Home » Thế giới » Châu Âu: Cảnh sát kết hợp với bác sỹ chiến đấu chống lại ‘buôn bán nội tạng’
Một nhân viên của tổ chức chống buôn bán cấy ghép nội tạng Stiftung ở Đức đứng bên cạnh một hộp rỗng chuyên đựng nội tạng người, đây là một phần của sự kiện truyền thông tại phòng mổ ở Phòng khám Đa khoa Vivantes Neukoelln, vào ngày 28/9/2012, tại thủ đô Berlin, Đức. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Một nhân viên của tổ chức chống buôn bán cấy ghép nội tạng Stiftung ở Đức đứng bên cạnh một hộp rỗng chuyên đựng nội tạng người, đây là một phần của sự kiện truyền thông tại phòng mổ ở Phòng khám Đa khoa Vivantes Neukoelln, vào ngày 28/9/2012, tại thủ đô Berlin, Đức. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Tại trụ sở chính của Cảnh sát châu Âu (Europol) ở The Hague hôm 21/11, các bác sĩ, chuyên gia pháp lý và các chuyên gia thực thi pháp luật đã tụ họp để thảo luận về Nạn buôn người nhằm mục đích lấy nội tạng (THBOR). THBOR đề cập đến việc bệnh nhân đi đến một nước khác để cấy ghép và nhận được tạng thông qua việc ép buộc hoặc dùng vũ lực.

“Chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát đối với các chuyên gia ghép tạng ở Hà Lan và một nửa trong số các bác sỹ đã điều trị cho bệnh nhân từng đi ra nước ngoài để cấy ghép . Hầu hết đều nghi ngờ có sự buôn bán thận bất hợp pháp ở Pakistan, Iran và Trung Quốc”, theo kết quả điều tra của Frederike Ambagtsheer, nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Erasmus MC ở Rotterdm.

“Kết luận của chúng tôi là, Châu Âu cũng cần có trách nhiệm để ngăn chặn nạn buôn bán nội tạng trên toàn thế giới”, bà Ambagtsheer nhận định.

Nghiên cứu của Ambagtsheer là một phần của Dự án buôn bán nội tạng người phục vụ cho việc cấy ghép (HOTT). Dự án được bắt đầu từ 2 năm trước (2012) và được Ủy ban Châu Âu tài trợ.

Cho đến nay, công việc của các nhà nghiên cứu thuộc dự án HOTT là xem xét các ấn phẩm về buôn nội tạng và các mạng lưới buôn bán nội tạng thu lợi cao đã bị cảnh sát điều tra và bắt giữ. Nhóm cũng phỏng vấn các bệnh nhân Châu Âu, những người đã đi ra nước ngoài để cấy ghép tạng, và đang tiến hành truyền rộng nhận thức về vấn đề này.

Sau khi Liên minh Châu Âu (EU) thông qua dự luật có nêu tiêu chí và hình phạt đối với nạn buôn người vào năm 2011, ít nhất 25 trong 28 nước thành viên cũng chấp nhận và thực hiện các luật quốc gia về buôn người.

“Đây là một đạo luật chống lại việc buôn bán mọi hình thức bóc lột”, bà Myria Vassiliadou, điều phối viên về chống buốn bán của EU, giải thích rằng dự luật áp dụng đối với cả việc buôn bán cho mục đích lấy nội tạng người.

Đích đến cấy ghép nội tạng?

Dự án HOTT đã xác định, Trung Quốc là một trong đích đến đối với các bệnh nhân Châu Âu cần ghép tạng.

Trung bình, quốc gia này cấy ghép 10.000 ca mỗi năm, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, theo tuyên bố của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu.

Tuy nhiên, không giống Mỹ, các nội tạng của Trung Quốc không có nguồn gốc từ những người hiến tặng.

Trung Quốc cho biết, nguồn của những nội tạng này kết hợp từ các tù nhân bị kết án tử hình (con số chính xác hiện vẫn là bí mật quốc gia) và người hiến tạng. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy, Trung Quốc lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công – môn tu luyện tâm linh đã bị chính quyền đàn áp từ năm 1999.

Vào tháng 12/2013, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc.

Nghị quyết tuyên bố “liên tục có các báo cáo đáng tin cậy về nạn thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống và được chính quyền phê chuẩn, từ các tù nhân lương tâm không tình nguyện ở nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trong đó có số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ chỉ vì đức tin của họ, cũng như các thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác”.

Các nước khác là điểm đến của bệnh nhân muốn cấy ghép tạng bao gồm Pakistan, Ấn Độ và Columbia. Tuy nhiên, không có quốc gia nào mà nội tạng được đem bán kiếm lời trên diện rộng và nhận được hỗ trợ từ chính quyền như ở Trung Quốc. Trên thực tế, điều này vi phạm luật pháp quốc tế về việc cấm mua bán bất kỳ nội tạng nào, một dự luật nhằm bảo vệ người nghèo đang bị khai thác để lấy nội tạng.

Chấm dứt tội ác

Bước đầu tiên để chấm dứt tội ác này là nâng cao nhận thức ở Châu Âu, theo các nhà tổ chức hội nghị chuyên đề.

“Và xác định vấn đề này từ nhiều phương diện, bởi vì nhiều bác sỹ thực sự chưa nhận thức ra vấn đề về buôn bán nội tạng”, theo nhận định của ông Corinne Dettmeijer-Vermeulen, báo cáo viên quốc gia Hà Lan về buôn bán người và bạo lực tình dục.

Một cách để chống lại việc du lịch cấy ghép nội tạng bất hợp pháp là thành lập cơ quan đăng ký quốc gia dành cho các bệnh nhân đã cấy ghép tạng bên trong mỗi nước thành viên của EU. Việc này giúp dễ dàng xác định những ai đã đi ra nước ngoài để ghép tạng và những ai đã có được tạng bất hợp pháp.

Các bác sỹ cũng cần cung cấp thông tin về những bệnh nhân đã tham gia cấy tạng ở nước khác của họ, mà vẫn giữ bí mật danh tính cho các bệnh nhân. Điều này sẽ giúp khởi tố những người môi giới và những người chuộc lợi từ nạn buôn người nhằm mục đích lấy nội tạng (THBOR) mà không làm liên lụy đến các bệnh nhân.

“Họ phải báo cáo bác sỹ, hoặc phòng khám, hay bệnh viện, thành phố, quốc gia, nơi bệnh nhân đã đến và được tiến hành cấy ghép bất hợp pháp, để cảnh sát có thể truy tố những người hỗ trợ việc cấy ghép”, ông Ambagtsheer cho biết.

Các cơ quan thực thi pháp luật có thể giúp các chuyên gia y tế bằng cách giáo dục cho họ về THBOR và cho họ biết những gì cấu thành nên tội ác dưới cái nhìn của luật pháp , theo đề xuất của ông Alex Capron, giáo sư về luật chăm sóc sức khỏe, chính sách, và y đức tại Đại học Nam California. “Trong các cuộc gặp mặt, các công tố viên cần phải ngồi trao đổi với các chuyên gia cấy ghép về tầm quan trọng của pháp luật và lý do tại sao luật tồn tại để ngăn chặn nạn bóc lột con người”.

Dự án HOTT sẽ kết thúc vào năm 2016, song các điều phối viên hy vọng sẽ đưa những khuyến nghị rút ra từ các hội nghị chuyên đề vào thực tiễn trước thời điểm này.

Nguồn: vietdaikynguyen.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc