Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Nhà xuất bản Hồng Kông bị bắt hồi năm ngoái tố cáo Trung Quốc ép cung

Một người làm trong ngành xuất bản Hồng Kông mới đây đã công khai trước báo giới quốc tế rằng ông bị quan chức và đặc vụ Trung Quốc “bịt mắt, bắt cóc, biệt giam và ép nhận tội” trong vụ mất tích hồi năm ngoái. Phản ứng trước tuyên bố này, nhiều người Hồng Kông tức giận đã kéo xuống đường biểu tình phản đối chính phủ Bắc Kinh “hành xử như côn đồ”.

Theo tờ báo Time, ông Lam Wing-kee tối hôm thứ Năm (16/6) đã bất ngờ công khai buổi họp báo tại Hồng Kông. Trong đó, ông tố cáo Bắc Kinh đã cho người bắt cóc và tống giam ông trong 8 tháng (5 tháng biệt giam) và ép buộc ông phải đọc bản nhận tội đã được soạn trước trên truyền hình. Ông Lam nói ông và đồng sự bị bắt vì hoạt động xuất bản các cuốn sách liên quan tới đời sống tình ái của lãnh đạo chóp bu ở Trung Quốc đại lục.

https://www.youtube.com/watch?v=bVsW0qknigU

Ông Lam là một trong 5 người làm việc tại nhà xuất bản Mighty Current ở Hồng Kông bị báo cáo mất tích năm ngoái. Theo tờ báo Telegraph của Anh, nhiều nhà quan sát nói ông và đồng sự đã bị Bắc Kinh đặt trong tầm ngắm vì các cuốn sách nhạy cảm đối với chính quyền Hoa Lục.

Lý giải về lý do ông bước ra công chúng và chấp nhận chịu nguy hiểm để “nói lên sự thật”, ông Lam giải thích rằng có những giá trị cốt lõi mà người Hồng Kông cần bảo vệ:

Nếu bản thân tôi là người ít chịu tổn hại nhất trong 5 nhà xuất bản sách, mà giữ im lặng thì Hồng Kông sẽ không còn gì để hy vọng”, ông Lam nói. Không giống như 4 người còn lại, ông Lâm không còn gia đình tại Đại Lục, đây có thể là lý do khiến ông công khai sự việc mình bị bắt và ép làm lời khai giả hồi năm ngoái.

Tôi phải gồng rất nhiều can đảm và mất 2 ngày thức trắng suy nghĩ. Nhưng tôi đã quyết định sẽ nói toàn bộ câu chuyện với các bạn và với cả thế giới, sự việc này không chỉ là về tôi hoặc hiệu sách, đó là về giá trị cốt lõi mà người Hồng Kông cần bảo vệ”.

Người Hồng Kông sẽ không cúi đầu trước những lực lượng tàn bạo”, ông Lam tuyên bố.

Ảnh: Youtube

Ông Lam Wing-kee trong buổi họp báo. (Ảnh: Youtube)

Trước năm 1997, Hồng Kông có 100 năm đặt dưới sự quản lý của Anh. Thành phố này được hưởng quy chế một quốc gia hai chế độ, trong đó có nhiều quyền tự trị và tự do mà người Trung Quốc ở đại lục không được hưởng. Tuy nhiên những năm gần đây, người Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ ngày càng lo ngại nguy cơ sói mòn các quyền dân chủ của họ từ động thái chén ép của Bắc Kinh. Vụ 5 nhà xuất bản sách mất tích đặc biệt gây sự chú ý.

Phản ứng trước thông cáo của ông Lam, ông Claudia Mo, thuộc đảng Dân sự (Civic) Hồng Kông nói với tờ Telegraph: “Chuyện này khiến tối nhớ tới những câu chuyện về những gì đã xảy ra ở Đông Đức trong những năm 1970, 1980, trước khi Bức tường Berlin sụp đổ”.

Thật không thể tin nổi. Họ hành xử như côn đồ. Những người đã bắt cóc ông ấy thậm chí còn không phải đến từ cảnh sát hay quân đội. Tất cả chuyện này đều làm rất lén lút”.

Ông Lam nói rằng ông đã bị biệt giam trong một căn phòng rất nhỏ, có một đội ngũ giám sát từng cử động, sau khi bị bắt cóc bởi một “lực lượng đặc biệt” ngay sau khi ông đặt chân tới đại lục hồi tháng 10 năm ngoái.

Ông Lam Wing-kee, 61 tuổi (mặc áo trắng) trong buổi họp báo tố cáo Bắc Kinh bắt cóc và ép cung hôm 16/6. (Ảnh: Youtube)

Ông Lam Wing-kee, 61 tuổi (mặc áo trắng) trong buổi họp báo tố cáo Bắc Kinh bắt cóc và ép cung hôm 16/6. (Ảnh: Youtube)

Ngay trong hôm thứ Sáu (17/6), nhiều người Hồng Kông tập trung biểu tình phản đối Bắc Kinh trước cửa văn phòng Liên lạc Trung Quốc. Một số người cầm biểu ngữ ủng hộ ông Lam và hô “Bảo vệ tự do cho người Hồng Kông”.

Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) thủ lãnh trẻ của phong trào biểu tình Ô Dù vàng hồi năm 2014, hiện là sáng lập viên một đảng chính trị mới ở Hồng Kông nói rằng tiết lộ của ông Lam cho thấy nhà nước Trung Quốc muốn “đàn áp” Hồng Kông, và là minh chứng cho sự kết thúc của đặc quyền “một quốc gia, hai chế độ” của người Hồng Kông.

Ông Lam là người đầu tiên trong số 5 người Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giam hồi năm ngoái công khai tố cáo Bắc Kinh bắt cóc và dàn dựng vụ “thú tội”, trong đó ông khai rằng ông tự nguyện đến Trung Quốc và giao nộp cho cơ quan an ninh.

Bốn người Hồng Kông khác, trong đó có công dân Anh Lee Po và công dân Thụy Điển Gui Minhai, cũng bị mất tích trong khoảng tháng 10 năm ngoái. Ông Gui biến mất trong khi đang đi nghỉ tại Thái Lan, hiện vẫn bị giam tại Đại Lục, trong khi 3 người còn lại đã được thả nhưng bị cho là phải chịu sự theo dõi sát sao của chính quyền Trung Quốc.

Ân xá Quốc tế đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc chấm dứt những “lừa dối” về vụ bê bối bắt các nhà bán sách Hồng Kông sau khi ông Lam tiết lộ cho báo giới.

Bạch Vân (tổng hợp)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc