Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Thu hồi đất sân golf mở rộng sân bay: Sao chậm thế?

Tại sao việc thu hồi sân golf lại kéo dài và nhiêu khê vậy? Có chăng nhóm lợi ích chi phối hoạt động liên sân golf và sân bay Tân Sơn Nhất?

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 9/5, một trong những vấn đề được rất nhiều cử tri quận Tân Bình (TP.HCM) nêu ý kiến và yêu cầu Quốc hội xem xét lại là việc hiện diện của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Các cử tri cho rằng việc xây dựng sân golf chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ngập nước, kẹt xe trong thành phố. Nhiều ý kiến đề nghị thu hồi sân golf để giải quyết việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải như hiện nay.

Cử tri đề nghi thu hồi đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay

Cử tri đề nghi thu hồi đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay

Cử tri đề nghi thu hồi đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chương, ĐBQH TP.HCM khẳng định hoàn toàn đồng tình với những kiến nghị trên của cử tri.

Theo ông Chương, ông đã tiếp xúc cử tri quận Tân Bình nhiều lần. Đa số cử tri là các sĩ quan quân đội từng làm việc trong sân bay, trong quân chủng phòng quân không quân. Đại tá, anh hùng Nguyễn Thành Trung cũng lên tiếng phản đối dự án sân golf trong sân bay.

“Ngay từ Quốc hội khóa XIII, người dân quận Tân Bình đã kiến nghị phải đóng cửa sân golf và rời đi để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc.

Cử tri nêu ra 3 vấn đề. Một là sân golf không ai làm trong thành phố. Thứ hai, làm sân golf gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, từ khi sân golf hoạt động đến giờ gây ra tình trạng ngập nước sân bay ảnh hưởng tới việc đỗ, đậu của các máy bay.

Từ lâu, nhân dân có kiến nghị nhà nước đóng cửa sân golf và rời sân golf đi ngay để mở rộng sân golf về hướng Bắc. Tuy nhiên những giải thích của Bộ Quốc phòng hay Bộ Kế hoạch đầu tư lâu nay khiến người dân không đồng tình. Kiến nghị của người dân là đề nghị Chính phủ, Quốc hội phải có giám sát độc lập và đóng cửa ngay sân golf”, ông Chương nói.

Vị ĐBQH TP.HCM cho rằng, việc đóng cửa sân golf và lấy 157 ha mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện sân bay Long Thanh chưa hoạt động vào thời điểm này là cần thiết. Tại kỳ họp Quốc hội tới, nếu có điều kiện, ông Chương khẳng định sẽ đưa những ý kiến của cử tri quận Tân Bình ra Quốc hội.

Chưa có tiền lệ trên thế giới

Chia sẻ thêm với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Trưởng bộ môn Kinh tế học, ĐH Kinh tế – Luật ĐHQG TP.HCM cho rằng những kiến nghị của cử tri TP.HCM hoàn toàn có cơ sở.

Theo PGS.TS Nga, với lịch sử gần 90 năm, sân bay Tân Sơn Nhất có vai trò quan trọng trong lịch sử miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, nhất là sau khi chúng ta mở cửa nền kinh tế. Đây là một trong 50 sân bay có lượng hành khách lớn nhất thế giới.

“Sân golf là một tài sản lớn và là tài sản của tư nhân, chưa có nơi nào sân golf là tài sản công. Vì vậy việc xây dựng sân golf trên tài sản công, hơn nữa trên đất quân sự thuộc sân bay lại càng không hợp lý. Đây là lỗ hổng của thể chế và chính sách cần được điều chỉnh”, ông Nga nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga nhắc đến việc hồi tháng 2 năm nay, 21ha đất vốn là sân đỗ quân sự của Bộ Quốc phòng đã được bàn giao cho Cục hàng không để làm đường lăn, sân đỗ máy bay dân dụng đảm bảo nhu cầu tăng thêm 10 triệu hành khách/năm của sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên theo vị chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải gốc rễ để giải quyết vấn đề.

“Việc xây dựng sân golf là một “sáng tạo” không giống ai của một nhóm cá nhân và chưa có tiền lệ trên thế giới!

Tuy nhiên việc thu hồi 157 ha ngay lập tức rất khó có tính khả thi và việc bàn giao 21 ha để mở rộng đường bay là hợp lý để giải quyết bài toán ngắn hạn. Về dài hạn cần thu hồi toàn bộ 157 ha để đảm bảo an toàn và phục vụ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Nga nhấn mạnh.

Việc chần chừ trả lại 157 ha dù cử tri đã kiến nghị từ lâu, vị Phó Giáo sư cho rằng có thể hiểu đây là sự bất lực của cơ quan chức năng liên quan. Thứ hai có thể là do hợp đồng chuyển giao bị ràng buộc nhiều bên liên quan, trong đó có nhiều quan chức đương nhiệm và quá khứ. Thứ ba là do sự không quyết đoán của chủ sở hữu đất sân bay. “Đây gọi là bi kịch Tài sản công đất đai kiểu cha chung không ai khóc”, ông Nga nói.

Trưởng bộ môn Kinh tế học nhận định, đất sân golf vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên khi đã bàn giao đất thì hợp đồng sẽ được ghi thời hạn sử dụng đất để chủ đầu tư có thể sử dụng hiệu quả và thu hồi vốn.

“Việc giao lại sân golf qui mô 157 ha không thể đơn giản một sớm một chiều như việc trả lại tài sản đơn giản bởi sự ràng buộc về mặt pháp lý. Tôi thấy phát biểu của một số lãnh đạo về dự án trên không mang tính xây dựng và đá quả bóng trách nhiệm sang đối tượng khác và cao hơn.

Vậy tại sao việc thu hồi sân golf lại kéo dài và nhiêu khê vậy? Có chăng nhóm lợi ích chi phối các hoạt động liên quan đến sân golf và các hoạt động khác tại sân bay Tân Sơn Nhất?

Chúng ta phải cương quyết thu hồi và xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đối với việc xây dựng và sử dụng sân golf Tân Sơn Nhất”, ông Nga nêu quan điểm.

Hà Hoàng

Theo baodatviet.vn

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Thu hồi đất sân golf mở rộng sân bay: Sao chậm thế?”

  1. vu duc khoi 26/05/2017

    Theo tôi việc cần thiết là thu hồi nhanh và xem xét động cơ của người đề xuất, thẩm định, duyệt dự án này. Có như vậy cán bộ mới hết dám làm bậy. Rõ ràng việc này họ dám bán cả kinh tế và quốc phòng của Quốc gia chỉ vì lợi ích của một số ít người.

    Reply

Ý kiến bạn đọc