Home » Xã hội » ‘Lính TQ có thể cải trang ngư dân chiếm đảo ở Trường Sa’
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc cảnh báo những thủ đoạn mới hết sức nguy hiểm của giới chức Trung Quốc nhằm thực hiện âm mưu biến Biển Đông thành ao nhà.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo.

– Với những động thái của Trung Quốc leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông, cụ thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong thời gian qua, theo ông những hoạt động cũng như âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc có diễn biến gì mới so với trước?

– Trước đây tàu của Trung Quốc chỉ hoạt động trái phép quanh quẩn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt trái phép năm 1974), tiếp đến Trung Quốc thành lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa, bầu bí thư, bầu chủ tịch rồi cho khách du lịch đến Hoàng Sa… .

Hiện tại Trung Quốc đã đi một nước cờ mới rất nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng cũng vô cùng bài bản và nguy hiểm bằng việc tiến xuống quần đảo Trường Sa. Điển hình là các hoạt động tập trận trái phép cũng như việc điều động 32 tàu cá xuống đánh bắt trái phép ở Trường Sa như báo chí đã phản ánh. Theo tôi, Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở đây, rất có khả năng trong thời gian tới Bắc Kinh có thể sẽ phái línhcải trang thành ngư dân xâm nhập, đổ bộ và chiếm đóng thậm chí là xây dựng nhà dàn, công sự trái phép trên các điểm đảo, bãi đá, rặng san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà hiện nay ta chưa kịp triển khai, chốt giữ.

Đây là một bước leo thang mới của Trung Quốc, hoạt động phái 32 tàu cá raTrường Sa của Việt Nam chỉ là nước cờ dò đường nhằm thử thái độ, phản ứng của ta, nếu ta phản ứng thiếu kiên quyết, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới và có thể có nhiều hành động leo thang khó lường trước.

– Việc Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian vừa qua, ông đánh giá như thế nào về những phản ứng của Việt Nam? Theo ông, chúng ta phản ứng như vậy đã đủ mạnh hay chưa?

– Tôi cho rằng những phản ứng của Việt Nam trong thời gian vừa qua là đúng mực, hợp lý và cần thiết.

Chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đối thoại, đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam không muốn chiến tranh, không chủ động gây chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như lại không như vậy. Những động thái leo thang của họ ở Biển Đông thời gian vừa qua, chúng ta phải hết sức cảnh giác.

Ngoài việc tiếp tục phản đối cương quyết các động thái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông qua con đường ngoại giao như thời gian qua, chúng ta cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế thấy rõ âm mưu, thủ đoạn mới hết sức thâm độc của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ đã bành trướng từ Hoàng Sa tiến xuống Trường Sa rồi và chúng ta không thể có đường lùi mà phải ngăn chặn cái thế bành trướng ấy lại.

 
Tàu ngư chính 311 (ở xa) canh cho đội tàu cá đánh bắt trái phép ở Trường Sa.

– Theo ông, để ngăn chặn xu thế bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, ngoài việc phản đối kiên quyết qua đường ngoại giao, chúng ta còn cần những giải pháp cần thiết nào để đối phó hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn ngày một trắng trợn, thâm hiểm?

– Đồng thời với việc phản đối kiên quyết mọi động thái của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nâng cao năng lực quốc phòng một cách toàn diện.

Ngoài tăng cường vũ khí trang bị hiện đại, nâng cao sức chiến đấu của quân đội sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, chúng ta còn cần phải phát huy sức mạnh của toàn dân, đặc biệt là bà con ngư dân, những người kiên cường bám biển ở tuyến đầu của Tổ quốc.

Cụ thể, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt trong các vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa cả về vật chất lẫn tinh thần.

Về vật chất, cần triển khai càng sớm càng tốt các chính sách hỗ trợ bà con ngư dânvề vốn, về trang bị, về các kỹ năng đối phó với các lực lượng của Trung Quốcquấy rối ở Biển Đông, tăng cường hoạt động bảo vệ ngư dân của lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Biên phòng, Hải quân. Về tinh thần, cần biểu dương, khuyến khích, động viên tinh thần ngư dân bám biển, phản ánh kịp thời những khó khăn của bà con để tìm cách tháo gỡ, phải để bà con được nói lên tiếng nói của mình nhiều hơn nữa.

Ngoài vai trò điều phối của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cũng nên có những phong trào ủng hộ, giúp đỡ, chia lửa với bà con ngư dân đánh bắt ở Biển Đông.

 

 

Theo Giáo Dục Việt Nam

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc