Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Văn hóa cổ truyền là linh hồn của người Việt

Văn hóa là linh hồn của dân tộc, sự phát triển văn hóa định ra nền văn minh của một đất nước. Sự phá hủy hoàn toàn văn hóa của một dân tộc dẫn tới sự tiêu vong của dân tộc đó.

Văn hóa cổ truyền

Lịch sử và văn hóa luôn đi liền với nhau, văn hóa lưu giữ lịch sử thể hiện qua các tác phẩm văn học, lễ hội, di tích, lời ca, điệu múa. Văn hóa cũng truyền tải lại lời dạy của tổ tiên qua các câu truyện cổ tích, nhiều lễ hội tập tục cũng lưu lại nhũng tích cổ này để các thế hệ sau này ghi nhớ lời dạy của tổ tiên.

Văn hóa

Lễ tế đền Vua Đinh tại lễ hội cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Kien1980v, Wkipedia, Public Domain)

Sông Hồng là chiếc nôi của người Việt cổ cùng nền văn minh lúa nước, sau hàng nghìn năm phát triển hình thành nên văn hóa đặc sắc của người Việt. Các di tích lịch sử được xem là “tiếng vang của quá khứ”, nhiều di tích còn lưu lại như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng rất nhiều chùa và đình ở hầu khắp các địa phương, rất nhiều nơi duy trì lệ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Cùng với đó là ca trù, Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú thọ mổ tả lịch sử văn hóa của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Còn có rất nhiều lễ hội các làng ở địa phương diễn ra hàng năm.

Nhiều làng nghề truyền thống xưa kia tạo nên các sản phẩm đặc sắc, nay nhiều nơi đã không còn do sự phát triển công nghiệp hóa, tuy nhiên vẫn còn đó những làng nghề nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Phú Vinh, làng khảm trai Chuôn Ngọ, làng sơn mài Hạ Thái, làng gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận).

Bên cạnh các làng nghề luôn có các chợ quê họp theo chu kỳ để mua bán nông sản cũng như sản phẩm từ các làng nghề.

Lễ hội giúp kết nối với quá khứ, truyền tải lời dạy của tổ tiên

Rất nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm. Lễ hội cũng là dịp ôn lại truyền thống giúp lưu lại văn hóa cổ truyền của tổ tiên. Các lễ hội không thể thiếu loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc như rối nước, hát quan họ, chèo, tuồng, ca trù, hát xoan ở miền bắc. Cải lương ở miền nam. Nhã nhạc cung đình Huế.

Nhìn lại lễ hội của người Việt có thể thấy tín ngưỡng với thần linh của người xưa. Theo thống kê từ năm 2009 thì cả nước có đến 7.966 lễ hội, trong đó hầu hết là lễ hội dân gian với  7.039 lễ hội  (chiếm 88,36%), những lễ hội đều mang bản sắc văn hóa dân tộc, giúp kết nối với cội nguồn tổ tiên của người Việt.

Mỗi lễ hội đều gắn liền với một sự tích, vùng đất địa phương, hay câu chuyện lịch sử, truyền tải lại lời dạy của tổ tiên đối với con cháu sau này, giúp con cháu sau này hiểu và tự hào truyền thống cha ông để lại.

Dân ca quan họ

Dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng từ xưa đến nay, làn điệu dân ca đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng – cái nôi của người Việt, lời ca quan họ mô tả cuộc sống tình làng nghĩa xóm “thương người như thể thương thân”.

Cả tỉnh Bắc Ninh có đến 44 làng quan họ thì riêng huyện Tiên Du đã chiếm đến 9 làng. Nơi đây còn có lễ hội rất nổi tiếng là hội Lim, đây là lễ hội lớn ở Bắc Ninh tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, với hàng chục làng quan họ từ khắp vùng Kinh Bắc đổ về nơi đây dự hội.

Hội Lim

Hát quan họ trên thuyền vào hội Lim năm 2023. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL)

Vào lễ hội tiếng hát quan họ ngân vang từ trong đình ra đến sân chùa, từ trên bến xuống dưới thuyền, từ trên đồi xuống đến cánh đồng, đâu đâu cũng vang vọng làn điệu dân ca.

Lời ca quan họ là nghệ thuật cổ truyền độc đáo, trước đây không chỉ xuất hiện trong ngày hội mà cả các ngày lễ gia đình như sinh nhật hay cưới hỏi, giúp gắn kết con người, giáo dục truyền thống về tình cảm với quê hương, với con người, từ đó mà động viên giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế mà người dân ở làng quan họ có truyền thống rất trọng tình nghĩa.

       Ðem vàng mà bắc lên cân

       Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười

Hay:

       Tay nâng đĩa muối đĩa gừng

       Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau

Dù hát quan họ phổ biến ở Bắc Ninh, nhưng đạt đến nghệ thuật cao thì không dễ dàng:

“Cổ truyền Quan họ Bắc Ninh

Ai chơi Quan họ có tinh mới tường”

Đặc trưng của hát quan họ cổ là không cần khán giả hay người nghe, mà là lối hát giao duyên đối đáp với nhau.

Dòng sông quan họ

Sông Cầu dài 289 km, nhưng chỉ có 69 km chảy qua tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nơi đây hai bên bờ sông là 44 làng quan họ gốc Bắc Ninh, 6 làng quan họ gốc Bắc Giang. Có nghĩa là toàn bộ 44 làng quan họ của Bắc Ninh đều nằm ở hai bên bờ sông Cầu, vậy tại sao chỉ có nơi con sông này mới có quan họ?

69 km đoạn sông Cầu này có đặc điểm là nước không chảy ồn ào xối xả, mà chảy “lơ thơ”, dòng nước trong xanh soi tỏ bóng trăng những đêm tối, vì thế mà đoạn sông Cầu này còn có tên là sông Như Nguyệt. Mỗi vùng đất thổ nhưỡng khác nhau lại sinh ra con người với giọng nói khác nhau, có lẽ chỉ có đặc điểm như vậy mà những người sinh sống nơi đây mới phù hợp với làn điệu quan họ trữ tình đến vậy.

Là làng quan họ gốc nên nơi đây có những người vẫn giữ được nghệ thuật hát quan họ “có lề có lối” với “khuôn vàng thước ngọc”.

Vào giêng và tháng 2 là tháng của lễ hội, nhiều liền chị liền anh trong tà áo tứ thân, nón quai thao thướt tha cùng hát những làn điệu dân ca ngân vang cả trên thuyền dưới bến.

Nơi đây được xem là quê hương quan họ, nhạc sĩ Phó Đức Phương khi sáng tác bài hát về quê hương quan họ đã mô tả ràng: “Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Có hòa mình vào dòng chảy quan họ mới cảm nhận được dòng chảy lịch sử của dân tộc

Ánh Sáng


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc