Chính quyền và truyền thông trong nước hôm 30/10 đồng loạt lên tiếng bác bỏ đoạn video cùng thông tin “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn dàn siêu xe 55 chiếc về thăm quê”.
Chính quyền tỉnh Bến Tre tuyên bố rằng đoạn clip xuất hiện hôm 28/10 và sau đó nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội là “hoàn toàn sai sự thật”.
Báo Thanh Niên trích dẫn đại diện tỉnh này nói rằng thông tin đó là không đúng vì “ ngày 28.10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang chủ trì kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội”.
VTC News dẫn lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, cũng khẳng định điều này, và nói thêm rằng bà ngân “điều hành phiên họp cả ngày”.
Thế nhưng theo ghi nhận đoạn clip dài gần 20 phút trên mạng xã hội cho thấy nhiều chiếc xe lớn nhỏ gắn biển công vụ màu xanh phóng nhanh trên một con đường hẹp không rõ ở đâu, và được dẫn đường bởi xe cảnh sát.
Có thể nghe thấy những tiếng bình luận của người đứng bên đường như “xe của quốc hội đó”, “chiếc chở bả [bà] qua rồi” hay “đi sập cầu luôn đó”.
Tuy nhiên, theo tỉnh Bến Tre, “hình ảnh đoàn xe trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội là đoàn xe của các địa phương cùng các đơn vị chức năng tỉnh Bến Tre đang tham gia diễn tập hoạt động phòng thủ năm 2016”.
Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam cho biết rằng quê quán của bà Nguyễn Thị Kim Ngân “là xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre”.
Trên trang Facebook cá nhân, luật sư Võ An Đôn viết: “Xin lỗi Bà Chủ tịch Quốc hội vì hôm qua đã đăng clip về đoàn xe mà mọi người cho là “Chủ tịch Quốc hội về thăm quê”. Tôi chỉ là người đăng lại từ Facebook của một người cùng quê với Bà ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Mới đọc báo thấy thông tin không đúng nên tôi viết stt [dòng trạng thái] này, mong Bà thứ lỗi!”
Đoạn clip trên xuất hiện hơn hai tháng sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công khai ngỏ lời xin lỗi người dân sau khi xuất hiện đoạn video chiếu cảnh đoàn xe hộ tống ông đi vào đường cấm là phố đi bộ ở Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Ông Phúc được báo chí trong nước trích lời nói hôm 17/8: “Thủ tướng đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ôtô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”.
Giới quan sát cho rằng việc quan chức Việt Nam nhanh chóng lên tiếng trước các thông tin xuất hiện trên mạng cho thấy “sức mạnh ngày càng lớn” của các trang mạng xã hội.
Theo VOA
Tin liên quan:
>> Truyền thông Nhà nước cần phải làm gì để cho người dân tin?
>> Truyền thông Trung Quốc: Ai tin người đó bị lừa
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!