vực này có một cơ sở sản xuất, chế tác đạn đá dùng cho súng thần công. “Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện kho đạn đá cổ của vương triều Hồ, với những hiện vật đạn đá còn tương đối nguyên vẹn. Điều đó có thể khẳng định Hồ Quý Ly và vương triều Hồ rất quan tâm đến lĩnh vực phòng thủ quân sự…”, tiến sĩ Trọng đánh giá.

Mô phỏng súng thần công của vương triều Hồ. Ảnh: Lê Hoàng.

Theo thạc sĩ Phạm Kim Quy, Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa, việc phát hiện kho đạn đá cổ là tư liệu lịch sử quý giá, góp phần củng cố những nghiên cứu về “thần cơ thương pháo”, loại súng thần công được Hồ Nguyên Trừng (co trai cả Hồ Quý Ly) phát minh cách đây hơn 600 năm.

Theo tài liệu lịch sử, đầu thế kỷ XV, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh, nhà Hồ (1400–1407) đã có sự cải tiến vũ khí chiến đấu, cho ra đời súng thần công (còn gọi là thần cơ thương pháo). Súng này sử dụng thuốc nổ để bắn các loại đạn đúc bằng chì, gang hoặc đá có sức công phá tốt, hiệu quả sát thương, uy hiếp tinh thần đối phương rất cao.

Người có công sáng chế ra súng thần công là Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (1374–1446), con đầu của vua Hồ Quý Ly. Ông là vị tướng tài giỏi, nhà quân sự kiệt xuất, từng chỉ huy việc xây dựng phòng tuyến chống giặc dài hơn 400 km từ Ba Vì đến Tam Điệp (Ninh Bình) với nhiều cách đánh giặc độc đáo. Ông nổi tiếng với câu nói bất hủ “Thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo”…

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Lê Hoàng

Theo vnexpress.

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc