Home » Xã hội » 12 năm tù cho kẻ đánh chết người cự cãi CSGT
phien toa
Rất đông người dân đến tòa để theo dõi vụ án.
Lê Thanh Bằng (37 tuổi) và Võ Văn Tòng (19 tuổi) đánh người chỉ vì “bực tức, muốn đánh dằn mặt nạn nhân vì dám cự cãi CSGT, làm nạn nhân tử vong” bị tuyên phạt 12 và 4 năm tù.

Ngày 13-11, TAND Q.Tân Phú đã đưa ra xét xử sơ thẩm Bằng và Tòng về tội cố ý gây thương tích, làm chết ông Trần Văn Hiền (42 tuổi, ngụ Q.Bình Tân).

Vụ việc xảy ra ngay sau khi ông Hiền có cự cãi với CSGT Công an Q.Tân Phú vào ngày 9-4-2013 tại đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú. 

Tòa đã buộc Bằng bồi thường 283,5 triệu đồng cho vợ con ông Hiền, bồi thường cho mẹ nạn nhân 20 triệu đồng cùng 1 triệu đồng/tháng tiền trợ cấp. 

Nhóm CSGT không liên quan

Phiên tòa này là lần thứ hai được xét xử theo trình tự sơ thẩm. Trước đó đã một lần hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung và một lần khác đề nghị điều tra bổ sung.

Trong hai lần trên, TAND Q.Tân Phú yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ mối quan hệ giữa Bằng, Tòng và nhóm CSGT mà ông Hiền cự cãi.

Đề nghị cơ quan điều tra thu giữ vật chứng quan trọng là điện thoại của Bằng sử dụng để làm rõ các số điện thoại gọi đi, gọi đến là của ai, có quan hệ với vụ án như thế nào mà cơ quan điều tra không thu giữ và một số chi tiết quan trọng khác.

Qua hai lần kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm, khẳng định không có mối quan hệ nào giữa nhóm CSGT với Bằng và Tòng. 

Luật sư đại diện gia đình người bị hại đã đề nghị triệu tập nhóm cán bộ CSGT với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới phiên tòa để làm rõ một số vấn đề.

Tuy nhiên đại diện viện kiểm sát khẳng định các lời khai đã có trong hồ sơ, xét thấy không cần thiết.

Chủ tọa phiên tòa kết luận: “Kết quả điều tra đã xác định nhóm CSGT không liên quan, không có nghĩa vụ, quyền lợi nên không thể triệu tập tới tòa”.

CSGT lập chốt ở bãi xe, sử dụng thiết bị của bị cáo

Trong phần xét hỏi, Bằng trình bày: “Chiều 9-4-2013, bị cáo đi nhậu cùng bạn làm ăn từ lúc 17g, tới hơn 21g về bãi xe thấy CSGT làm việc ở đó, ông Hiền cự cãi, vung chân vung tay, đập điện thoại. Bị cáo vào trong bãi xe khoảng 10 phút, quay ra tìm vợ thì ông Hiền vẫn ở đó. Tiếp đó, ông Hiền bước ra đón xe ôm đi khỏi cổng bãi xe. Bị cáo chạy xe đuổi theo, ép xe chở ông Hiền vào lề đường và đánh ông Hiền”.

Trả lời câu hỏi chủ tọa phiên tòa về mối quan hệ giữa nhóm CSGT và Bằng, Bằng khẳng định nhóm CSGT chỉ ở trước cổng bãi xe (512 Lê Trọng Tấn, cách đường khoảng 20m), ở đó có bàn ghế, bóng điện của Bằng nhưng Bằng không chủ ý cho mượn địa điểm để CSGT làm việc.

Sau nhiều câu trả lời vòng vo, nói không có quan hệ với nhóm CSGT, hội đồng xét xử lập luận: “Tại sao nói không có mối quan hệ mà CSGT lại chọn bãi xe của bị cáo để lập chốt kiểm tra, xử lý, sử dụng bàn ghế, mặt bằng thuộc quyền của bị cáo?”.

Bằng nói: “Bị cáo cũng có quen biết với mấy CSGT làm ở đó, có quen anh Công và anh Hiếu nhưng không thân thiết”.

Có thể có người thứ ba?

Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ cho gia đình người bị hại không đồng ý với lập luận của đại diện viện kiểm sát.

Theo cáo trạng, động cơ gây án của Bằng do bức xúc là hết sức phi lý.

CSGT dùng bãi xe của Bằng làm điểm xử lý vi phạm giao thông, có quen biết, Tòng lại ở vị trí CSGT vào đêm khuya nên lời khai của các bị cáo khẳng định không có quan hệ với CSGT là không đáng tin cậy.

Qua hồ sơ vụ án, các lời khai của bị cáo, người thân bị cáo và nhóm CSGT đều thể hiện có sự quen biết, mối quan hệ nhất định giữa một số CSGT với hai bị cáo.

Trong khi điện thoại của bị cáo có nhiều số điện thoại, tin nhắn liên lạc liên tục trước, trong và sau thời điểm xảy ra vụ việc nhưng cơ quan điều tra không làm rõ những người sử dụng điện thoại này là ai, nội dung trao đổi là gì, có liên quan tới vụ án như thế nào. 

Qua nhiều lần điều tra bổ sung, cơ quan điều tra khẳng định hai bị cáo cùng nhóm CSGT không có liên quan với nhau là không đáng tin cậy, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. 

Quá trình điều tra không lấy lời khai nhiều nhân chứng, bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng. 

“Đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ có hay không mối quan hệ giữa các bị cáo với nhóm CSGT và có người thứ ba dùng hung khí tấn công ông Hiền hay không” – luật sư Nguyễn Kiều Hưng, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân, nói.

Đại diện Viện KSND Q.Tân Phú khẳng định CSGT trình bày không biết có việc cự cãi là phù hợp.

Bằng khai có quan hệ với CSGT, nhóm CSGT cũng thừa nhận nhưng chỉ ở mức độ quen biết do Bằng, Tòng kinh doanh vận tải, thường xuyên gặp nên có quen.

Nếu có làm rõ số điện thoại của nhóm CSGT với các bị cáo cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định họ có liên quan.

Quá trình thực nghiệm điều tra có thể xê dịch, nhưng về cơ bản không ảnh hưởng tới bản chất vụ án nên giữ nguyên quan điểm, không đồng ý trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trước lập luận của hai phía luật sư và viện kiểm sát, chủ tọa phiên tòa cho rằng qua hai lần trả hồ sơ mà không làm rõ được các chi tiết trên nên không cần trả hồ sơ nữa.

Bực bội nên đánh dằn mặt

Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử về lý do đánh ông Hiền, Bằng nói: “Lúc đó bị cáo bức xúc chuyện gia đình, thấy ông Hiền chửi bới CSGT, bực bội nên đánh dằn mặt chứ không cố ý đánh chết ông Hiền. Cũng không có ai xúi bị cáo đánh ông Hiền hết”.

Với bị cáo Võ Văn Tòng, hội đồng xét xử hỏi: “Vì sao bị cáo thường xuyên đi theo lực lượng CSGT làm nhiệm vụ?”.

“Bị cáo thấy đông người tụ tập, thích đi theo để xem, không có quan hệ gì với CSGT” – Tòng nói.

Hội đồng xét xử nhắc lại trong phiên tòa trước bị cáo khai có biết, có nói chuyện với CSGT, tại sao giờ lại nói không? “Bị cáo cũng có biết anh Hiếu nhưng không thân lắm” – Tòng trả lời. Tòng được xác định có vai trò đồng phạm giúp sức cho Bằng trong vụ đánh ông Hiền.

GIA MINH

Theo tuoitre

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc