Home » Xã hội » Lập ngư đội ra khơi

Từ việc tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển nước ta, ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng phải tổ chức lại sản xuất của ngư dân theo mô hình tàu mẹ – con, hỗ trợ bảo vệ nhau trên biển.

Trao đổi với VnExpress.net hôm 30/5, ông Lăng cho biết, Hội nghề cá Việt Nam phản đối tàu Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, có hành vi đe dọa lợi ích chính đáng của ngư dân. Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng khẳng định việc tàu Trung Quốc xâm phạm ngư trường của Việt Nam đã diễn ra từ lâu. Song, gần đây mức độ trở nên rất nghiêm trọng.

“Tàu cá Trung Quốc trước kia đi đơn lẻ, song 1-2 năm gần đây đi thành từng tốp 5-7 chiếc, dàn hàng ngang xâm nhập sâu vào trong ngư trường và đe dọa các tàu cá của chúng ta”, ông Thắng cho biết.

Hội nghề cá cho rằng cần tổ chức lại sản xuất để ngư dân an toàn khai thác thủy sản. Theo ông Lăng, về lâu dài mô hình tàu mẹ – tàu con sẽ rất hiệu quả. Cần có tàu lớn hỗ trợ bảo vệ, phục vụ hậu cần, vừa thu mua hải sản tại chỗ để ngư dân bám biển dài ngày. “Hoạt động đánh cá của ngư dân theo mùa vụ, do đó các tàu cần phát triển theo hướng đa nghề như nghề câu, lưới chuồn, cào…”, ông Lăng nói.

Khoảng 2 năm nay, mô hình đội ngư tàu ra khơi đánh bắt dài ngày đã được một số địa phương triển khai. Theo đó nhiều tàu đánh cá liên kết lại thành một nhóm, phân công nhiệm vụ để hỗ trợ lẫn nhau. Ở Khánh Hòa hiện có hai đội tàu tự quản khá hiệu quả là ngư đội Song Tử Tây và ngư đội Trường Sa Lớn – lấy tên theo những địa danh nổi tiếng của quần đảo Trường Sa. Hai đội chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương.

Ông Trần Văn Đạt, đội trưởng ngư đội Song Tử Tây cho biết, hiện ngư dân gặp nhiều khó khăn vì thời tiết làm mất mùa vụ cá nam, giá dầu tăng và thường xuyên gặp tàu của nước ngoài quấy nhiễu. “Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, vẫn hoạt động đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa”, ông Đạt nói.

Các đội tàu ngư dân Quảng Ngãi khởi hành ra khơi. Ảnh: Trí Tín
Các đội tàu ngư dân Quảng Ngãi khởi hành ra khơi. Ảnh: Trí Tín

Song Tử Tây và Trường Sa Lớn là hai ngư đội được thành lập trên mô hình tàu mẹ, tàu con. Đó là sự phối hợp giữa Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH Một thành viên 128, ngư dân và doanh nghiệp thu mua hải sản. Trong đó, hai tàu của Công ty 128 có công suất lớn nhất làm nhiệm vụ “tàu mẹ”, chuyên cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá theo giá bán ở đất liền gồm: cung cấp xăng, dầu, thực phẩm, nước ngọt… cho các “tàu con”. Tàu này còn có nhiệm vụ thu gom cá đã đánh bắt và sơ chế của hai ngư đội chở về đất liền bán cho doanh nghiệp chế biến. Giá thu mua ở biển bằng giá tại đất liền. Tuy nhiên hiện tại do tình hình thời tiết không thuận lợi và các hoạt động quấy nhiễu của Trung Quốc nên mô hình này tạm thời ngừng hoạt động.

Theo ông Mai Thành Phúc, đội trưởng ngư đội Trường Sa Lớn, hàng trăm ngư dân vẫn thường xuyên bám biển, rải từ vĩ độ 7 đến vĩ độ 13, 14, do đó ngư đội nhiều lúc áp sát với tàu của Trung Quốc. “Những tàu này có kích thước lớn với chiều dài hơn 30 m, gấp đôi tàu cá Việt Nam. Nhiều lần chúng tôi bị họ phá dây câu và có hành động xua đuổi. Do đó việc đi tàu lẻ đánh cá là rất mạo hiểm”, ông Phúc khẳng định.

Ở Khánh Hòa hiện có khoảng hơn 300 tàu đánh cá xa bờ, trong đó có 160 tàu câu cá ngừ đại dương. Tuy nhiên việc hợp tác, thành lập các ngư đội chỉ mới manh nha, chưa có tính chuyên nghiệp.

Trong khi đó ngư dân Quảng Ngãi chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng những tổ tàu tự quản đến liên kết ra khơi. Các đội tàu ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, còn tự nguyện góp quỹ “Tương trợ hoạn nạn” khi hành nghề trên biển. Quỹ này làm nguồn chi phí dự phòng để khi tàu nào gặp rủi ro, tai nạn bất ngờ trên biển thì trích ra hỗ trợ sửa chữa hoặc mua dầu lai dắt tàu bị hỏng hóc về đất liền.

Mỗi nhóm ra khơi ít nhất từ 3 đến 5 tàu cá, nên khi có tàu nào gặp bất trắc thì các tàu còn lại hỗ trợ, thông báo cho thành viên trong tổ biết để chủ động ứng cứu kịp thời.

Nhờ có đội tàu tự quản này mà nhiều trường hợp tàu cá của xã gặp nạn trong bão hoặc bị tàu lạ đâm chìm, các ngư dân được cứu sống. Chẳng hạn như mới đâu tàu cá của ông Đặng Nam bị tàu lạ đâm chìm ở vùng biển giữa Hoàng Sa, thuyền trưởng Huỳnh Thỏ vội đưa tàu đến cứu 9 đồng nghiệp rồi chuyển sang tàu của thuyền trưởng Lê Lùng đưa vào bờ kịp thời cấp cứu.

Tổ tự quản của ông Nam có 7 chủ tàu chia thành 3 nhóm. Nhờ có phương tiện Icom nên mỗi nhóm đánh bắt cách nhau hàng trăm hải lý mà vẫn gắn bó mật thiết. Trước khi tàu ra khơi, các chủ tàu thống nhất tín hiệu với nhau, khi tàu nào phát hiện địa điểm mình đánh bắt có nhiều cá thì dùng Icom gọi chia sẻ ngư trường.

Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An Nguyễn Tấn Chuồng nhẩm tính, toàn xã đã hình thành 56 tổ tự quản tàu thuyền. Còn ở huyện Đức Phổ có khoảng 65 tổ tự quản. Mỗi đội tàu có 6 đến 30 chiếc chuyên đánh bắt thủy sản ở khơi xa.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Phùng Đình Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích ngư dân xây dựng thêm tổ, đội tàu thuyền tự quản, đoàn kết tương trợ lẫn nhau khi hành nghề trên biển Đông”.

Cuối tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị phê duyệt đề án Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ là lực lượng chuyên trách, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển Việt Nam. 10 chiếc tàu kiểm ngư sẽ được đóng mới với công suất từ 3.000 CV, trang bị thiết bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8, cấp 9 và dài ngày trên biển. Đội tàu kiểm ngư địa phương cũng được thành lập. Tổng đầu tư gần 2.100 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ từ vốn Trung ương.

Nhóm phóng viên

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc