Home » Cổ truyền, Văn hóa » Những thác nước VN gắn liền với sự tích tình yêu
Đằng sau vẻ hùng vĩ và thơ mộng của mỗi con thác còn là những câu chuyện tình yêu huyền thoại. Và ngày hôm nay, đến thăm thác nước nơi sơn thủy hữu tình, chúng ta vẫn còn thấy chứng tích của mối duyên tình ấy. 

Thác Tình Yêu (Sapa, Lào Cai)

Thác Tình Yêu bên suối Vàng (Ảnh: Trang_cindy, Flickr)

Thác Tình Yêu bên suối Vàng (Ảnh: Trang_cindy, Flickr)

 

Thác Tình Yêu bắt nguồn từ câu chuyện tình của chàng tiều phu Ô Qui Hồ và nàng tiên thứ bảy. Chuyện kể rằng, Ô Qui Hồ là con trai cả của Sơn Thần, ngự trị trên dãy núi Ai Lao. Vì say mê những cây sáo trúc mà buông lơi tu luyện, nên chàng bị cha đày xuống đỉnh núi để trồng trúc, thổi sáo, và chăn mây.

Khung cảnh sơn thủy hữu tình làm đắm say lòng người, khiến các nàng tiên trên Thượng giới vẫn thường giáng hạ và đùa nghịch bên làn nước trong xanh. Thác nước đổ xuống tạo thành một bồn tắm thiên nhiên, vì thế, các nàng tiên vẫn thường chọn nơi đây làm bến tắm và vui chơi thưởng ngoạn cho đến khi mặt trời xuống núi mới vội vã bay về trời.

Một ngày, nàng tiên thứ bảy phát hiện tiếng sáo của Ô Qui Hồ, nàng lại gần và nghe chàng thổi sáo. Từ đó, ngày nào nàng cũng đến bên thác nước để cùng chàng thưởng thức tiếng sáo mê hồn. Cho đến khi bị cha mẹ phát hiện và không cho phép xuống hạ giới, nàng chỉ còn cách đến cổng trời và nhìn xuống thác nước, nơi có chàng tiều phu thổi sáo. Nỗi đau buồn  chia ly biến nàng thành một loài chim màu vàng, bay quanh đỉnh núi và kêu lên “Ô Qui Hồ” da diết, khôn nguôi.

Thác Dải Yếm (Mộc Châu, Sơn La)

Thác Dải Yếm (Ảnh: ePi.Longo, Flickr/Wikipedia)

Thác Dải Yếm (Ảnh: ePi.Longo, Flickr/Wikipedia)

 

Tên gọi đậm chất thơ này bắt nguồn từ truyền thuyết rằng ngọn thác chính là dải yếm của người con gái cứu một chàng trai khỏi dòng nước lũ.

 

Thác là hợp lưu của hai dòng suối là suối Vặt và suối Bó Sập, khi gặp vùng đá vôi thì đổ xuống tạo thành thác Dải Yếm. Nhìn từ xa, thác giống như dải lụa trắng hững hờ đứng giữa trời và đất.

Nhìn từ xa, thác giống như dải lụa trắng hững hờ đứng giữa trời và đất (Ảnh: Jihadv, Flick/Wikipedia)

Nhìn từ xa, thác giống như dải lụa trắng hững hờ đứng giữa trời và đất (Ảnh: Jihadv, Flick/Wikipedia)

Thác Datanla (Đà Lạt, Lâm Đồng)

Thác Datanla, Lâm Đồng (Ảnh: Datanla Waterfall, Wikipedia)

Thác Datanla, Lâm Đồng (Ảnh: Datanla Waterfall, Wikipedia)

 

Nhắc đến Datanla thì không thể không nhắc đến con suối bên dưới thác là Suối Tiên và vực sâu bên trên tên là Vực Tử Thần. Đây là nơi gắn liền với nhiều truyền thuyết đậm chất thơ.

Theo một truyền thuyết, Datanla là nơi dũng sĩ K’Lang gặp nàng Hobiang. Tại đây, chàng Lang đã giao chiến với một bầy thú dữ. Cuộc giao tranh khiến cuồng phong nổi lên và rừng cây đổ xuống, tạo thành những hố sâu hun hút. Một trong số đó là Vực Tử Thần ở chân thác. Từ đó, Datanla là thác nước hẹn hò của đôi tình nhân.

Truyền thuyết thứ hai mang màu sắc thần kỳ hơn. Tương truyền, dòng suối trong vắt và được che phủ bởi nhiều tầng lá bên dưới chân thác là nơi các nàng tiên vẫn thường xuống tắm. Khi người dân K’Ho phát hiện ra dòng thác bên dưới những tán lá rậm rạp, họ đã đặt tên cho nơi đây là “Đạ Tam Nnha”, theo tiếng dân tộc K’Ho nghĩa là “dưới lá có nước”. Sau đó, khi người Kinh đến đây, họ đã đổi tên thành Đatina và rồi thành Datanla như ngày nay.

Thác Draysap (Đắk Nông, Tây Nguyên)

Thác Draysap ở Đắk Nông, Tây Nguyên (Ảnh: Đỗ Tuấn Hưng, Wikipedia)

Thác Draysap ở Đắk Nông, Tây Nguyên (Ảnh: Đỗ Tuấn Hưng, Wikipedia)

 

Ngày xửa ngày xưa, có một thiếu nữ Ê-đê xinh đẹp tên là H’Mi. Nhiều chàng trai trên khắp các buôn làng M’Nông đều thầm thương trộm nhớ, đến cầu hôn nhưng đều bị nàng khước từ. Nàng H’Mi đã có hẹn ước với một chàng trai nghèo khổ nhưng hiền lành trong bản.

Một ngày, khi cả hai đang ở trong rừng, đột nhiên xuất hiện một con quái vật phun nước sông tạo thành một cột nước khổng lồ quét về phía hai người. Chàng trai bị bắn ra xa rồi ngất lịm, đến khi tỉnh dậy, chàng mới hay H’Mi đã bị quái vật bắt đi. Quá đau khổ, chàng đã biến thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá.

Nơi chàng đứng trở thành rừng cây bên bờ đá, còn vị trí quái vật lao xuống biến thành thác nước ngày nay. Dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo nên những bụi nước giống như màu sương khói, vì lẽ đó, thác được đặt tên là Draysap, nghĩa là “Thác Khói”.

Draysap01

Thác Draysap còn được gọi là “thác Khói” (Ảnh: Đỗ Tuấn Hưng, Wikipedia)

 

Thác Draynur (Đăk Lăk, Tây Nguyên)

Draynur_falls

Thác Draynur gắn liền với mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng Tây Nguyên (Ảnh: Y Kpia Mlo, Wikipedia)

 

Câu chuyện tình yêu của thác Draynur được ví như “Romeo và Juliet” của núi rừng Tây Nguyên. Chuyện kể rằng, hai bản làng Tây Nguyên có đôi trai gái yêu nhau tha thiết. Nhưng vì  xung đột giữa hai bản, nên đôi bạn trẻ bị ngăn cấm và chia lìa. Không thể hòa giải cuộc xung đột này, cả hai đã nhảy xuống sông để được trọn đời bên nhau. Đau thương trước mối tình oan trái, trời đã nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng, chia con sông thành hai nhánh ngăn cách đường đi của hai dòng tộc…

Draynur còn gắn liền với một truyền thuyết khác, bắt nguồn từ hang động được cho là nơi ở của vua Thủy Tề. Vua Thủy Tề có một người con trai khôi ngô, tuấn tú tên là Nur. Một ngày, chàng Nur gặp hai nàng công chúa vô cùng xinh đẹp, vì vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó. Thương hai người con gái còn trẻ, chàng theo về nhà giúp hai nàng vượt qua cơn khốn khó, thế rồi họ cùng chung sống hạnh phúc bên nhau.

Được một thời gian, chàng Nur nhớ vua cha nên muốn trở lại thủy cung, nhưng công chúa vợ chàng lại tìm đủ mọi cách ngăn giữ, không rời chồng một bước. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt qua màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy chàng Nur trở lại. Từ đó, ngọn thác này được đặt tên là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng.

Khi đến thăm Draynur, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một ngọn thác hùng vĩ, bọt tung trắng xóa, nước ào ạt đổ từ trên cao xuống tựa như nước mắt khóc kẻ ở người đi. Phía sau làn nước là một hang động lớn của chàng Nur, nhìn ra bên ngoài qua bức tường nước là ánh sáng mờ ảo và những tảng đá nhiều hình thù kỳ dị.

Thác Dambri (Lâm Đồng)

Thác Dambri là ngọn thác hùng vĩ, đẹp và cao nhất ở Lâm Đồng (Ảnh: Teijo Hakala, Wikipedia)

Thác Dambri là ngọn thác hùng vĩ, đẹp và cao nhất ở Lâm Đồng (Ảnh: Teijo Hakala, Wikipedia)

 

Tên gọi “Dambri” xuất phát từ câu chuyện tình của một đôi trai gái người Cơ Ho. Họ yêu nhau tha thiết và vẫn thường hò hẹn bên thác nước nơi núi rừng. Một ngày nọ, chàng trai bỗng mất tích và mãi mãi không trở về. Cô gái khóc mãi, khóc mãi… chờ mãi, chờ mãi… nhưng vẫn không thấy người nàng yêu quay lại. Dần dần, nước mắt của nàng đọng lại và chảy thành dòng thác lớn. Người dân K’Ho đặt tên cho ngọn thác này là Dambri, nghĩa là ngọn thác “Đợi Chờ”.

Thác Voi (Lâm Đồng)

Bên thác có những tảng đá hình dáng của chú voi nên được gọi là “Thác Voi” (Ảnh: Ian Amstrong, Wikipedia)

Bên thác có những tảng đá hình dáng của chú voi nên được gọi là “Thác Voi” (Ảnh: Ian Amstrong, Wikipedia)

 

Theo truyền thuyết, tù trưởng của vùng núi Jơi Biêng sinh hạ một nàng công chúa vô cùng xinh đẹp. Tiếng hát của nàng làm lá rừng thôi xào xạc, chim rừng ngừng tiếng hót để lắng nghe. Nàng đem lòng thương nhớ người con trai của một tù trưởng làng bên. Họ đã trao lời hẹn ước nên duyên chồng, nhưng chẳng bao lâu sau, chàng trai phải lên đường đánh giặc, và rồi nhiều mùa trăng trôi qua mà chàng vẫn không về.

Người con gái của núi rừng đã tìm đến ngọn núi hoang vắng nơi trước kia họ từng hò hẹn, cất tiếng hát tha thiết, sầu thảm với hy vọng người trong mộng tìm về chốn xưa. Tiếng hát của nàng khiến loài chim B’ling xúc động. Chúng rủ nhau bay đi thật xa để dò la tin tức rồi về báo cho nàng biết là chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trường. Không chấp nhận sự thật phũ phàng đó, nàng cứ hát, hát, hát mãi cho đến khi kiệt sức, và ngã xuống. Đàn voi phủ phục nghe nàng hát bấy lâu nay cũng hóa đá lặng câm.

Bất chợt, một tiếng nổ lớn vang lên, trời đất rung chuyển khiến ngọn núi gãy ngang và một dòng thác đột ngột tuôn chảy, tung bọt trắng xóa. Tiếng thác nước hòa cùng tiếng xào xạc của rừng cây, cất lên khúc hát về nàng sơn nữ xinh đẹp, thủy chung. Người K’Ho bèn đặt tên cho thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng, nghĩa là thác của những con voi hóa đá trước tình yêu son sắt của người con gái Jơi Biêng.

Hồng Liên

Theo daikynguyenvn

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc